Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

Cơ-Đốc-Nhân Tuyệt Đối Không Đoán Xét Ai?


Cơ-Đốc-Nhân Tuyệt Đối Không Đoán Xét Ai?
Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét. Vì các ngươi đoán xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán xét lại thể ấy; các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho mực ấy. Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? Sao ngươi dám nói với anh em rằng: Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả hình! Trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được.” (Ma-thi-ơ 7: 1-5)
 Ngày nay, người ta coi thường những điều tuyệt đối. Họ nghĩ tới chỗ đứng chắc chắn của Cơ đốc nhân nào quá giản dị và không có tri thức. Lẽ đạo bị hất ra. Thoả hiệp thì bước vào. Các tiêu chuẩn công bình bị hất ra. Niềm tin vào sự thống nhất Cơ đốc giáo trên toàn cầu thì bước vào. Trong thời buổi lộn xộn nầy, dân sự của Đức Chúa Trời phải biết xét đoán đâu là đúng đâu là sai!... Chúa Giêxu có ý nói rằng chúng ta đừng nên phê phán, chỉ trích. Chúng ta không nên xét đoán, kiểm duyệt hay gắn nhãn cho người ta bởi những gì chúng ta nhìn thấy ở bề ngoài. Chúng ta đừng thải ra một câu về người khác vì những điều chúng ta nghe họ nói hoặc nhìn thấy họ làm hoặc đọc thấy về họ.” (Trích “Công bình trong xét đoán”)

Kết quả hình ảnh cho đoán xét
***
1. Chữ “đoán xét” trong Kinh thánh có nghĩa gì?
- Chữ "Xét đoán" đến từ chữ Hy lạp ‘krino’, có nghĩa là "phân biệt, lựa chọn hay quyết định"
Trước hết Chúa Jesus dạy “Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét…” – Lời dạy này có tính cách “luân lý” (không phải chân lý), bởi trên một thông lệ, một lẽ thường tình khi một người chỉ trích cái sai của người khác thì ngược lại, người kia cũng chỉ ra cái sai của người đã chỉ trích trước. Vì con người không ai là không có lỗi. Lời Chúa Jesus dạy có ý “mỗi người hãy tự sửa lỗi của chính mình” vì con người ai cũng đầy dẫy tội lỗi và sai lầm. Khi ta phê bình, chỉ trích ai đó thì ngược lại họ cũng phê bình chỉ trích ngược lại… Đó là tinh thần Chúa dạy trong Ma-thi-ơ 7: 1 “Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét”…
Tuy nhiên, phần cuối của đoạn văn, Chúa cũng nói: “Hỡi kẻ giả hình! Trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi MỚI THẤY RÕ MÀ LẤY cái rác ra khỏi mắt anh em mình được…” (c. 5) – Như vậy, không phải là chúng ta hoàn toàn không được đề cập đến cái sai hoặc phê bình hoặc chỉ trích việc sai trái (theo Kinh thánh) của anh em khác…! Nếu Cơ-đốc-nhân “tuyệt đối không đoán xét” thì giả sử một anh em trong Hội thánh làm điều sai trái, chúng ta cũng không được quyền góp ý hoặc khuyên bảo anh em mình hay sao?

2. Cơ-đốc-nhân có phải hoàn toàn và tuyệt đối không đoán xét ai?
Chúa phán “Trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi MỚI THẤY RÕ MÀ LẤY cái rác ra khỏi mắt anh em mình được…” (c. 5) – Việc lấy “cái rác” khỏi mắt anh em mình không phải là “xét đoán”… và cũng không phải là phạm tội gì. Nói như vậy không có nghĩa là ai cũng có quyền “xét đoán” và… Tinh thần của câu Kinh thánh Chúa dạy là “cảm thông với sự yếu đuối của anh em cũng như bản thân của mỗi người cũng đều có sự yếu đuối riêng”… (kẻ có ‘rác’, người có ‘đà’ trong mắt). Nhưng việc xét đoán không phải là tội khi ta làm trong tinh thần Lời Chúa dạy với mục đích gây dựng và bảo vệ Hội thánh. Nói cách khác là khi ta nói đúng về một việc sai của ai đó thì không có gì là sai (không phải là “đoán xét”…)  
Sứ đồ Giăng viết cho Hội thánh: “Cho nên, nếu tôi đến, tôi sẽ bới việc xấu người làm, là lấy lời luận độc ác mà nghịch cùng chúng ta. Điều đó còn chưa đủ, người lại không tiếp rước anh em nữa, mà ai muốn tiếp rước, thì người ngăn trở và đuổi ra khỏi Hội thánh.” (III Giăng: 10)
Sứ đồ Giăng viết thư cho Hội thánh và nói rằng khi ông đến thăm Hội thánh, ông sẵn sàng “bới việc xấu” của Đi-ô-trép đã làm. Đi-ô-trép là người muốn chiếm đoạt Hội thánh… Ông dùng nhiều bài giảng để “nói xấu các sứ đồ” và “cấm các tín hữu tiếp đón các sứ đồ, thánh đồ từ xa đến thăm Hội thánh”… Như vậy việc làm của sứ đồ Giăng khi chỉ ra việc làm xấu của Đi-ô-trép có “phạm tội xét đoán không”? Tất nhiên là không (xét đoán không phải là tội- chỉ là “tội” khi ta “lấy ý xấu mà xét đoán người khác” – Gia-cơ 2: 4). Bởi nó chỉ ra cho con cái Chúa “ai là chiên, ai là dê”, hoặc “ai là lúa mì, ai là cỏ lùng”, hoặc ai là “đầy tớ ngay lành” và ai là “kẻ chăn gian ác”… hoặc nó giúp đỡ anh em mình, dân sự Chúa có cơ hội ăn năn sửa sai… trong Hội thánh.

3. Khi “đoán xét” ai chúng ta có phạm tội gì không?
Có tin đồn ra khắp nơi rằng trong anh em có sự dâm loạn, dâm loạn đến thế, dẫu người ngoại đạo cũng chẳng có giống như vậy: là đến nỗi trong anh em có kẻ lấy vợ của cha mình. Anh em còn lên mình kiêu ngạo! Anh em chẳng từng buồn rầu, hầu cho kẻ phạm tội đó bị trừ bỏ khỏi vòng anh em thì hơn! Về phần tôi, … nhân danh Đức Chúa Jêsus là Chúa chúng ta, tuyên án kẻ phạm tội đó rằng, một người như thế phải phó cho quỉ Sa-tan, để hủy hoại phần xác thịt, hầu cho linh hồn được cứu trong ngày Đức Chúa Jêsus.” (I Cô-rinh-tô 5: 1-5)
Sứ đồ Phao-lô khi ông “nhân danh Đức Chúa Jêsus… tuyên án kẻ phạm tội”… Như vậy ông đã “phạm tội xét đoán người khác” rồi chăng? Tuyệt nhiên không. Hoặc là khi ông viết gửi cho Hội thánh “…đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian dâm, hoặc tham lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chưởi rủa, hoặc say sưa, hoặc chắt bóp…".” (I Cô-rinh-tô 5: 11) thì ông cũng nặng tinh thần “xét đoán người khác” sao? Không hề như vậy. Kinh thánh không hề có ý dạy chúng ta “tuyệt đối không chỉ ra cái sai của ai” (tức đoán xét) nhưng Kinh thánh có ý dạy “đừng lấy ý xấu mà đoán xét người khác” (Gia-cơ 2: 4) – Nghĩa là khi chúng ta nói đúng một sự việc tệ hại nào đó trong cộng đồng, trong vòng các “tôi tớ Chúa” thì không phải là “xét đoán”, mà là “cảnh báo” hoặc là “lên tiếng về một tình trạng nào đó để họ có cơ hội ăn năn, sửa sai”… Đó không phải là xét đoán.
Một số mục sư sau khi bị cộng đồng lên tiếng chỉ ra những việc làm quá ư tội lỗi… thay vì ăn năn, họ quay sang giảng dạy rằng “xét đoán người khác là việc của Đức Chúa Trời” hoặc “ai làm việc đó là tự cho mình là Đức Chúa Trời”… Sự giảng dạy như vậy chỉ là “một nửa sự thật” hoặc dùng một phần Kinh thánh để bao che cho tội lỗi… Sự giảng dạy như vậy sẽ đưa Hội thánh- nhiều Cơ-đốc-nhân vào lối sống sa đọa sau này…
- Ước mong bài học này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ thế nào là xét đoán và thế nào là “không chấp nhận tội lỗi”!

LHS- 7/11/2016


https://www.youtube.com/watch?v=NC0RvUwmD1k

0 nhận xét: