Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

“Tin Lành Mỹ” Hay “Tin Lành Xã Hội Chủ Nghĩa”…?

Tin lành Mỹ hay Tin lành XHCN cũng đều là “công việc của loài người” xen vào Tin lành chân chính của Đấng Christ cả. Vì trong thế giới tội ác, sa ngã này, tôn giáo dù muốn hay không vẫn phải bị chi phối, ảnh hưởng bởi các thế lực chính trị... - LHS

***
Câu gốc: “Còn về công việc loài người,
Tôi nhờ lời môi Chúa phán mà giữ lấy mình
khỏi các con đường của kẻ hung bạo.
Bước tôi vững chắc trong các lối của Chúa,
Chân tôi không xiêu tó.” (Thi thiên 17: 4, 5)

***

1. Giải thích sơ lược Thi thiên 17:
Khởi đầu Thi thiên 17, tác giả nói đến “sự công chánh” và “môi giả dối”. – Những người không bước đi trên sự công chính thì lời cầu nguyện của họ là “lời cầu nguyện của môi giả dối”.
Lời cầu nguyện của tác giả Thi thiên 17:
Cầu mắt Chúa đoái xem sự ngay thẳng” (c. 2b)
Kẻ thù hăm hở vây phủ tôi, chúng nó bít lòng mình lại” (c. 9b-10)
Xin hãy cứu tôi… khỏi người thế gian” (c. 14)
Nhờ sự công bình tôi sẽ được thấy mặt Chúa… thỏa nguyện nhìn xem hình dạng Chúa” (c. 15)
Ý chính của Thi thiên này tác giả cầu xin Chúa giữ mình khỏi “công việc loài người” (c. 4, 5)

 
2. “Công việc loài người” đối với Đa-vít là gì?
Nhiều người và nhiều lần đã xúi giục Đa-vít ra tay trên Sau-lơ để kết thúc triều đại “chán ngấy” của Sau-lơ, mà mở ra một triều đại mới, triều đại của Đa-vít… Nhưng Đa-vít đã không làm việc đó. Đối với Đa-vít, phải chăng sự xui giục đó – dù là có nhiều lý do phải lẻ - là “công việc của loài người”? (cướp ngôi, đão chánh, giành và bám giữ địa vị… là công việc của loài người?)
Còn về công việc loài người,
Tôi nhờ lời môi Chúa phán mà giữ lấy mình khỏi các con đường của kẻ hung bạo.
Bước tôi vững chắc trong các lối của Chúa,
Chân tôi không xiêu tó.” (Thi thiên 17: 4, 5)
Đa-vít được Chúa sai tiên tri Sa-mu-ên đến xức dầu cho để làm vua Y-sơ-ra-ên. Nhiều lần, nhiều cách dường như Chúa cho Đa-vít có nhiều cơ hội để “trả thù” hoặc “kết liễu ông vua gian ác, bất xứng” Sau-lơ này… Tuy nhiên, Đa-vít không hành động như vậy. Ông nói:
Còn về công việc loài người,
Tôi nhờ lời môi Chúa phán mà giữ lấy mình khỏi các con đường của kẻ hung bạo” (bạo động, lật đổ, đão chánh, cướp ngôi, cướp của… theo cách của các “vua trong tư gia, VEF” là “con đường của kẻ hung bạo”, bất chính trước mặt Chúa)
Đa-vít nhờ Lời Chúa phán – Lời Rhe-ma? – mà giữ mình khỏi điều ác.


3. “Công việc của loài người” trong đạo Tin lành – Hội thánh ngày nay:
Trên con đường của người công bình vẫn luôn có những cám dỗ của “kẻ ác” – “công việc của loài người”.
a) “Tin lành đạo Mỹ”: Trước đây ở VN đạo Tin lành bị mang tiếng là “đạo Mỹ”. Xét về nguồn gốc nó không phải vậy, nhưng xét về mặt khách quan, ảnh hưởng thì nó “hơi có như vậy”. Nước Mỹ được hình thành bởi những người Tin lành tin kính. Đạo Tin lành phát triển “khá mạnh” (về mặt nổi) trong thời kỳ người Mỹ có mặt ở Nam VN. Người Mỹ, đặc biệt là các tổ chức truyền giáo dành nhiều ưu ái cho “đạo Tin lành” tại VN. Khuynh hướng của đa số các mục sư Tin lành trước 1975 đều là “thân Mỹ”. Trong bối cảnh đó, đa số các mục sư Tin lành không phân biệt được đâu là “Tin lành Đấng Christ” và đâu là “Tin lành Mỹ”! Đôi khi “giảng Tin lành kiểu Mỹ” mà tưởng là mình đang “hầu việc Đấng Christ”, hoặc “giảng Tin lành của Đấng Christ”. Ngưởi giảng Tin lành của Đấng Christ thì không phụ thuộc bất cứ một thế lực chính trị nào, như Đa-vít đã nói “Bước tôi vững chắc trong các lối của Chúa, Chân tôi không xiêu tó.” (Thi thiên 17: 5)
b) “Tin lành quốc doanh”: Sau năm 1975 ở VN bắt đầu hình thành và có cụm từ mới “Tin lành quốc doanh” hay “mục sư quốc doanh”, “giáo hội quốc doanh”…
Tôn giáo dù muốn hay không vẫn bị chi phối, ảnh hưởng bởi các thế lực chính trị.
Trong thời của Chúa Jesus, một số thầy tế lễ, thầy thông giáo, những người có chức quyền lớn trong giáo hội Do thái giáo cũng đã có khuynh hướng “thân hoặc sợ chính quyền La-mã”. Họ cho rằng nếu để Chúa Jesus tiếp tục giảng dạy, gây ảnh hưởng mạnh trong quần chúng, biết đâu “ông ta sẽ làm một cuộc cách mạng” và người La-mã, “sẽ đến diệt nơi nầy và cả nước chúng ta nữa”. (Giăng 11: 48)
Lịch sử Cơ-đốc giáo là lịch sử luôn bị chi phối, ảnh hưởng bởi các thế lực chính trị. Hội thánh trước và sau thời kỳ Công-tăng-tin là một minh chứng.
Tin lành trước và sau năm 1975 cũng mang một hơi hướng tương tự. Trước 1975 Tin lành chịu ảnh hưởng nhiều bởi người Mỹ, nước Mỹ, văn hóa Mỹ… Sau 1975, riêng tại miền Nam, đạo Tin lành dù muốn hay không cũng mang hơi hướng của “Tin lành xã hội chủ nghĩa”!
“Tin lành XHCN” là một thứ Tin lành chịu ảnh hưởng chi phối bởi Ban Tôn giáo CP. Nói cách khác, hoặc nói nôm na nó là một thứ “Tin lành quốc doanh”. “Tin lành XHCN” là một Tin lành mà trường Thần học bị bắt buộc phải có môn triết học Mac - Lê-nin – Một hình thức pha trộn giữa “Hữu thần và Vô thần”. Tin lành quốc doanh về căn bản vẫn khoe là “Tin lành Đấng Christ”, nhưng chỉ là “khoe” thôi, Đấng Christ chẳng có quyền hạn gì trong Tin lành XHCN cả, mà “đấng cứu rỗi của các mục sư Tin lành XHCN” chính là “Ban TGCP”, vì Ban TGCP là người quyết định mọi việc trong Tin lành quốc doanh hay còn gọi là “Tin lành XHCN”.
Tin lành Mỹ hay Tin lành XHCN cũng đều là “công việc của loài người” xen vào Tin lành chân chính của Đấng Christ cả. Vì trong thế giới tội ác, sa ngã này, tôn giáo dù muốn hay không vẫn phải bị chi phối, ảnh hưởng bởi các thế lực chính trị. Khi Áp-ra-ham đồng đi cùng Đức Chúa Trời thì chẳng thấy ai đón tiếp ông, nhưng sau khi Áp-ra-ham chiến thắng kẻ thù, đánh bại vua Kết-rô-lao-me và các vua đồng minh thì “vua Sô-đôm đi ra đón rước người tại trũng Sa-ve”. (Sáng. 14: 17) – Khi Hội thánh chỉ là những nhóm nhỏ Tư gia thờ phượng Chúa, bước theo Tin lành của Đấng Christ thì chẳng ai đón tiếp hay tôn trọng các “nhóm trưởng”, lãnh đạo… nhưng khi Hội thánh hình thành giáo hội (như AG, FG, Liên Hữu CĐ…), hoặc nó là một giáo hội đã có trước đó (như CMA) thì cũng có nhiều “vua ra đón tại trũng Sa-ve”? (Trũng Sa-ve còn có nghĩa là “trũng vua” – khi các nhóm trưởng, mục sư trở thành những “ông vua” thì có nhiều vua trong thế gian tiếp đón) Vừa lúc vua Sô-đôm ra đón tiếp Áp-ra-ham thì kế đến “Mê-chi-xê-đéc, vua Sa-lem… thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí cao”… cũng ra đón Áp-ra-ham. (Sáng. 14: 18). Áp-ra-ham đã tôn trọng người của Đức Chúa Trời – vua Mên-chi-xê-đéc – mà dâng phần mười cho vua ấy, nhưng “trả cho vua Sô-đôm tất cả những gì vốn là của vua ấy”, dù là người hay của cải, không giữ lại dù là “một sợi chỉ hay là sợi giây dày” - “Hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa, trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ  22: 21) Áp-ra-ham vẫn đi con đường công bình và kính sợ trước mặt Đức Chúa Trời, dù ông đứng trước “sự tôn trọng của hai vua”: Vua công bình – Mên-chi-xê-đéc và vua của thế gian – vua Sô-đôm.
  
Bài học:
Ngày hôm nay, Hội thánh và các lãnh đạo cũng luôn đứng trước “sự tôn trọng của các vua đời này”, sự lôi kéo ảnh hưởng của “Tin lành Mỹ - Tư bản” hay “Tin lành XHCN – quốc doanh”. Bên cạnh sự “tôn trọng của các vua đời này” - ảnh hưởng chi phối bởi các thế lực chính trị - thì cũng có sự tôn trọng của Vua Công Bình – JESUS-CHRIST – như Ngài đã phán “ai hầu việc Ta, ắt Cha Ta sẽ tôn quý người” (Giăng 12: 26) - giống như Áp-ra-ham đứng trước vua Sô-đôm và Mên-chi-xê-đéc. Sự chọn lựa của các tôi tớ Chúa ngày nay là “đứng về phe vua nào”? Đồng đi với Chúa, vác thập tự giá, rao giảng một Tin lành chân chính – Tin lành của Đấng Christ – hay đứng về phe “các vua của thế gian” chỉ để rao giảng một thứ Tin lành hình thức, một thứ Tin lành đầy ảnh hưởng của loài người, ma-môn, danh, lợi, thế quyền…?
Còn về công việc loài người,
Tôi nhờ lời môi Chúa phán mà giữ lấy mình khỏi các con đường của kẻ hung bạo.
Bước tôi vững chắc trong các lối của Chúa,
Chân tôi không xiêu tó.” (Thi thiên 17: 4, 5)
Ước ao rằng các tôi tớ Chúa ngày nay cũng nói như Đa-vít:
Bước tôi vững chắc trong các lối của Chúa,
Chân tôi không xiêu tó.” (Thi thiên 17: 4, 5)
A-men.

Huỳnh Thúc Khải
Mv LHS 4/3/2013

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tin Lành Mỹ hay XHCN đều là Tin Lành cả, có hơi của Kinh Thánh nhưng đầy sự chỉ đạo của Con Người ( Giáo Sỉ, ban Tôn giáo, hay An Ninh...).
Đó là Tin Lành đi zẹo 2 bên...
Nay ai còn giử mình tương đối đây?
Tin lành nhà quê.