Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Được Chọn Cho Sự Vinh Hiển Đời Đời


Được Chọn Cho Sự Vinh Hiển Đời Đời


Hãy nhớ rằng Đức Chúa Jêsus Christ, sanh ra bởi dòng vua Đa-vít, đã từ kẻ chết sống lại, theo như Tin lành của ta, vì Tin lành đó mà ta chịu khổ, rất đỗi bị trói như người phạm tội; nhưng đạo của Đức Chúa Trời không hề bị trói đâu. Vậy nên, ta vì cớ những người được chọn mà chịu hết mọi sự, hầu cho họ cũng được sự cứu trong Đức Chúa Jêsus Christ, với sự vinh hiển đời đời.” (II Ti-mô-thê 2: 9-10)

Hinh Giang Sinh Tin Lanh - cdnvn -2016 (2)
 (Thiên sứ- minh họa)
***

Thiên sứ được chọn:
Trước mặt Đức Chúa Trời, trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ, và trước mặt các thiên sứ được chọn, ta răn bảo con…” (I Tim. 5: 21)
Thiên sứ là những lực lượng thần linh được Đức Chúa Trời tạo dựng. Họ có tình cảm, lý trí, quyền năng và thân vị… nhưng họ không có thể xác (thân thể xác thịt) như con người. Trong lực lượng thần linh này có “một phần ba thiên sứ sa ngã” theo sự cám dỗ của Sa-tan.
Trên trời cũng hiện ra một dấu khác nữa: Là một con rồng lớn sắc đỏ, có bảy đầu, mười sừng, và trên đầu có bảy mão triều thiên. Đuôi kéo một phần ba các ngôi sao trên trời, đem quăng xuống đất; con rồng ấy…” (Khải huyền 12: 3-4)
Con rồng lớn sắc đỏ chỉ về Sa-tan. Sa-tan là thiên sứ trưởng sa ngã, kéo theo một phần ba thiên sứ sa ngã khác.
Trong vòng thiên sứ, có những thiên sứ được chọn. Những thiên sứ được chọn thì không bị sa ngã theo Sa-tan.
Trước mặt Đức Chúa Trời, trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ, và trước mặt các thiên sứ được chọn, ta răn bảo con…” (I Tim. 5: 21)
Phao-lô đã sắp đặt thứ tự ưu tiên tôn trọng từ “Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jêsus Christ, và các thiên sứ được chọn” để nghiêm túc răn bảo Ti-mô-thê về một số điều lien quan đến chức vụ.

Những người được chọn:
Hãy nhớ rằng Đức Chúa Jêsus Christ, sanh ra bởi dòng vua Đa-vít, đã từ kẻ chết sống lại, theo như Tin lành của ta, vì Tin lành đó mà ta chịu khổ, rất đỗi bị trói như người phạm tội; nhưng đạo của Đức Chúa Trời không hề bị trói đâu. Vậy nên, ta vì cớ những người được chọn mà chịu hết mọi sự, hầu cho họ cũng được sự cứu trong Đức Chúa Jêsus Christ, với sự vinh hiển đời đời.” (II Ti-mô-thê 2: 8-10)

“Tin lành ta”: Phao-lô nói rằng “theo như Tin lành của ta” thì “Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, là Đấng chịu đóng đinh trên thập tự, đã chết và đã sống lại…”. Đây là một “quan điểm” mà những người thuộc truyền thống Do thái giáo cực kỳ chống đối. Họ không chấp nhận Đấng Mê-si-a – Đấng Cứu rỗi người Do thái và cả thế giới lại là một “thợ mộc, con Giô-sép và Ma-ri”. Họ càng không chấp nhận Đấng ấy lại “chịu chết treo trên thập hình”, là một nhục hình dành cho tử tội thời bấy giờ. Họ lại càng “rất sợ” khi nói rằng Đấng ấy đã thật sống lại từ cõi chết! Và như vậy, có khác nào thành phần lãnh đạo Do thái giáo truyền thống sẽ là “một đám nặng tội”, vì họ là lực lượng chủ trương đóng đinh Chúa Jesus, trong khi trong con mắt của xã hội Do thái, họ là những “tôi tớ thánh của Đức Chúa Trời”. Hơn nữa, truyền thống Do thái giáo người ta rất khó chấp nhận Đấng Cứu thế - Mê-si-a của họ lại chết nhục, chết thảm như vậy… Vì thông điệp và “Tin lành đó” mà Phao-lô phải chịu nhiều tù tội, bắt bớ, nhục hình bởi những người truyền thống Do thái giáo, từ nơi này đến nơi khác. Và ông cũng rất hiểu, rất cảm thông vì sao những người truyền thống Do thái giáo lại cực lực phản đối và bắt bớ ông như vậy. Vì chính ông cũng là người từng giống như họ và thậm chí hơn một số người trong họ. Vì ông là người “sốt sắng về cựu truyền của tổ phụ” hơn tất cả những người từng sốt sắng như ông… Nên giờ đây ông rất thấu hiểu. Điều mà có lẽ Phao-lô “ngộ” ra trong quá trình thi hành chức vụ, đó chính là “chỉ có những ai được chọn” thì người đó mới được cứu mà thôi. Nếu không được chọn thì không một ai có thể thoát ra khỏi “những người hư mất” để tin nhận Chúa Jesus là Đấng Cứu rỗi! Từ nhận thức đó, Phao-lô đã “khoanh vùng”, giới hạn sự hy sinh, chịu khổ của chức vụ mình cho những người được chọn mà thôi.
Hãy nhớ rằng Đức Chúa Jêsus Christ, sanh ra bởi dòng vua Đa-vít, đã từ kẻ chết sống lại, theo như Tin lành của ta, vì Tin lành đó mà ta chịu khổ, rất đỗi bị trói như người phạm tội; nhưng đạo của Đức Chúa Trời không hề bị trói đâu. Vậy nên, ta vì cớ những người được chọn mà chịu hết mọi sự, hầu cho họ cũng được sự cứu trong Đức Chúa Jêsus Christ, với sự vinh hiển đời đời.” (II Ti-mô-thê 2: 8-10)
Mặc dù có một số người được chọn trong vòng những người truyền thống Do thái giáo, nhưng Phao-lô phải chịu khổ vì “Tin lành của ta”, để qua sự chịu khổ này mà những người được chọn trong vòng những người truyền thống Do thái giáo, được “mở con mắt ra”… và họ cũng tiếp nhận ơn cứu rỗi trong Đức Chúa Jesus-Christ. Phao-lô phải chịu khổ trong chức vụ và sự chịu khổ đó cũng chỉ làm một “phương tiện của ân điển” để cứu những người được chọn mà thôi. Trong thư gửi cho Tít, Phao-lô viết:

Ta, Phao-lô, tôi tớ của Đức Chúa Trời và sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, để đưa các người được chọn của Đức Chúa Trời đến đức tin và sự thông hiểu lẽ thật, là sự sanh lòng nhân đức…” (Tít 1: 1)

Chức vụ, sự chịu khổ của Phao-lô cũng chỉ tập trung cho những người được chọn, để đưa họ đến đức tin và sự thông hiểu lẽ thật… chứ không phải cho tất cả mọi người. Tin lành được giảng ra cho tất cả mọi người, nhưng không phải tất cả mọi người đều được cứu!

Tóm lược sứ điệp:
Từ những “thiên sứ được chọn” cho đến những “người được chọn”, câu chuyện từ Sáng thế ký đến Khải huyền là một tiến trình sàng lọc của Đức Chúa Trời cho một mục đích đời đời mà Phao-lô nói rằng “hầu cho họ (những người được chọn) cũng được sự cứu trong Đức Chúa Jêsus Christ, với sự vinh hiển đời đời.” (II Ti-mô-thê 2: 10)
Mục đích cuối cùng của Tin lành là “những người được chọn sẽ được cứu với sự vinh hiển đời đời” chứ không phải vì bất kỳ một điều gì trong thế gian này.
Hội thánh và những người “hầu việc Chúa” ngày nay cần phải “chú ý cho chắc” về điều này, như II Phi 1: 10  có chép: “Vậy, hỡi anh em, hãy chú ý cho chắc chắn về sự Chúa kêu gọi và chọn lựa mình. Làm điều đó anh em sẽ không hề vấp ngã”. Vì không hiểu cùng đích của ơn kêu gọi, sự chọn lựa và sự được cứu với vinh hiển đời đời trong Đức Chúa Jesus-Christ, nên nhiều người cứ tập trung vào những chuyện “danh, lợi, chức quyền” trong giáo hội, là những thứ sẽ “hư đi, ô uế và suy tàn” và là những thứ sẽ đưa những ai chạy theo nó đến sự phán xét trước tòa án của Đấng Christ trong ngày cuối cùng.
Nguyện Chúa Thánh Linh soi dẫn để mỗi người chúng ta biết tập chú vào những gì còn lại đời đời. A-men!

Huỳnh Thúc Khải
LHS 12/3/2014

0 nhận xét: