Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Sứ Mạng Tiên Tri – Sinh Ra Để Làm Tiên Tri.




Sự Đổ Nát Trong Nơi Thánh (Hiệu chỉnh)
(Tiên Tri Ma-la-chi)
Thưa quý độc giả thân mến!
Vì có một số vị có yêu cầu nên hiệu chỉnh lại bài này, để có thể dùng làm tài liệu dạy dỗ, nhắc nhở trong vòng một số nhân sự trẻ ngày nay. Nên chúng tôi đã hiệu chỉnh và xin được tái đăng bài này. Và cũng để dâng lời tạ ơn Chúa, nhơn dịp tròn một năm, kể từ ngày “hạ bút” viết bài này. Xin dâng lời tạ ơn Chúa và cảm ơn tất cả những ai ủng hộ bài viết, tác giả và chức vụ Loihangsong.net/.
______

Sổ tay du lịch so tay du lich Sotaydulich  Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Tham nha tho do ben bo bien Hai Hau 
("Nơi thánh đổ nát..." - Minh họa)

Cuốn sách này chỉ riêng tặng cho những ai có chung một tấm lòng hướng về ngày phục hưng của Chúa trên Hội Thánh Việt Nam -  quê hương dấu yêu và nhiều... nước mắt này!
Lời ngỏ
Kính thưa quý con cái và tôi tớ Chúa khắp nơi.
Đôi khi mang danh là một nhà tiên tri thì rất là vinh hạnh, nhưng để thi hành sứ mạng của một nhà tiên tri thì có lẽ chẳng ai muốn làm. Vì đó là một một công việc đầy khó khăn. Hơn nữa, có hay ho gì mà đi làm cái chuyện “vạch áo cho người xem lưng”, hay
“Chân mình những lấm bê bê,
Lại đi đốt đuốc mà rê chân người!”
Chân mình có sạch hẳn đâu mà cầm đuốc đi soi chân người?”
Trên thực tế, không một nhà tiên tri nào thích đi làm tiên tri cả. Tất cả đều từ chối. Tất cả đều thoái thác... Nhà tiên tri chỉ được người ta khen ngợi, tôn quý thường là khi họ đã trở thành người thiên cổ. Còn hiện tại của họ thì đôi khi “phải chịu lỗ”. Cái giá phải trả của một người thi hành sứ mạng tiên tri, là “cả đời mang sỉ nhục…” như Giê-rê-mi đã từng nói. Có người đã nói: “Không một tiên tri nào của Đức Chúa Trời mà không bị sỉ nhục vì Lời của Đức Chúa Trời.” Nhưng một khi Đức Chúa Trời đã chọn thì có lẽ không tránh đâu cho khỏi!
Những học hỏi và ngiên cứu của tôi được chia xẻ trong “cuốn sách” này, không nhằm mục đích đả phá hay lên án ai... Mà chỉ muốn tất cả chúng ta cùng nhìn lại, cũng như can đảm nhìn thẳng vào sự thật, hầu ăn năn và tìm ra một lối thoát cho Hội Thánh hôm nay cũng như cho thế hệ con em chúng ta trong tương lai.
Người xưa có nói: “Tri bất thuyết bất nhân; Thuyết bất minh bất nghĩa.” Có nghĩa là: “Biết mà không nói là ác; Nói mà không nói rõ ràng (không trung thực, không trung thành với nguyên văn) là người bất nghĩa.”
Là người hầu việc Chúa, Kinh Thánh cũng dạy chúng ta “phải lấy lòng ngay thẳng (mà) giảng dạy lời của lẽ thật.” (II Ti-mô-thê 2:15)
Mong ước của tôi là tất cả chúng ta là những người đã và đang hầu việc Chúa, trong nước cũng ở ngoài nước, không phân biệt hệ phái giáo phái nào, sẽ cùng nhìn vào sự thật để ăn năn và sống đúng với lẽ thật, hầu cho “kỳ tươi mới sẽ đến từ Chúa.” A-men!


Huỳnh Thúc Khải
__________

Dẫn nhập
Sách Ma-la-chi được trước tác sau thời kỳ lưu đày của dân Do thái. Tác giả của sách là nhà  tiên tri Ma-la-chi (khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên).
Trở về từ sau cuộc lưu đày, người Do thái đã bắt tay xây dựng lại đền thờ và thực thi những nghi lễ thờ phượng. Tuy nhiên, sự thờ phượng của họ đã dần dần từng bước biến thành những nghi thức tôn giáo, đầy những thoái hoá, biến dạng và tiêu cực. Tiên tri Ma-la-chi được Chúa soi sáng, ông phơi bày thực trạng và kêu gọi dân sự của Chúa cũng như giới chức sắc – các thầy tế lễ – hãy ăn năn, quay về trung thành với giao ước của Chúa, để có được tương lai tốt đẹp hơn. Những sứ điệp từ sách Ma-la-chi, thật đáng để Hội Thánh và các tôi tớ của Chúa ngày hôm nay học hỏi và suy gẫm.
Cựu tổng thống Hoa-kỳ ông J. Kennedy có một câu nói nổi tiếng, ông nói : “Lịch sử đã dạy cho chúng ta một điều: Đó là chúng ta chẳng học được gì từ lịch sử cả!” Câu nói thật là mỉa mai, chua chát… nhưng đó hoàn toàn là sự thật! Nó không những đúng trên bình diện lịch sử thế giới, mà ngay cả trong lịch sử Hội Thánh, nó cũng không sai tí nào. Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời! Ngài không bỏ rơi dân sự là Hội Thánh của Ngài, trải qua các thời đại. Ân sủng và lòng thương xót của Ngài, bởi quyền năng của Thánh Linh, Ngài luôn tác động vào dòng lịch sử của nhân loại nói chung và Hội Thánh nói riêng, để đem đến cho Hội Thánh những phước hạnh tươi mới, đó là những cơn phục hưng trải qua nhiều thời kỳ và từng giai đoạn lịch sử khác nhau (Rô-ma 5:20,21).
MỘT TÌNH YÊU VÔ ĐỐI
 Nhưng ta đã yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau.” (Ma-la-chi 1:3)
Chúa không ghét ai cả. Chữ “ghét” trong câu Kinh Thánh trên đây là một lối nói, một cách so sánh để làm nổi bật. Chúa yêu Gia-cốp – chỉ về dân tộc Y-sơ-ra-ên – bằng một tình yêu không dời đổi; mặc dù họ không xứng đáng. Nhiều lần trong lịch sử họ đã làm Chúa tổn thương, đau buồn và nổi giận. Nhưng Chúa vẫn tiếp tục yêu thương và làm ơn cho họ, không phải vì họ “tốt hơn Ê-sau”, nhưng vì một mục đích tối hậu, là để bày tỏ ân điển lạ lùng của Ngài cho thế gian hư mất. Vì giao ước mà Ngài đã thiết lập với tổ phụ Áp-ra-ham của họ… Đối với Ê-sau là anh song sinh của Gia-cốp, Chúa vẫn làm ơn. Từ nơi Ê-sau đã sản sinh ra nhiều dân tộc và vua chúa ở vùng Trung Đông, theo như đã chép trong Kinh Thánh Sáng-thế-ký 36.
Chúa yêu Gia-cốp (Y-sơ-ra-ên) bằng một tình yêu không đời đổi, mặc dù họ không xứng đáng.
Chúa yêu Hội Thánh, Ngài yêu mỗi chúng ta, không phải vì chúng ta xứng đáng hơn người khác, nhưng vì Ngài là Tình Yêu (I Giăng4:8). Ngài cũng có một mục đích cuối cùng tốt đẹp, cho mỗi đời sống chúng ta, và qua chúng ta Ngài bày tỏ ân điển lạ lùng của Ngài để cứu nhiều người, trong thế gian hư mất này. Thực ra, nếu nói xứng đáng thì không một người nào trong chúng ta là xứng đáng cả. Suy cho cùng thì Gia-cốp còn tội lỗi và đáng ghét hơn cả Ê-sau. Ông đã dùng thủ đoạn thấp hèn và dối trá để đoạt lấy những lời chúc phước của cha, và cướp lấy địa vị làm con trưởng của anh mình là Ê-sau (đang lúc anh mình đói mà đem đồ ăn ra dụ...), thật là một thủ đoạn hèn hạ và bẩn thỉu. Tuy nhiên, Chúa yêu Gia-cốp là vì mục đích chọn lựa của Ngài (Rô-ma 9:10-13). Tóm lại, tất cả chúng ta được cứu và được chọn lựa đều là bởi ân điển và lòng thương xót của Đức Chúa Trời
Ấy chính Chúa đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm chúng ta, bèn là theo ý riêng Ngài chỉ định, theo ân điển đã ban cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ từ trước muôn đời vô cùng.” (II Ti-mô-thê 1:9)
Điều đầu tiên được đề cập đến trong sách Ma-la-chi, là tình yêu của Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên, cũng đã nói lên rằng: Chúa yêu họ chẳng phải vì họ tốt, mà cái chính là nhằm nhắc cho họ nhớ về ân điển và ý định chọn lựa không thay đổi của Ngài. Nhưng tình trạng tôn giáo hiện tại của họ là đáng ghét, là xấu xa, là dối trá... nghịch lại với ý muốn và sai với giao ước của Chúa. Đó chính là một phần trọng tâm sứ điệp của sách Ma-la-chi.
Ngày hôm nay Chúa vẫn tiếp tục yêu Hội Thánh, nhưng không có nghĩa là Hội Thánh ngày nay tốt hoàn toàn. Suy cho cùng, Hội Thánh Chúa ngày nay có nhiều điều còn tệ hơn cả thế gian.
CHÚA SẼ ĐẠP ĐỔ
Vì Ê-đôm nói: ‘Dù chúng tôi đã bị phá huỷ chúng tôi sẽ trở về và xây lại những nơi đổ nát của mình.’ Nhưng đây là điều Chúa Vạn Quân phán: ‘Chúng có thể xây dựng lại nhưng ta sẽ đập đổ’” (Ma-la-chi 1:4 BDM).
Dân tộc Ê-đôm là con cháu, hậu tự của Ê-sau – anh song sinh của Gia-cốp – Lịch sử chứng minh Y-sơ-ra-ên – hậu tự của Gia-cốp – được ban phước nhiều hơn dân tộc Ê-đôm. Chúa dùng hình ảnh của Ê-đôm để trao một thông điệp cho dân Y-sơ-ra-ên thời bấy giờ:
1. Y-sơ-ra-ên không hơn gì Ê-đôm
“Ê-đôm” tượng trưng cho “xác thịt” – Đời sống của Ê-sau có nhiều điều tượng trưng cho một đời sống xác thịt: Sống theo ý riêng, chiều theo tư dục, bản ngã. Ông sẵn sàng đổi quyền con trưởng chỉ để lấy một bát canh đậu đỏ (Sáng Thế Ký 25:29-34; Hê-bơ-rơ 12:16). Tác giả Ma-la-chi dùng hình ảnh “Ê-đôm” ám chỉ một cách bóng gió những người Y-sơ-ra-ên không tin kính. Chính xác hơn là một thế hệ người Y-sơ-ra-ên sa sút, quay về với đời sống xác thịt, ẩn núp trong tôn giáo, thuộc linh giả hình... Vì Ê-sau cũng là dòng dõi của tổ phụ Áp-ra-ham, nhưng không theo đức tin, sống đời sống xác thịt, không tin kính. Thực trạng của Y-sơ-ra-ên lúc bấy giờ, là họ không còn sống đời sống tin kính, và bước đi một cách vâng phục, trong giao ước của Chúa nữa. Trước mặt Chúa, như vậy họ có hơn gì Ê-đôm? Cũng mang dòng máu Áp-ra-ham, nhưng sống đời sống theo xác thịt. Một lời nói nhắn, một lời ám chỉ bóng gió.
Trong Hội Thánh Chúa ngày nay, rất nhiều người tự hào mình là người theo Chúa nhiều năm, là thuộc linh, là con ông này bà nọ... nhưng đời sống và việc làm thì tệ hơn người thế gian rất nhiều. Bề ngoài trông có vẻ rất thuộc linh, nhưng trong lòng có những âm mưu, thủ đoạn, mà nói ra ai cũng phải rùng mình. Họ mang danh là Cơ-đốc-nhân, là “tôi tớ Chúa”, nhưng đời sống thì hoàn toàn để  cho bản ngã và xác thịt cai trị. Họ là những “tín đồ xác thịt”, là những “mục sư xác thịt”. 
2. Y-sơ-ra-ên đang kiêu ngạo
Lòng kiêu ngạo của “Ê-đôm” – Người Ê-đôm nói rằng: “Dù chúng tôi đã bị phá hủy chúng tôi sẽ trở về và xây dựng lại...” Không riêng gì dân tộc Ê-đôm, bản năng con người là dùng ý chí để thực thi tham vọng, nhằm thoả mãn lòng kiêu ngạo, như đã xảy ra tại tháp Ba-bên. Lịch sử con người là một cái vòng lẫn quẫn: “xây rồi phá, phá rồi lại xây...” (Truyền-đạo 3: 2-3). Thông điệp về Ê-đôm, thật ra rất có liên quan tới Y-sơ-ra-ên thời bấy giờ, nếu không nói đó là lời ám chỉ Y-sơ-ra-ên. (Không phải Chúa sợ gì họ mà không nói thẳng, nhưng trong vài trường hợp, lời nói ám chỉ lại có hiệu quả hơn). Trở về từ sau cuộc lưu đày - 70 năm tại Ba-by-lôn - Trả giá cho một bài học lịch sử về sự làm sai giao ước của Chúa. Giờ đây họ đã khó nhọc và hy sinh để xây lại đền thờ, tái lập sự thờ phượng... nhưng sự thờ phượng và nếp sống tin kính của họ, một lần nữa lại biến thành một tôn giáo giả hình và đáng ghét. Chúa phán: “Chúng có thể xây dựng lại nhưng ta sẽ đập đổ” (1:4). Điều đó ám chỉ rằng: đền thờ và tôn giáo của người Y-sơ-ra-ên, một lần nữa có thể sẽ bị... đạp đổ, nếu họ không ăn năn và sửa lại lối sống, cho phù hợp với giao ước mà Chúa đã thiết lập với họ. Lịch sử bi thương lại cứ tiếp diễn và tái lập trong đời sống con người. Đó là điều đáng buồn!
Nhiều Hội Thánh trong các nhóm Tư Gia ngày nay, rất là kiêu ngạo. Họ dựa vào một “quá khứ hào hùng” thuở xa lắc xa lơ nào đó, rồi cho mình là thuộc linh hơn người khác. Bất chấp mọi lời khuyên can, nhắc nhở của những anh chị em khác, trong cùng đức tin. Họ lúc nào cũng “dạy dổ” người khác, mà không cho phép ai “dạy khôn” họ cả. Nếu có ai góp ý, hay xây xựng điều gì, thì họ quay lại tấn công cá nhân người đó đủ điều, chuyện có nói không, chuyện không nói có!... Họ lúc nào cũng cho người khác là “xác thịt”, còn họ mới là người “thuộc linh”. Nhưng suy cho cùng, đó chỉ là một thứ “thuộc linh hoang tưởng”…
XÂY TRONG THÁNH LINH -  KHÔNG XÂY TRONG XÁC THỊT
Trong quá khứ Y-sơ-ra-ên đã phạm tội và Chúa đã dùng các tiên tri “dậy sớm”, mà kêu gọi, nhắc nhở, cảnh cáo họ hãy ăn năn, quay về với Chúa và giao ước của Ngài... nhưng họ vẫn không nghe. Cuối cùng, Chúa dùng người Ba-by-lôn đến để tiêu diệt đất nước của họ, phá huỷ đền thờ, bắt toàn dân từ vua quan cho đến dân thường, từ thầy tế lễ cho đến “tiên tri”... tất cả đều bị lưu đày sang Ba-by-lôn, làm nô lệ 70 năm. Sau 70 năm, họ đã trở về và xây dựng lại “những nơi đổ nát ngày xưa...” Nhưng rồi lịch sử lại tái diễn... họ lại “đẩy Chúa sang một bên” để làm mọi việc theo ý riêng của họ, mà tưởng rằng Chúa không hề biết? Và Chúa lại phải dùng “thông điệp Ê-đôm” để “nhắc khéo” họ: “Chúng nó có thể xây dựng lại nhưng ta sẽ đập đổ” (Ma-la-chi 1:4).
Nghệ thuật bút pháp của Ma-la-chi ở đây, có thể gọi là “mượn chó mắn mèo!” Kiểu nói này đôi khi cũng hiệu quả, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy! Tác giả Ma-la-chi đã dùng Ê-đôm để nói nhắn với Y-sơ-ra-ên.
Các Hội Thánh Tư Gia ngày nay cần lưu ý điểm này: Chúa có còn trong đời sống và trong Hội Thánh của quý vị nữa hay không, hay Ngài đã bị đẩy ra ngoài hè, để ở đó mà tiếp tục gõ cửa, tiếp tục kêu nài quý vị ăn năn?... Sở dĩ tôi đặt câu hỏi này, là vì sự thật quý vị đã trược quá xa trên con đường tốt đẹp ban đầu, mà Chúa đã mở cho chúng ta.
Trở lại với sách Ma-la-chi, “Thông điệp Ê-đôm” này có “nhắn” gì với chúng ta ngày hôm nay không? Hãy thử xem.
Trước biến cố 30/4/1975, Hội Thánh của Chúa tại Việt Nam, (nói riêng tại miền Nam Việt Nam) được nhiều tổ chức anh em trong Chúa trên thế giới, từ nhiều quốc gia khác nhau (đặc biệt là Hoa-kỳ) giúp đỡ, yểm trợ mạnh mẽ về nhiều mặt. Đó là một “đặc ân” mà Chúa dành cho Hội Thánh còn non trẻ của Ngài tại Việt Nam. Cũng xin được nói rõ trước năm 1975, phần nhiều các tôi tớ Chúa là những người rất đáng được kính trọng. Nhiều người trong số họ có đời sống hy sinh, chịu khổ để thi hành chức vụ mà Chúa đã kêu gọi và giao phó. Tuy nhiên, những thành phần biến chất, những “chức sắc cơ hội” thì không phải là không có. Trong bối cảnh tốt đẹp đó, nhiều vấn đề “tiêu cực” cũng đã xảy ra, đặc biệt là trong giới chức sắc, hàng giáo phẩm, mà có lẽ không tiện nói chi tiết ra ở đây!... Và rồi “biến cố 75” đã xảy ra – Tất cả đều nằm trong thánh ý của Chúa. Như một sử gia Cơ-đốc đã từng nói rằng: “Đằng sau mỗi một biến cố, là sự thi hành mục đích thiên thượng.” – Chúa có nhiều mục đích trong biến cố này, chứ không chỉ riêng việc xử lý những “tiêu cực trong nơi thánh”. Sau năm 1975, nhiều thứ mà “Hội Thánh” đã dày công xây dựng, giờ đây coi như bị “đạp đổ”. Xin đơn cử một vài thứ: Thần Học Viện Nha Trang đã bị “tạm” đóng cửa và biến thành “Nhà Nghỉ Hòn Chồng”, (không biết có phải Chúa ký phép dài hạn cho một số người đã học ở đây hay không, nhưng sau đó nhiều người từng học ở đây đã bỏ chức vụ, có lẽ những người này không có được sự kêu gọi của Chúa?). Nhiều cơ sở như cô nhi viện, bệnh viện, trường học, nhà in... mà giáo hội đã bỏ tiền ra mua, giờ đây không còn quyền sử dụng của giáo hội nữa... Quyền lực của giáo hội (giáo quyền) về cơ bản, giờ đây cũng đã bị... “đạp đổ!” Có thể nói thời điểm từ năm 1975 – 1985 là thời điểm mà nhiều thứ trong Hội Thánh tại Việt Nam bị “đạp đổ”, bị “xử lý”. Những thứ “tiêu cực trong nơi thánh” giờ đây cũng đã bị “thiêu hủy” trong “ngọn lửa phán xét của Chúa”. Giáo hội C&MA một thời độc tôn, độc quyền, độc đoán… giờ đây cũng trở nên “yếu nhược” như Sam-sôn đã bị “cạo tóc Na-xi-rê”. Nhưng chỉ có ba thứ còn lại mà “ngọn lửa phán xét” kia không thiêu đốt được, đó là “ đức tin, sự hy vọng và tình yêu thương”. Ba điều này chẳng những không bị "thiêu đốt” hay bị “đạp đổ”, mà nó còn được tôn quý, phát huy và trân trọng nữa! Điều nổi bật nhất trong vòng con cái Chúa lúc bấy giờ là TÌNH YÊU THƯƠNG. Tất cả đã bị “đạp đổ, duy chỉ một thứ mà “người ta” không đạp đổ được, đó là TÌNH YÊU THƯƠNG. A-men! Tình Yêu Thương trong con cái thật của Chúa thì không ai có thể “đạp đổ” hay tước đoạt được. HA-LÊ-LU-GIA!
Sau năm 1975, mọi thứ hầu như không còn gì cả, đó là tình hình chung “sau chiến tranh”. Đặc biệt đối với Hội Thánh và con cái Chúa khắp nơi, lại càng gặp thử thách khó khăn hơn rất nhiều. Trong tình hình đó – Tạ ơn Đức Chúa Trời – nhiều con dân và tôi tớ Chúa đã hết lòng cầu nguyện, tìm kiếm Chúa. Hết thảy đã “đồng một lòng, hiệp một ý” cầu xin Chúa ban cho một cơn phấn hưng đến trên Hội Thánh, trên con dân của Ngài, và Chúa đã đáp lời. Khoảng cuối thập niên 80, một cuộc viếng thăm của Đức Thánh Linh, đã đến trên Hội Thánh và dân sự của Chúa tại Việt Nam. Con cái Chúa khắp nơi đã mặc lấy một tinh thần hiệp nhất, yêu thương, cầu nguyện và ra đi làm chứng về Tin Lành cứu rỗi của Chúa cho đồng bào mình, dắt đem được nhiều người trở về cùng Chúa, theo như tinh thần của Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8 “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép mà làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri và cho đến cùng trái đất.” Hội Thánh gia tăng cả về số, lẫn về chất lượng trong thời điểm tưởng chừng như vô vọng đó (chất lượng là vì người tin Chúa lúc đó là tin thật, không có động cơ gì khác). Tạ ơn Đức Chúa Trời! Ngài đã dùng một thế lực “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, để đạp đổ những điều thuộc về “xác thịt”, mà giáo hội C&MA đã nhiều năm xây dựng, chấp chứa. Bên cạnh đó Ngài đã “xây công việc Ngài” trong quyền năng của Thánh Linh. Chúng con xin lớn tiếng ngợi khen Chúa về công việc mà Ngài đã làm! Cụm từ “Hội Thánh Tư Gia” cũng ra đời từ đó.
Tiếc thay, cuộc phục hưng mà nhiều tôi con của Chúa đã trả giá bằng nước mắt và những tuần lễ cầu nguyện thâu đêm, những ngày kiêng ăn cầu nguyện, đã tiếp diễn không được lâu. Đầu năm 1990, Việt Nam đã bắt đầu “mở cửa” cho khách du lịch được vào trong nước. - Từ năm 1975, bắt đầu từ biến cố 30/4, Việt Nam đã áp dụng chính sách “bế quan tỏa cảng” và cho đến đầu năm 1990, tức 15 năm sau, mới bắt đầu “mở cửa”, mà trước mắt là chỉ cho phép khách du lịch quốc tế vào “tham quan”. Cũng trong sự kiện này, các giáo sĩ thuộc nhiều hệ phái, quốc gia khác nhau trên thế giới, đã vào Việt Nam trong “vai” là khách du lịch. Đây là những giáo sĩ tiên phong, vì họ đã dám “liều mình” bước vào Việt Nam trong thời điểm còn nhiều khó khăn và “nhạy cảm”. Hội Thánh lúc đó vẫn còn sinh hoạt và nhóm lại nơi “hầm mộ”, tức là có thể bị “lập biên bản ” bất cứ lúc nào. Các giáo sĩ đã đem đến cho dân sự Chúa lúc đó, những sứ điệp đầy ơn, và khích lệ Hội Thánh bằng những sứ điệp “đầy lửa” từ Kinh Thánh và trong quyền năng của Đức Thánh Linh.
Có thể nói, Chúa đã dùng “biến cố 75”, để “đạp đổ” một số “tiêu cực trong Hội Thánh” đã diễn ra trước năm 1975. Và cũng có thể nói, thời điểm từ 1985 trở đi, là lúc mà dân sự của Chúa tại Việt Nam “trở về” bắt tay xây dựng lại, từ những “đổ nát hoang tàn thuộc linh”. Những gì hào nhoáng rực rỡ bên ngoài của giáo hội C&MA trước năm 1975, chỉ là sự đẹp đẽ của “xác thịt”, là sự kiêu hãnh của tôn giáo… chứ không phải là sự đẹp đẽ của “cô dâu tinh tuyền” như Kinh Thánh nói về Hội Thánh thật của Chúa. Người ta dễ dàng nhìn ra hình ảnh “Hội Thánh thật” của Chúa trong các “Hội Thánh Tư Gia” tại Việt Nam, trong thời điểm được Chúa thăm viếng trước đây. Hội Thánh Tư Gia trong thời điểm từ 1989-1993, là một minh chứng về một cuộc phục hưng tâm linh, mà Hội Thánh của Chúa gần đây ở Việt Nam đã trải nghiệm được. Nhưng thật đáng tiếc, là cơn phục hưng đã xảy ra quá ngắn ngủi! Cầu mong sao đó chỉ là “cơn mưa lác đác đầu mùa”, để rồi một cơn “mưa lớn cuối mùa” sẽ đổ xuống trên quê hương yêu dấu của chúng ta.
Với những hình ảnh “dễ thương” của các Hội Thánh Tư Gia, mà các giáo sĩ đã đem về từ máy ảnh cá nhân của họ, đã dấy lên một sự “cảm động lớn lao” về tình yêu thương, trong Thân Thể của Chúa, giữa vòng những con cái Chúa ở ngoại quốc. Tiếp theo là những chương trình yểm trợ tài chánh, cho Hội Thánh của Chúa tại Việt Nam, mà các giáo sĩ là những cầu nối. Đây cũng là những việc làm “thương quá thành hại”, hay còn gọi là “lợi bất cập hại”. Người xưa có nói: “Trong phước có họa và trong họa có phước” là như vậy. Làn gió phấn hưng hiếm hoi và quý báu, cũng đã bắt đầu “ra khỏi” Việt Nam từ lúc đó. Với sự trợ giúp của các Hội Thánh từ bên ngoài về mặt tài chánh, Hội Thánh Tư Gia ở Việt Nam đã đi từ chỗ gây dựng thuộc linh – xây dựng “vương quốc vô hình”, tức là Hội Thánh thật của Chúa – đến chỗ lo xây dựng tổ chức, hệ phái, giáo phái... mà nguyên nhân chính yếu thúc đẩy đằng sau, là vì những khoản tiền “yểm trợ” từ bên ngoài. Câu nói của một triết gia nào đó, đã nói rằng: “Bầy chó con đang chơi giỡn với nhau ngoài sân, nhưng nếu bạn ném cho chúng một cục xương, thì chúng sẽ quay lại cắn nhau trối chết”. Xem ra câu nói này cũng không phải là không đúng. Hội Thánh Tư Gia đã bắt đầu phân rẽ và “xâu xé” nhau từ đó. Chính sự nổ lực và tranh thủ chộp lấy cơ hội để tạo lập “đế chế riêng”, của nhiều “lãnh đạo”, đã đẩy Hội Thánh thật của Chúa đi vào chỗ bị chia rẽ, bè đảng, ganh gỗ (xác thịt, ganh đua)... Cuối cùng, Hội Thánh Tư Gia tại Việt Nam đã tự đánh mất chính mình. Đó là điều đáng tiếc.

Sách Truyền đạo 9:4 có chép: “Con chó sống thì hơn sư tử chết.” Vâng, Hội Thánh Tư Gia được Chúa dấy lên như một “con chó sống”, có ích cho Chủ về mặt thuộc linh và phát triển Hội Thánh đúng nghĩa. Tuy nhiên, họ không thích làm “chó sống”, họ muốn làm “sư tử” theo kiểu của giáo hội truyền thống về mặt tổ chức, tức là họ cũng muốn có giáo hội, có nhà hội, nhà thờ, chức danh, ban bệ… và rồi những “con chó sống” đã “chết yểu”, trước khi trở thành “sư tử”. Giào hội C&MA về mặt tổ chức, họ có bền ngoài “oai phong” như một con sư tử, tuy nhiên về mặt thuộc linh, thì họ lại không có năng lực như một “con sư tử” (Châm-ngôn 28:1), nếu không nói là họ cũng đã chết như Hội Thánh Sạt-đe “ngươi có tiếng là sống nhưng mà là chết.” (Khải-huyền 3:1). Thực tại không có gì tồi tệ cho bằng các Hội Thánh Tư Gia ngày nay, nếu xét về mặt tổ chức và kỷ cương, cũng như cả về mặt đạo đức.
Chúa phán: “Chúng có thể xây dựng lại nhưng ta sẽ đập đổ...” (Ma-la-chi 1:4)
Thông điệp này là một lời đe doạ gián tiếp, dù nói với Ê-đôm nhưng là một lời ngăm đe  (một kiểu nói bóng gió nhưng thật ra là trực tiếp) đối với dân Y-sơ-ra-ên. Chúa sẽ đập đổ những gì mà người Y-sơ-ra-ên đã xây dựng lại. Người Y-sơ-ra-ên đã xây lại đền thờ, khôi phục những nghi lễ thờ phượng, nhưng không xây sửa và giữ gìn tấm lòng để sống theo mục đích và ý muốn của Đức Chúa Trời.
Hội Thánh ngày nay đang xây dựng những gì? Thực trạng Hội Thánh Chúa ở Việt Nam nói chung, và các “hệ phái Tư Gia” nói riêng, ngày nay, không khác gì thực trạng tôn giáo của Y-sơ-ra-ên thời kỳ hậu lưu đày. Họ đang cố xây những điều mà Chúa đã từng đạp đổ! Hội Thánh có nổ lực để xây dựng tình yêu thương và sự hiệp nhất trong thân thể của Chúa hay chỉ lo xây dựng “đế chế riêng”, tổ chức, hệ phái, giáo đường... cho to mà tín đồ thì yếu đuối về mặt thuộc linh, rỗng tuếch về mặt thuộc linh và sống đạo. Đời sống thuộc linh của lớp “mục sư” sau này, phần nhiều là “mục hư...” trong đời sống tin kính, nếu không nói là giả hình! Tầng lớp lãnh đạo thì còn táo tợn hơn, bất chấp mọi thủ đoạn, mánh mung... lừa dối dư luận, cấu kết với thế quyền (quyền lực thế gian) để củng cố địa vị. Móc nối với những hệ phái đã biến chất, sa sút thuộc linh từ rất lâu ở nước ngoài, để kiếm tiền dưới những hình thức nghe có vẻ thuộc linh, họ giao lưu với bất kỳ giáo phái nào, ngay cả là tà giáo miễn là có tiền. Thay đổi tên giáo hội xoành xoạch... Họ làm như thế tất cả là vì tiền.
Sách A-ghê 1:9, Lời Chúa có phán rằng: “ Nhà ta thì hoang vu mà các ngươi ai nấy lo xây nhà mình.
Phải chăng ngày nay Chúa cũng phán với thế hệ của chúng ta rằng: “nhà ta – Hội Thánh của Chúa – thì hoang tàn về mặt thuộc linh, mà các ngươi – những người lãnh đạo Hội Thánh – ai nấy lo xây dựng tổ chức cho riêng mình?" Đó là chưa kể một số lãnh đạo đã lấy tài sản, ngân sách của Hội Thánh, làm “phù phép” biến thành của riêng, đem về xây nhà mình cho lớn. Điều đó cũng đủ để chứng minh rằng, thế hệ của chúng ta đang “tái diễn” những “tội ác”, còn tệ hơn những “tội ác” mà “tổ phụ thuộc linh” của chúng ta đã làm. Nếu chúng ta không ăn năn từ bây giờ, thì sẽ có ngày chúng ta cũng phải ăn năn trong ngục tù và những giá trả khác. Nếu chúng ta không giao nộp những tài sản bất chính ngay từ bây giờ thì sẽ có một ngày Chúa sẽ dùng người khác – một thế lực gian ác, hoặc một biến cố  nào đó – tước đoạt những tài sản bất chính đó từ tay chúng ta, mà chúng ta không thể nào than thở được. Những gì chúng ta xây nhưng không theo ý muốn của Chúa, không vì mục đích làm vinh hiển Chúa... một ngày kia sẽ bị đạp đổ. Nếu không bị đạp đổ thì cũng trở thành trò cười cho thế gian.
Trong sách Ê-sai 42:23-25, Lời Chúa có phán:

Trong vòng các ngươi ai là kẻ lắng tai nghe điều này, ai để ý đến và nghe sự xảy có về sau? Ai đã phó Gia-cốp cho sự cướp bóc và Y-sơ-ra-ên cho quân trộm cướp? Há chẳng phải Đức Giê-hô-va là Đấng mà chúng ta phạm tội nghịch cùng, đường lối Ngài chúng nó chẳng noi theo, luật pháp Ngài chúng nó chẳng vâng giữ? Cho nên Chúa đã trút cơn thịnh nộ và sự chiến tranh dữ dội trên nó...
Và trong Ê-sai 54:16, Chúa phán:
Chính ta đã tạo thành kẻ phá diệt đặng làm sự phá diệt.”
Đức Chúa Trời là Đấng mà chúng ta đang thờ phượng và hầu việc là một Đức Chúa Trời hằng sống. Chính Ngài sẽ tạo ra những thế lực, công cụ để “phá diệt” và “đạp đổ” những điều cần phải phá diệt, đạp đổ (Giê-rê-mi 1:10).

TÔN GIÁO LỪA BỊP – SỰ THỜ PHƯỢNG DỐI TRÁ – DANH CHÚA BỊ COI THƯỜNG
Khốn nạn cho kẻ lừa bịp, nó có những con thú đực tốt đã hứa dâng trong bầy mình, nhưng lại dâng con bị thương tích cho Chúa” (Ma-la-chi 1:14)
Ước gì một người trong các ngươi đóng các cửa đền thờ ta lại...” (Ma-la-chi 1:10)
Chính các ngươi, những thầy tế lễ, các ngươi đã khinh khi danh ta.” (Ma-la-chi 1:6)
Sách Ma-la-chi chương 1, mô tả thực trạng tôn giáo của dân Y-sơ-ra-ên trong thời của tiên tri Ma-la-chi.
1. Tôn giáo lừa bịp
Có một thực trạng đáng ghê tởm đã diễn ra trong tôn giáo của dân Y-sơ-ra-ên, dưới thời của Ma-la-chi. Đó là việc dâng tế lễ trong đền thờ của họ: Trên bàn thờ, bên trong đền thờ, người ta dâng những con vật bệnh hoạn, què quặt, đui mù... những chiếc bánh mốc meo quá hạn dùng! Đó là điều dường như khó tin, nhưng hoàn toàn là sự thật. Họ xúc phạm Chúa trắng trợn, mà vẫn xem như Chúa không… hay biết gì (?).
Tại sao họ làm như vậy? Và ai đã trực tiếp làm điều đó?
Luật pháp Cựu Ước chẳng những có quy định, là sinh tế hoặc lễ vật dâng lên cho Chúa, phải là con tốt nhất trong bầy đàn, không tì, không vết... bánh hay hoa quả dâng lên phải là tốt nhất, đầu mùa (ChâmNgôn 3:9; Lê-vi Ký 1:10). Nhưng với lương tâm và lòng biết ơn của con người đối với Chúa, đương nhiên cũng phải làm như vậy. Nếu luật pháp không quy định thì họ không có tội, đàng này luật pháp có quy định. Hơn nữa, là những thầy tế lễ, là dân thánh, tại sao họ lại làm như vậy?
Những người trực tiếp làm điều này, chính là những thầy tế lễ đang thi hành chức vụ trong đền thờ. Họ có quyền căn cứ vào luật pháp, để từ chối những con sinh què quặt, đui mù... những lễ vật không xứng đáng như bánh mốc, quả hư... Còn đối với người dân thường, chắc chắn không ai dám làm điều này, vì hai lẽ:

a) Họ sẽ bị từ chối: Các thầy tế lễ sẽ căn cứ vào luật pháp mà từ chối những “của lễ” như vậy.
b) Họ sẽ bị các thầy tế lễ quở trách trước mặt mọi người: Thầy tế lễ có quyền quở trách họ nếu họ làm như vậy.
Thế nhưng vì đâu đã có những thứ “đồi bại” kia trước mặt Chúa, ngay trên bàn thờ?
Câu trả lời: Lòng tham lợi thì ở đâu cũng có.
Các thầy tế lễ đã chuẫn bị sẵn những con sinh bệnh hoạn, què quặt, đui mù... những thùng bánh mốc meo, hoa trái úng hư, kém chất lượng... ở phía sau đền thờ, hoặc một nơi nào đó mà người dân “vô phận sự miễn vào”. Những thứ như vậy, tất nhiên là được mua với giá rẻ mạt ngoài chợ... rồi khi những con sinh tốt đẹp, tròn trịa, những của lễ tốt, có giá trị mà dân sự đem dâng lên cho Chúa, khi vào bên trong đền thờ thì bị đánh tráo. Sau đó, những thứ tốt được đưa vào một nơi đặc biệt, kế đến sẽ được tuồn ra chợ bán sĩ cho thương lái. Có thể nói một “đường dây buôn bán đồ thánh”, được các thầy tế lễ thiết lập từ “đền thờ” đến “chợ búa” và rồi: đó là cách thức mà các thầy tế lễ thời bấy giờ, theo thời gian được “trở nên thịnh vượng” một cách đặc biệt! Họ đã làm giàu nhờ tôn giáo!
Kinh Thánh chép rằng: “Sự tham tiền là cội rễ của mọi điều ác” (I Ti-mô-thê 6:10).
Hay: “Kẻ muốn nên giàu có ắt sa vào chước cám dỗ...” (I Ti-mô-thê 6:9)
Dưới thời của Ma-la-chi, các thầy tế lễ đã làm giàu bằng cách bán những con sinh khoẻ mạnh, những của lễ tốt đầu mùa của dân sự, ra chợ và thay vào đó là những con chiên ốm yếu, bệnh tật, những hoa quả rẻ tiền… được dâng lên bàn thờ trước mặt Chúa! Lòng tham khiến họ mù quáng và tôn giáo, mục vụ, thánh chức...đã trở thành phương tiện để làm giàu, trục lợi!
Ngày xưa là thế còn ngày nay thì sao?
Trong điều kiện, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, Hội Thánh Chúa tại Việt Nam đã được nhiều tổ chức truyền giáo, Hội Thánh ở nhiều nơi trên thế giới giúp đỡ. Đây là cơ hội “bằng vàng” cho các lãnh đạo, đặc biệt là mấy ông “chủ tịch Hội Thông công” (Felowship), Tổng quản nhiệm, giáo hội trưởng… trở thành những “đại gia” trong thế giới tôn giáo (Cơ-đốc-giáo). Nhiều nhân sự Cơ-đốc trước đây, khởi đầu của họ cũng rất tốt, nhưng trong quá trình “theo Chúa” và “phục vụ Chúa”, họ đã bị “các xếp” bắt chẹt nhiều cách: vì để có cơ hội tiến thân, được “gắn lon” (phong chức), vì đồng tiền, vì miếng ăn, vì sĩ diện cá nhân... họ đã gửi lên cấp trên của họ, những bản báo cáo thành quả công việc với những con số hoàn toàn láo xược. (Có một em nhân sự, trước đây làm việc thư ký văn phòng cho mục sư Đinh Thiên Tứ. Công việc của em này là tổng hợp những con số để viết thành bào cáo. Vì biết rõ những “con số” từ các nơi trong nước gởi về là hoàn toàn láo, nên sau đó em này đã xin ra khỏi và không làm thư ký văn phòng cho Liên-hữu Cơ-đốc nữa. Không biết mục sư Đinh Thiên Tứ có biết việc này không?). Cấp lãnh đạo của họ cũng thừa biết những con số đó là không thật. Tuy nhiên, họ vẫn tổng hợp những con số không thật, rỗng tuếch đó để gửi ra nước ngoài cho những tổ chức yểm trợ, một mặt là để “đánh bóng” tổ chức của mình, duy trì “uy tín lãnh đạo,” mặt khác để tiếp tục nhận sự yểm trợ tài chánh. Nhờ những con số lớn mà số tiền ủng hộ cũng... lớn theo. Và rồi các ông “tổng quản nhiệm”, các ngài “chủ tịch hội thông công”… cứ thế được trở nên “thịnh vượng một cách cá biệt”. Mặt khác thuyết “thịnh vượng” mà người ta xây dựng một cách méo mó, trần tục và phiếm diện, dựa trên III Giăng 2, cũng là một bức màn hiệu quả, để che đậy kiểu làm giàu bất chính bằng tôn giáo, che đậy một lối sống “ăn trên ngồi tróc” của giới lãnh đạo biến chất, hủ bại và “mục hư” từ trong đời sống thuộc linh của họ ngày nay.
2. Sự thờ phượng dối trá
Chúa Vạn Quân phán: Ước gì một người trong các ngươi đóng các cửa đền thờ ta lại, để khỏi châm lửa vô ích trên bàn thờ ta! Ta không bằng lòng các ngươi và ta sẽ không chấp nhận của lễ từ tay các ngươi.” (Ma-la-chi 1:10)
Sự thờ phượng của dân Y-sơ-ra-ên, dưới thời của tiên tri Ma-la-chi, về mặt hình thức có lẽ “không chi trách được”. Nhưng chính sự dối trá của các thầy tế lễ, những người trực tiếp dâng hương trong đền thờ, những người phục vụ trong nơi thánh, đã làm Chúa chán ghét những buổi “thờ phượng” của họ. Chúa là Đấng “ưa điều công bình (chơn thật), và ghét điều gian ác (dối trá)" (Thi Thiên 45:7). Thông qua tiên tri Ma-la-chi, Chúa đã phán rằng: “Ước gì một người trong các ngươi đóng các cửa đền thờ ta lại để khỏi châm lửa vô ích trên bàn thờ ta!”
Chúa ước thì có lúc Chúa cũng sẽ làm, và Chúa cũng đã từng làm...
Tại sao Chúa đóng cửa Thần học Viện Nha Trang? Tại sao một số nhà thờ Tin Lành (cũng như Công giáo và một số cơ sở tôn giáo khác) bị đóng cửa sau năm 1975? Chắc gì ở những nơi đó không có sự dối trá? Đôi khi người ta gọi những sự kiện đó là “Chúa thử thánh”, có lẽ nói vậy cho dễ nghe. Nhưng nếu phải gọi một cách chính xác, thì đó là “Chúa dẹp”. Giống như Chúa đã từng dấy người Ba-bi-lôn lên để dẹp bỏ đền thờ Giê-ru-sa-lem, vì ở đó đầy dẫy những điều lừa lọc và dối trá.
Trong sự thờ phượng và hầu việc Chúa, điều cốt yếu và trước hết là bởi tấm lòng (Giăng 4:24). Tấm lòng ngay thẳng và chơn thật, dù hình thức có thô thiển bình dân thì trước mặt Chúa nó vẫn là “một tế lễ có mùi thơm”. Còn hình thức phô trương, lời lẽ văn hoa mà tấm lòng dối trá, động cơ tư lợi, thì trước mặt Chúa chẳng khác gì một tội ác! Tội ác đó chính là làm cho danh Chúa bị khinh khi, bị coi thường trong dân ngoại. Chúa không cần sự tán tụng dối trá, những lời nịnh hót bá vơ... nhưng Chúa cần sự chơn thật nơi bề trong của tấm lòng con người (Thi Thiên 51:6).
Qua tiên tri Giô-ên, Lời Chúa kêu gọi: “Hãy xé lòng các ngươi đừng xé áo các ngươi” (Giô-ên 2:13).
Hãy thờ phượng Chúa bằng tấm lòng, đừng thờ phượng Chúa bằng sự phô trương hình thức. Hãy tập cho dân sự Chúa những “bài ca mới”, hãy hát cho Chúa nghe những lời ca, khúc hát từ đáy lòng của những người được cứu chuộc, và được hát lên từ môi miệng của những người được cứu chuộc. Hãy dâng lên Chúa những của lễ từ tấm lòng và môi miếng được cứu chuộc. Sự thuê mướn những ca sĩ chuyên nghiệp (nhưng họ chưa được cứu) để trình bày những bài thánh ca trước mặt Chúa, là một trò “khóc mướn”. “Của lễ” và “bàn thờ” phải thánh. Bài hát của những người được cứu chuộc, phải được hát lên từ môi miệng của những người được cứu chuộc. Sự thờ phượng không phải là cái để trình diễn, phô trương. Lời cầu nguyện được “Đấng Kín Nhiệm” lắng nghe, đón nhận không phải là lời cầu nguyện được bày ra, được quảng cáo nơi góc đường, công viên hay phố chợ... Sự thờ phượng cốt là để Chúa được vui lòng, và rồi “chính Ngài sẽ chiến cự cho chúng ta” (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:13,14). Tức là rất nhiều việc Chúa sẽ thực thi cho chúng ta, khi chúng ta thờ phược Chúa đúng và đủ.
Nhiều nhóm Tư Gia ngày nay tổ chức những buổi thờ phượng, dường như chỉ để trình diễn, phô trương... Họ gào thét, kêu la, nhảy múa đủ kiểu như thể mình đang thuộc linh lắm, nhưng nếu nhìn cho kỹ thì họ đang trình diễn hơn là thờ phượng.
TỘI LỖI CỦA GIÓI TƯ TẾ
Chúa Vạn Quân phán: ‘Đây là mạng lịnh cho các ngươi, những thầy tế lễ.'” (Ma-la-chi 2:1)
Theo luật Cựu Ước, thầy tế lễ - tức là những người làm việc trong đền thờ, trong nơi thánh – phải được tuyển chọn từ dòng dõi Lê-vi. Chức vụ tế lễ chỉ được dành riêng cho chi phái Lê-vi, một trong mười hai chi phái của Y-sơ-ra-ên. Những người thuộc những chi phái khác không được bước vào chức vụ tế lễ (I Các Vua 12:31). Chi phái Lê-vi không được chia sản nghiệp (chia đất). Sản nghiệp dành cho họ chính là Chúa (Ê-xê-chi-ên 44:28, 29). Họ được hưởng phúc lợi từ công việc thánh, từ nơi thánh. Cơ nghiệp quý giá nhất mà họ có được chính là Chúa – Chúa Chí Ái, Toàn Năng chính là cơ nghiệp của họ. - “Tài sản” lớn lao nhất mà họ có được chính là giao ước mà Chúa đã thiết lập vói dòng họ Lê-vi. Căn bản của giao ước đó chính là “sự sống và bình an” (Ma-la-chi 2:5). Đó là một giao ước mà như Chúa đã từng phán với Giê-rê-mi rằng: nó vững chắc như “định luật ngày và đêm”. Ai phá được quy luật ngày và đêm, thì người đó mới phá được giao ước “bình an và sự sống” mà Chúa đã thiết lập với người Lê-vi – là những người tin kính, hầu việc Ngài (Giê-rê-mi 33:20, 21). Nói cách khác, Chúa có một sự quan phòng tuyệt đối, trên những người được Ngài kêu gọi để dâng trọn đời sống phục vụ Ngài. Thậm chí Ngài còn nhìn thấy “một sợi tóc trên đầu” họ rơi xuống đất. Những người không có sự kêu gọi của Chúa, sẽ không bao giờ kinh nghiệm được sự chắc chắn và lạ lùng của “giao ước Lê-vi”. Những ai không sống hoặc chưa từng sống bằng “giao ước Lê-vi”, người đó chưa bao giờ là tôi tớ thật của Đức Chúa Trời. Người của Đức Chúa Trời, phải sống bằng sự chu cấp thánh – sự chu cấp từ Đức Chúa Trời.
Ở một chỗ khác Chúa phán với Ê-sai rằng:
“Dầu núi dời, dầu đồi chuyển nhưng lòng nhơn từ ta đối với ngươi chẳng dời khỏi ngươi, lời giao ước bình an của ta chẳng chuyển. Đức Giê-hô-va là Đấng thương xót ngươi phán vậy.” (Ê-sai 54:10)
Hãy nghiêng tai và đến cùng ta; hãy nghe ta thì linh hồn các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước đời đời, tức là sự nhơn từ chắc thật đã hứa cùng nhà Đa vít.” (Ê-sai 55:3)
Giao ước mà Chúa đã thiết lập với nhà Đa vít cùng với giao ước mà Chúa đã thiết lập với nhà Lê-vi, vốn là một. Tức là giao ước bình an, giao ước đời đời không thay đổi.
Chức vụ tế lễ - được kêu gọi để làm việc trong nơi thánh (ngày nay là những người được kêu gọi phục vụ Chúa trọn thời gian) – là một đặc ân vô giá, mà không phải ai cũng có thể có được. Nó phải được sự kêu gọi. Tất cả những gì mà người ta có được trong thế gian, không thể đem so sánh với ơn kêu gọi của Đức Chúa Trời (Rô-ma 9:16).

Ngày nay, bởi ơn điển cứu chuộc trong huyết báu của Đấng Christ, mỗi một tín hữu thật là một “thầy tế lễ”, theo như sứ đồ Phi-e-rơ đã xác nhận:
Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhơn đức của Đấng gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:9)
Lời Chúa trên đây, chống lại những người chủ trương thuyết “xức dầu từ đầu A-rôn”. Những người chủ trương thuyết này (dựa trên Thi-thiên 133) cho rằng, sự xức dầu chỉ đến hay bắt đầu từ người lãnh đạo. Điều này chỉ đúng có một phần. Có nghĩa là một người phục vụ, nếu biết vâng phục người lãnh đạo trên mình, như Giô-suê đối với Môi-se, hoặc như Ti-mô-thê đối với Phao-lô… thì Chúa sẽ ban ơn và xức dầu trên người đó (theo quy luật gieo-gặt, Ga-la-ti 6:7). Nhưng tất nhiên phải là một người lãnh đạo tốt. Một người lãnh đạo kính sợ Chúa và được Ngài đặt để thật sự trong chức vụ hiện tại của người đó, chứ không phải là những người lạm dụng hai chữ “lãnh đạo” hay chức vụ lãnh đạo. Thi thiên 133 dạy rằng sự “xức dầu” sẽ đến bởi “tinh thần hiệp một”; anh em vâng phục, hòa thuận lẫn nhau. Chúa thật sự muốn tuôn đổ sự xức dầu trên Hội Thánh của Ngài luôn luôn, nhưng anh chị em với nhau trong Chúa phải biết giữ gìn sự hiệp một. Đó là trách nhiệm của mỗi một Cơ-đốc-nhân, nếu muốn nhận được phước hạnh của sự xức dầu được tuôn đổ trên Hội Thánh. Ngày nay một số lãnh đạo trong các hệ phái Tư Gia mới nảy sinh sau này, vì muốn bảo vệ và duy trì quyền lực cá nhân, họ đã lạm dụng Thi thiên 133, để đưa ra thuyết trên đây. Mục đích của họ là “ngăm đe, hù dọa” nhân sự hầu củng cố địa vị, duy trì “chiếc ngai”, duy trì kiểu thống trị độc tài của họ, nhằm bảo vệ tổ chức và quyền lực tôn giáo… - Điều này nói lên một sự sai trật trong những người lãnh đạo như vậy. Nếu chúng ta trung tín phục vụ Chúa một cách khiêm nhường, ngay thẳng… thì việc “đi hay ở” của một người khác là việc của họ. Là người lãnh đạo, chúng ta chỉ nên quan tâm đến việc mình có còn được Chúa dùng nữa, hay không mà thôi. - Kinh Thánh không dạy như vậy. Kinh Thánh không dạy rằng sự xức dầu chỉ đến từ người lãnh đạo. Mỗi một Cơ-đốc-nhân là một thầy tế lễ, đó là lẽ thật mà Kinh Thánh dạy. Sự “xức dầu” thật sự sẽ đến khi người ta vâng phục ý muốn của Chúa và làm theo sự kêu gọi của Đức Chúa Trời. Không một tổ chức hay con người nào có quyền cướp lấy “quyền xức dầu” của Chúa được. Một số giáo hội Ngũ Tuần ở Việt Nam gần đây, người ta đã bắt đầu giảng dạy cho nhân sự của họ thuyết này. Thuyết này đã được các linh mục Công Giáo sử dụng từ rất lâu trước đây! Tiếc thay một số người xưng mình là “ân tứ”, là “Ngũ Tuần”… nhưng bây giờ lại đi làm cái việc “cũ mèm”, mà trước đây mình đã từng chê trách.
“Ăn trộm” sự vinh hiển của Chúa
Sự cám dỗ lớn nhất, mà những người làm việc trong “nơi thánh” thường gặp phải, đó là giành lấy sự vinh hiển vốn thuộc về Chúa. Họ là “cầu nối trung gian” giữa Đức Chúa Trời và dân sự, như thể Đức Chúa Jêsus “là Đấng Trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người” (I Ti-mô-thê 2:5). Tất nhiên, thầy tế lễ chỉ đóng vai trò trung bảo. Chỉ Đức Chúa Jêsus mới là Đấng Trung Bảo Duy Nhất. Họ có thể đem “thiên đàng xuống trần gian” mà cũng chính họ cũng có thể đẫy một thế hệ từ trần gian xuống “vực thẳm”. Thầy tế lễ mà thánh thì cả hội chúng, dân sự cũng bởi đó được nên thánh. Thầy tế lễ mà phạm tội thì cả dân sự – thế hệ đó – cũng sa ngã và phạm tội. Tương lai của một thế hệ, tùy thuộc vào sự thánh khiết và tin kính của hàng ngũ lãnh đạo Hội Thánh. Lãnh đạo tin kính sẽ đẻ ra một thế hệ tin kính. Lãnh đạo bất kính sẽ đẻ ra một thế hệ vô luân, tham nhũng. Lãnh đạo tham quyền cố vị (bám chặt địa vị dù đã có nhiều tội lỗi, tai tiếng...) sẽ sinh ra một thế hệ tìm kiếm địa vị, chức danh… một thế hệ miệng thì nói là “phục vụ Chúa” nhưng sự thật chỉ là những con người “mượn đạo để tạo đời”. Lấy sự tin kính làm “nguồn lợi”, dùng “giáo lý thịnh vượng” làm bức màn che đậy một đời sống bại hoại, tội lỗi…
“Ăn trộm” của  thánh
Dưới thời tiên tri Ma-la-chi, các thầy tế lễ phần nhiều là những người tham lợi. Họ làm giàu bằng cách tráo đổi những con sinh khoẻ mạnh, những của lễ tốt đẹp của dân sự đã dâng lên cho Chúa, để đem ra chợ bán, rồi thay vào đó là những con sinh què quặt, bệnh hoạn, những của lễ “mạt hạng”, tất nhiên là được mua với giá rẻ. Họ đã trở nên “thịnh vượng” nhờ cách đó.
Các ngươi đã ăn trộm trong các phần mười và trong các của dâng.” (Ma-la-chi 3:8)
Chữ “các ngươi” ở đây chính là các thầy tế lễ. Sách Ma-la-chi đặc biệt được viết cho giới tư tế - những thầy tế lễ thời hậu lưu đày – sách không đề cập hay “đá động” gì đến dân sự cả! Sách được viết riêng cho các thầy tế lễ (Ma-la-chi 2:1). Các thầy tế lễ đã “ăn trộm trong các phần mười và trong các của dâng” của dân sự.
Lâu nay các mục sư đứng trên tòa giảng, thường trích dẫn câu Kinh Thánh Ma-la-chi 3:8 để “trách móc” dân sự, thậm chí là hù dọa, “ngăm đe” họ về việc không trung tín trong việc dâng phần mười: Nào là sẽ bị “rủa sả”, nào là sẽ “không được thịnh vượng…” Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, trong nguyên văn và ngay từ lúc ban đầu, câu Kinh Thánh này được viết ra chính xác là cho “các thầy tế lễ”, chứ không phải cho dân sự. Đáng lẽ ra điều này, cần phải được giảng dạy và áp dụng thường xuyên cho giới lãnh đạo, các mục sư... trong các Hội Thánh ngày nay thì mới phải. Thế nhưng các mục sư ngày nay, họ đem điều đáng lẽ ra là cho họ, lại đi giảng cho tín đồ, còn họ thì đôi khi “chẳng đụng ngón tay vào”.
Ngày hôm nay, không hiểu vì sao mà một số các lãnh đạo trong các Hội Thánh, đặc biệt như đã nói ở trên, các ông “tổng quản nhiệm," các ngài “chủ tịch hiệp hội thông công” (Fellowship) tại Việt Nam, lại giàu có và “thịnh vượng” một cách “đặc biệt”, “khó hiểu” hơn tất cả các dân sự và nhiều tôi tớ Chúa khác (?) Sự giàu có không phải là tội. Nhưng giữa lúc phần nhiều con dân và tôi tớ Chúa khắp nơi, còn nhiều khó khăn; câu hỏi đặc ra là những tài sản “kếch sù” đó, ở đâu mà các ông có? Giữa lúc Hội Thánh và con dân Chúa, công việc Chúa còn nhiều khó khăn, mà các ông lại có một đời sống “vương giả.” Nếu các ông quả là “thánh”, thì làm ơn trả lời cho dân sự Chúa biết đi? Nếu các ông quả là “thiện” thì hãy mau chia sớt những điều thừa mứa của mình, cho những anh chị em, là những người cũng đang hầu việc Chúa, còn nhiều thiếu thốn khó khăn kia đi, như sứ điệp của Giăng Báp-tít đã giảng: “Ai có hai áo hãy lấy một cái cho người không có, và ai có thức ăn cũng hãy làm như vậy.” (Lu-ca 3:11). Tại sao các ông giảng cho dân sự là hãy sống hy sinh… còn các ông thì lo thâu tóm cho riêng mình? Như vậy,về mặt đạo đức, liệu đó có phải là một “gương tốt cho cả bầy?” (I Phi-e-rơ 5:3)
Các tôi tớ Chúa ngày nay cần học hỏi tinh thần nghèo khó của Đấng Christ: “Ngài vốn giàu mà tự làm nên nghèo”, để từ đó Ngài làm cho chúng ta được trở nên giàu. Nhưng sự “giàu” mà Kinh Thánh nói ở đây, không phải là sự giàu có dưới đất, như một số người lầm tưởng. Sự giàu có của Cơ-đốc nhân, là sự “giàu có trong cơ nghiệp của các thánh đồ,” “giàu có trong đức tin,” “giàu có trong ân điển” của Đức Chúa Trời. (I Cô-rinh-tô 8:9; Ê-phê-sô 1:18; Gia cơ 2:5). Phao lô viết: “Mọi sự tôi có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều nêu gương tốt” (ICô-rinh-tô 10:23). Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, là một Đức Chúa Trời “không thiên vị ai cả” (Rô-ma 2:11). Nếu Đức Chúa Trời ban phước cho “các ông” thì Ngài cũng ban phước cho tất cả mọi người. Sự “thịnh vượng cá biệt” đó, là dấu hiệu của sự tham lam, trộm cắp và thiếu ngay thẳng của những thành phần được gọi là “lãnh đạo” trong Hội Thánh ngày nay. Điều đó đương nhiên sẽ “chuốc lấy nhiều điều đau đớn” và cũng khó tìm được một lời biện hộ thích hợp trong ngày phán xét.
Lời ngăm dọa
“Nếu các ngươi không nghe và không để tâm tôn vinh danh ta, ta sẽ giáng sự rủa sả trên các ngươi và rủa sả những phước lành của các ngươi...”
“Chúa cũng phán : ‘...Ta sẽ quở trách con cháu các ngươi, lấy phân của những sinh tế trét lên mặt các ngươi... Bấy giờ các ngươi sẽ nhận biết rằng ta ban mạng lịnh này để giao ước của ta với Lê-vi vẫn tồn tại.” (Ma-la-chi 2:2-4)
Không một tội lỗi nào mà dể dàng được Chúa bỏ qua và không có một hình phạt thích đáng dành cho nó. Chúa chậm giận, nhân từ không có nghĩa là Chúa bỏ qua các việc làm tội lỗi. Chúa nhẫn nại chờ đợi người ta ăn năn, và cũng để “thử tấm lòng của các tôi tớ Ngài”, thì người ta lại tiếp tục làm điều ác, tiếp tục che đậy tội lỗi bằng những lời biện hộ nghe “rất thánh” và rất “thuộc linh”. Sách Truyền đạo 8:11 có chép: “Bởi chẳng thi hành ngay án phạt những việc ác nên lòng con loài người chuyên làm điều ác”. Lý do thứ hai mà Chúa chưa “thi hành sự đoán phạt” trên những “thầy tế lễ phạm tội” là thế hệ sau chưa có đủ sự trưởng thành thuộc linh, để gánh vác vai trò lãnh đạo, như trường hợp gia đình của Hê-li đã phạm tội trong nơi thánh, nhưng vì cậu bé Sa-mu-ên “vẫn còn thơ ấu” chưa đủ trưởng thành để có thể thay thế. Do đó, nói theo cách của con người ngày nay là: “hãy đợi đấy!” (I Sa-mu-ên 2,3)
Ta sẽ giáng sự rủa sả trên các ngươi và trên những phước lành của các ngươi.” Nhiều người ngày nay đã chứng kiến những người đã “ăn trộm tiền của trong nơi thánh”, đem về làm tài sản riêng thì con cái trong gia đình họ phần nhiều là hư đốn. Chúng cũng “ăn trộm” tài sản trong gia đình, của cha mẹ đem đi ra ngoài ăn xài hoang phí với bạn bè hư hỏng, mà những người làm cha mẹ không thể... “nói nên lời”. Điều đó là sự “quả báo nhỡn tiền”. Cũng như Đa-vít, khi ông phải chứng kiến cảnh con trai lớn của mình là Am-nôn hãm hiếp em gái nó – cũng là con gái của ông – là Ta-ma, mà ông cũng không thể nào “mở miệng” được. Bởi vì chính ông cũng đã phạm một tội giống như vậy. (II Sa-mu-ên 11-13). Chúa phán “ta sẽ rủa sả... những phước lành của các ngươi.” Con cái là cơ nghiệp, là phần phước. Nhưng nếu chúng ta phạm tội với Chúa mà không ăn năn, thì chúng sẽ thành một nỗi khổ, một mối họa thay vì là phước: “Ta sẽ quở trách con cháu các ngươi”. Tài sản bất chính cũng không bao giờ là “phước” cả! Đi xe hơi, ở nhà biệt thự mà phải chịu tiếng đời thị phi, những kẻ “có quyền” trong đời này họ cũng khinh rẻ… thì có pước gì đâu? Tục ngữ có câu:
Trăm năm bia đá thì mòn,
Nghìn năm ‘bia miệng’ hãy còn trơ trơ”.
Vua Sau-lơ lúc còn sống và đang trong lúc còn “tại chức”, ông đã tìm cách “lập cho mình một tấm bia”. Tuy nhiên, cuộc đời của vua Sau-lơ chẳng để lại cho hậu thế một điều gì đáng khích lệ, ngoại trừ một gương xấu, tấm gương về một người lãnh đạo thất bại. Trong Kinh Thánh có những cuộc đời “dầu chết rồi vẫn còn nói”, đó là những cuộc đời “sống bởi đức tin” như A-bên, Kinh Thánh chép rằng “dầu người chết rồi, hãy còn nói” (Hê-bơ-rơ 11: 4). Tức là dầu họ không còn trên đất, nhưng họ vẫn còn có tiếng nói mạnh mẽ, để gây dựng đức tin của người khác. Ngược lại, một số người ngày nay, không chịu giữ lấy đời sống mình để làm gương cho người khác, đang khi mình còn “một chút địa vị”. Trái lại họ đã sống như Sau-lơ, và cũng để lại một tiếng đời giống như Sau-lơ. Điều đó cũng giống như Ê-sau, “vì một món ăn mà bán quyền con trưởng” (Hê-bơ-rơ 12: 16). Vì một chút tiện nghi, xa hoa trong đời, mà nhiều người đã đánh mất danh dự của một người “tôi tớ Chúa”. Con người có thể không biết, nhưng với Chúa thì Ngài biết hết, và biết rõ. Chúa biết thì cũng có lúc Ngài phơi ra cho mọi người đều biết. “Chẳng có điều gì giấu mà không phải lộ ra; chẳng có điều gì kín mà không được biết” (Lu-ca 12:2)
Ta sẽ lấy phân của những sinh tế trét lên mặt các ngươi” (2:2). Chúa phán câu này có nghĩa gì?
Làm người ai cũng muốn “lấy phấn mà dồi mặt”, nghĩa bóng là làm cho mình “xứng đáng, vinh hạnh và đẹp đẻ…” chứ không ai thích bị người khác “bôi phân” (người Việt Nam có cách  nói là “bôi tro trét trấu vào mặt”). “Bôi phấn” là hình thức làm cho đẹp đẻ, vinh hiển, còn “trét phân” là hành động làm cho sỉ nhục tỏ tường. Chúa phán:“Phàm ai tôn kính ta, ta sẽ làm cho được tôn trọng, còn ai khinh bỉ ta tất sẽ bị khinh bỉ lại” (I Sa-mu-ên 2:30). Người nào Chúa đã nhắc nhở, quở trách và cho có cơ hội để ăn năn, nhưng lại lảng tránh, cứng lòng không chịu ăn năn… thì Chúa sẽ phó họ cho sự thất bại và phơi những gì họ đã làm ra và khiến cho họ phải chịu sự sỉ nhục tỏ tường.
Gần đây xuất hiện những đơn thư tố cáo một số lãnh đạo thuộc hàng “tổng quản”, ở một số hệ phái “có tiếng” trong Hội Thánh Tư Gia. Những lá đơn có người đứng tên chịu trách nhiệm đường hoàng. Không biết những lá đơn như vậy, có phải là những “cục phân” theo nghĩa hiện đại hay không, nhưng như vậy cũng đủ làm thối tha cả một hệ phái, “một thuở anh hùng” trong Tư Gia rồi.
Thật, hễ điều gì miệng Chúa phán thì tay Chúa đã làm cho thành, y như chúng tôi thấy ngày nay” (I Các Vua 8:24).
Chúa phán Ngài sẽ “trét phân lên mặt”, nghĩa là Ngài sẽ làm cho phơi ra sự ô nhục của những việc làm xấu xa, đáng chê trách, nhưng các thầy tế lễ đã làm nó trong nơi lén lút. Mặt khác, đối với dân sự của Chúa thì những thầy tế lễ phạm tội đó lại tỏ ra huênh hoang. Chúa sẽ “trét phân lên mặt” đối với những ai đã từng được Ngài nhắc nhở, cảnh báo nhưng không hề biết kính sợ và ăn năn. Các ông “tổng quản”, các “ngài chủ tịch hội thông công” hãy nhìn những đơn thư tố cáo đó, mà sớm ăn năn. Hãy giao nộp mọi tài sản bất chính, mà mình đã “lỡ dại” ăn cắp trong nhà Chúa, để sử dụng đúng vào công việc của nó. Còn không, đến lúc Chúa ra tay thì những tài sản đó, dù có muốn giữ lại, cũng không ai có tài nào mà giữ lại được. Đến khi đó dầu có muốn ăn năn thì cũng đã muộn rồi. Hơn nữa, ôm một mớ tài sản bất chính, cùng với một tấm lòng cứng cỏi không ăn năn, một lương tâm chai lì… thì chức vụ làm sao có được sự xức dầu? Điều đó quả nhiên là một nổi khổ.
Giao ước thánh
Giao ước của ta với Lê-vi, giao ước ta đã ban cho người là giao ước của sự sống và bình an; giao ước này đòi hỏi sự tôn kính nên người tôn kính và run sợ danh ta... người bước đi với ta trong hoà bình, chánh trực và làm cho nhiều người bỏ điều ác... Nhưng các ngươi đã đi sai đường lối của ta và sự giáo huấn của các ngươi gây cho nhiều người vấp phạm.” (Ma-la-chi 2:5, 6, 8)

Chúa đã thiết lập với người Lê-vi một giao ước mà chúng ta có thể gọi đó là “giao ước thánh”. Giao ước đặc biệt mà Chúa dành cho những người làm việc trong nơi thánh.
Khi ra khỏi Ai-cập, tất cả 11 chi phái Y-sơ-ra-ên đều được chia sản nghiệp – chia đất – riêng chi phái Lê-vi không được chia sản nghiệp. Nhưng Chúa phán rằng “chính ta là cơ nghiệp, là sản nghiệp của chúng nó” (Ê-xê-chi-ên 44:28, 29).
Chi phái Lê-vi được biệt riêng để làm công việc trong “nơi thánh”, làm những “công việc thánh.” Những chi phái khác phải có trách nhiệm “thuộc thể” đối với người Lê-vi. Họ phải nhường thành, nhường đất chung quanh thành cho người Lê-vi làm nơi cư ngụ. Nhưng trên hết mọi sự, người Lê-vi phải tin rằng Chúa là Đấng chu cấp, Đấng bảo đảm tương lai cho họ: những người Lê-vi tin kính – những thầy tế lễ trung tín.
Ngày nay trong thời Tân ước, những người được Chúa kêu gọi đặc biệt để sống, và phục vụ trọn thì giờ thì trước hết, họ phải “sống bởi đức tin.” Kế đến, họ cần phải biết một nguyên tắc đó là: “Ai rao giảng Tin Lành sẽ được nuôi mình bởi Tin Lành” ( I Cô-rinh-tô 9:13, 14). Họ phải biết “nuôi mình bằng sự thành tín của Chúa” (Thi Thiên 37:3). Họ phải tin vào sự quan phòng tuyệt đối của Chúa. Nếu ai không sống được bởi đức tin, thì cũng đừng bước vào chức vụ và cũng đừng bao giờ giảng về đức tin.
Trong giao ước thánh có hai “điều khoản” quan trọng:
1. Tôn kính Chúa.
2. Bước đi với Chúa trong chánh trực (ngay thẳng).
Giao ước này đòi hỏi sự tôn kính... và bước đi với ta trong hoà bình, chánh trực” (2:6)
Nếu một người phục vụ Chúa mà làm trọn hai “điều khoản” này, thì phần còn lại chính Chúa sẽ lo liệu. Ngài chẳng những đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta, mà còn làm vượt quá hay trổi hơn mọi điều chúng ta cầu, xin suy tưởng nữa.
Những người phục vụ Chúa nhưng không tôn kính Chúa, và cũng không bước đi với Chúa một cách ngay thẳng, thì sự giảng dạy của họ sẽ “gây cho nhiều người vấp phạm”.
Các ngươi đã đi sai đường lối của ta và sự giáo huấn của các ngươi gây cho nhiều người vấp phạm” (2:8)
Một người không “sống” mà “giảng” thì chức vụ của người đó chỉ là một “cái nghề để kiếm cơm”.
Một người không “sống đức tin” mà “giảng về đức tin” là một người chỉ đi gieo rắc sự vô tín. Bài giảng của họ chỉ là “văn tự làm cho chết” (II Cô-rinh-tô 3:6). Đó là điều mà nhà tiên tri Giê-rê-mi đã viết về những tiên tri ở Sa-ma-ri, và những tiên tri ở Giê-ru-sa-lem rằng: “bọn tiên tri ở Sa-ma-ri... chúng nó đã làm cho sự vô đạo (vô tín) tràn ra trong cả xứ” (Giê-rê-mi 23:15).

Có một nghịch lý mà ngày nay đó là nhiều “ông lớn” đã đứng lên “rao giảng” về đức tin, nhưng đồng thời sau đó họ cũng cầm bảng danh sách “rỗng,” mà theo họ là những “nhân sự” của họ... đi ra nước ngoài vận động tài chánh một cách hèn hạ, vô liêm sĩ, rồi quay về trong nước làm chứng rằng: “Tạ ơn Chúa, vì lúc này Chúa cho chúng tôi được thịnh vượng!”
Những người không “sống đức tin”, không “bước đi với Chúa” mà vẫn “giảng Đạo” là những người huỷ hoại công việc Chúa hiệu quả nhất.
Một trong những sự “giáo huấn” góp phần làm băng hoại Hội Thánh ngày nay, chính là “giáo lý thịnh vượng”. 
“Giáo lý thịnh vượng”(GLTV) đặt nền móng chỉ trên một câu Kinh Thánh đó là III Giăng 2.
III Giăng 2 là một lời chào thăm có tính cách xã giao, lịch sự đầu thư, giữa một sứ đồ niên lão (sứ đồ Giăng) đối với một thánh đồ (có thể gọi là tân tòng - ông Gai út). Nó nhằm mục đích chào thăm, an ủi, khích lệ... Nó không phải là “giáo lý cơ bản” của Tin Lành. Phao lô – người đã thiết lập những giáo lý cơ bản cho Tin Lành (I Cô-rinh-tô 3:10) đã đề cập rất ít về sự “thịnh vượng” theo nghĩa “sự giàu có đời này”, cho Cơ-đốc-nhân, theo cách hiểu của nhiều người ngày hôm nay, nếu không nói là Phao-lô không hề “đá động” đến - Sự giàu có mà Phao lô đã nói đến trong II Cô-rinh-tô 8:9, trước hết là sự “giàu có về lòng nhân ái, cứu giúp người khác”, như chính gương của Chúa Jêsus, theo như mạch văn và ngữ cảnh của đoạn Kinh Thánh này đã đề cập. Kế đến, sự giàu có của Cơ-đốc nhân là “giàu có về cơ nghiệp của các thánh” như Phao lô đã đề cập đến trong thư Ê-phê-sô 1:18. Sự “giàu có” mà Kinh Thánh thường nói đến là “giàu có về đức tin,” giàu có “trong ân điển của Đức Chúa Trời” (Gia cơ 2:5), mà các thánh đồ ngày xưa thường an ủi và nhắc nhở nhau trong các thư tín của họ. “Hãy tìm kiếm các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất” (Cô-lô-se 3:1, 2). “Anh em như người ở trọ, kẻ đi đường…” (I Phi-e-rơ 2:11).
Nói về vật chất ở thế gian thì Phao lô – người đã đặt nền móng cho giáo lý của Tin lành – nói rằng: “đủ ăn đủ mặc thì phải thoả lòng”; cũng như Chúa Jêsus đã dạy trong bài cầu nguyện của Ngài rằng: "Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày.” Phao lô tiếp rằng: “còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào chước cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý, thiệt hại kia là sự làm đắm người ta vào sự huỷ diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác” (Ma-thi-ơ 6:11; I Ti-mô-thê 6:8-10).
Có thể một số các thánh đồ trong Tân Ước, cũng như Cựu Ước, được Chúa ban cho giàu có. Nhưng vì nhiều lý do và mục đích khác nhau, đó không phải là toàn bộ mục đích và ý muốn của Chúa cho “tất cả mọi cơ-đốc-nhân”. Nghèo mà yêu Chúa, nghèo mà dâng hiến rộng rải cho công việc Chúa, nghèo mà biết quan tâm giúp đở cho nhu cầu của các thánh đồ, các tôi tớ Chúa, sống yêu thương, sốt sắng chứng đạo... nghèo mà sống được như vậy, há là không vinh hiển cho Chúa sao?
Đức Chúa Trời há chẳng lựa kẻ nghèo theo đời này đặng làm cho giàu trong đức tin, và kế tự nước Ngài như đã hứa cho kẻ kính mến Ngài sao?” (Gia-cơ 2:5)
Hê-bơ-rơ chương 11, là một bảng danh sách các vị “anh hùng đức tin”, trong số đó chỉ có một số rất ít người, được kể là “giàu có trong đời này”. Nhưng họ cũng rất xem nhẹ của cải mà họ có được. Kinh Thánh chép rằng họ “vui lòng chịu của cải mình bị cướp...” (Hê-bơ-rơ10:34 ). Phần nhiều hơn trong số họ, là những “thánh đồ tay trắng”. Họ đã “chết trong đức tin, chưa nhận lãnh điều đã hứa cho mình; chỉ trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất” (Hê-bơ-rơ 11:13). Họ - những “thánh đồ tay trắng” này – là niềm tự hào của Đức Chúa Trời trước “thế giới của các thần linh” (Gióp1:6-8).
Hết thảy những người đó dầu nhơn đức tin đã được lời chứng tốt, song chưa hề nhận lãnh điều đã được hứa cho mình. Vì Đức Chúa Trời có sắm sẵn điều tốt hơn cho chúng ta...” (Hê-bơ-rơ 11:39, 40). Điều “tốt hơn” mà Đức Chúa Trời đã hứa cho các Cơ-đốc-nhân trung tín, không nằm trong thế gian này. Nó tốt hơn gấp vạn vạn tỉ lần... so với sự “thịnh vượng và giàu có dưới đất”, mà nhiều người ngày nay vẫn suy tôn, thờ lạy nó!
Từ khi “giáo lý thịnh vượng” bắt đầu du nhập và được đề cao trong Hội Thánh ở Việt Nam, thì cũng là lúc mà trong Hội Thánh bắt đầu sản sinh ra những lãnh đạo “xôi thịt” nhiều nhất từ trước đến nay! Hội Thánh đã trở thành “cần câu cơm”, “phương tiện làm giàu” của một số lãnh đạo “chóp bu”. Chưa bao giờ trong Hội Thánh lại có nhiều “tổng quản nhiệm”, nhiều “chủ tịch hội thông công” như ngày nay, mà cũng chỉ phần nhiều “các ông ấy” mới “thịnh vượng”, còn lại hầu hết thì...“chưa được Chúa ban phước”. Lạ thật!
Thật ra, những người được gọi là “lãnh đạo” trong các hệ phái tư gia ngày nay, phần nhiều trong số họ là những thành phần cơ hội, là “dân ba-lém”, là những thành phần “mượn đạo tạo đời”, là “lưu manh tôn giáo, khoác áo nhà tu”… Được thì họ làm “vua giáo phái”; không xong thì họ “nhảy ra nước ngoài” tiếp tục sống bằng cái nghề “lừa đảo con cái Chúa”. Họ dùng “giáo lý thịnh vượng” để “móc túi con cái Chúa” một cách tinh vi, còn bản thân họ, dù xưng mình là “tôi tớ Chúa”, là “công nương, hoàng tử của Vua trên Trời”… nhưng lại đi sống như một kẻ “ăn mày quốc tế”. Những gì họ rao giảng chỉ làm băng hoại đời sống đức tin của một thế hệ trẻ mà thôi.
Lập nên “hiệp hội thông công” là một cái tội trước mặt Chúa. Bởi vì sự “thông công” vốn là “hơi thở tự nhiên” của những người được cứu chuộc, là nhu cầu “giao tiếp thánh” giữa vòng các thánh đồ - là những người được chọn - những người mà chính Chúa đã dùng huyết Ngài để mua chuộc - là con dân của Chúa. Chúng ta là ai mà cho phép người khác cái “quyền được thở và không được thở?” Dựng lên “hiệp hội thông công” rồi nhân danh cái “hiệp hội” ấy để mà nhìn nhận người này là thánh đồ, người kia không phải là tôi tớ Chúa... là mình đã “rất đỗi ngồi vào chỗ của Đức Chúa Trời” rồi (phạm thượng).  (Xin xem II Tê-sa-lô-ni-ca 2:4, đây là thái độ của An-ti Christ). Chúng ta có quyền lập lên bất kỳ một tổ chức hay sân chơi nào, với cái tên gọi gì cũng được, nhưng sự “thông công” là quyền tự nhiên và “bất khả xâm phạm của các thánh đồ”. Không ai được lạm dụng sự “thông công”, để rồi tự cho mình có quyền hạn trên những anh chị em khác, là những người mà Chúa đã mua chuộc bằng huyết báu của Ngài. Các “hiệp hội thông công” trong vòng những “người Cơ-đốc” ngày nay, chẳng khác gì kiểu “làm ăn hợp-tác-xã” của thời bao cấp trước đây. Bao nhiêu con cái Chúa phải “cày”, để cho mấy ông “tổng quản”, mấy ngài “chủ tịch hiệp hội” được “no đầy, thịnh vượng”.
Sự “thông công” là “quyền tự nhiên của các thánh đồ”, như thể “nhân quyền” là “quyền tự nhiên” mà Đấng Tạo Hoá đã ban cho con người, khi họ được sinh ra làm người. Những quốc gia độc tài đã bị quốc tế lên án là “chà đạp nhân quyền” thể nào, cũng vậy, các “tổ chức thông công” ở Việt Nam, đã lạm dụng sự thông công, để chà đạp lên “thánh đồ quyền” cũng một thể ấy. “Thông công” mà phải lập nên tổ chức thì có khác chi là một “trò hề”. Các thánh đồ của Chúa ngày xưa, họ đến với nhau, thăm viếng nhau, và thông công với nhau… chứ có “tổ chức” hay “hiệp hội” nào đâu? Các ông “thánh đồ hiện đại” thời nay, lập ra “hiệp hội thông công”, rồi tự cho mình quyền “cấp giấy phép xác nhận thánh đồ” nơi người khác. (Ai không được họ nhìn nhận là “thánh đồ”, thì người đó theo họ là “không phải là thánh đồ”). Không hiểu họ lấy nền tảng thần học, giáo lý cho những việc này, ở đâu trong Kinh Thánh nhỉ?
Những người đã lập lên “hiệp hội thông công” hoặc vô tình hoặc cố ý, họ đã phá hủy sự “thông công thật” giữa những người anh chị em trong Đấng Christ, trong Hội Thánh ngày nay.
Từ khi “tổ chức thông công” ra đời, thì người ta dường như đã đánh mất sự thông công thật. Bởi vì ai muốn “thông công” thì phải vào “hội thông công” và phải được sự “cho phép” của mấy ông “chủ tịch hội”. Từ đó hình thành nên một suy nghĩ rằng, con cái Chúa gặp nhau bên ngoài “hội thông công”, mà nói chuyện hoặc thông công với nhau thì không phải là “thông công”, dù rằng họ nói với nhau về công việc Chúa. (Tất nhiên điều này chỉ xảy ra đối với những người thiếu hiểu biết, và còn non trẻ thuộc linh). Chính “hội thông công” đã làm nảy sinh thêm... những “hội thông công” khác, bởi vì nhiều anh chị em có nhu cầu “thông công”, nhưng họ “không được phép tham dự hội thông công” (lý do không đủ “tiêu chuẩn” để gia nhập hội), nên họ lại lập nên “hội thông công” tiếp. Và như thế “hội thông công” lại đẻ thêm ra “hội thông công”… Chưa hết, rồi “hội thông công” này, “pháo kích” “hội thông công” kia, và rồi thân thể của Chúa, tức là Hội Thánh bị tan nát vì những… “hội thông công”!
Nhân danh sự hiệp nhất để phá huỷ sự hiệp nhất, nhân danh sự thông công để giết chết sự thông công, rõ ràng là một tội tày đình, mà sao người ta không chịu nhìn thấy nhỉ? Hiện nay có ít nhất là hai “hiệp hội thông công” tại Việt Nam, không biết “hội ba”, “hội bốn”, “hội năm...” bao giờ xuất hiện nữa đây?
Trên lý thuyết những người lập ra “hội thông công” cho rằng “mục đích của hội là để cầu nguyện”… nhưng trên thực tế họ đã tự cho mình quyền hạn, để thừa nhận và vô thừa nhận tư cách thánh đồ - đầy tớ Chúa của nhiều người. Xin đơn cử một trường hợp: Có một người anh em hầu việc Chúa ở Ma-lai-si-a (Malaysia) về nước, anh tự giới thiệu mình là mục sư, ngay lập tức có người hỏi: “Anh đã được hiệp hội thông công … thừa nhận anh chưa?”…?.?.. Người anh em kia trả lời: “Khi tôi đi hầu việc Chúa thì chẳng được ai thừa nhận cả. Nhưng những kết quả tôi cậy ơn Chúa làm được ở nước bạn, chắc cũng không được “hiệp hội” của các anh thừa nhận chứ ?” Những thực tại của “hiệp hội thông công” là như thế đấy.
Sự “thịnh vượng, giàu có dưới đất” thì cũng chẳng phải là tội tình gì, trừ khi Chúa muốn và chúng ta thật sự trưởng thành trong thuộc linh, bằng không thì chính nó cũng là một “cái bẩy”, mà nhiều người đã phải trả giá bằng sự đánh mất cả sự nghiệp trong Chúa, mà cả đời mình đã tạo ra; đánh mất cả “gia tài thuộc linh” mà mình có được trong Chúa. Giống như trường hợp Ê-sau, chỉ vì “miếng ăn” mà đánh mất “quyền con trưởng” (Hê-bơ-rơ 12:16, 17). Nhiều người lúc còn khó khăn thì hầu việc Chúa đầy ơn, nhưng khi đã “thịnh vượng” rồi thì cũng là lúc “thân bại danh liệt”, mà nguyên nhân cũng chỉ vì có quá nhiều tiền. Theo Chúa là “con đường vác thập tự giá”, mà tinh thần “nghèo khó” cũng chính là tinh thần của  thập tự giá (Ma-thi-ơ 5:3). Trong khi chúng ta vác thập tự giá, thì Chúa cũng phán với chúng ta rằng “ân điển của ta đủ cho ngươi rồi” (II Cô-rinh-tô 12:9). Chúng ta chọn cái nào trong hai điều sau đây: Vác thập tự giá và có sự “đầy đủ của ân điển” hay là “thịnh vượng” rồi bước đi một mình, giữa bao nhiêu là cạm bẩy hiểm nguy rình rập? Không phải là Chúa bỏ “người thịnh vượng”, nhưng khi thịnh vượng, chúng ta thường có khuynh hướng nương dựa vào tiền bạc và điều đó làm cho chúng ta dễ bị sa ngã!

Lịch sử cho thấy, khi giới lãnh đạo trong Hội Thánh bắt đầu có đời sống khá giả, ổn định và “vương giả”… thì cũng là lúc Hội Thánh bắt đầu đi vào sự thỏa hiệp với thế gian. Bề ngoài vẫn “giữ điều nhơn đức, nhưng trong lòng chối bỏ quyền phép của nhơn đức đó” (II Ti-mô-thê 3:5). Đó chính là tình trạng thuộc linh giả hình. Hình ảnh thập tự giá bắt đầu được “cách điệu hoá,” được “mạ vàng” cho giống như “vương trượng” của nhà vua. “Máng cỏ” được tô vẽ thêm những đường họa tiết, chạm trổ như thể chiếc “nôi của hoàng tử,” nhà thờ được xây dựng theo kiểu “vương cung thánh đường” và những người lãnh đạo trong Hội Thánh, bắt đầu đi đứng như một “ông vua”. Hội Thánh đã từng sa lầy và biến thành một đế chế gian ác - còn hơn cả thế gian - trong lịch sử Hội Thánh thời trung cổ. Chủ nghĩa cộng sản vô thần đã ra đời từ hai nguyên nhân: Thứ nhất về mặt khách quan: Xã hội bất mãn với giới chức sắc của giáo hội. Giới chức sắc của giáo hội ở những quốc gia đã được “Cơ-đốc hóa”, sống như những ông vua, có quyền lực cả về tôn giáo lẫn trên nhà nước. Quyền lực nhà nước và giáo hội đều ở trong tay của giới chức sắc tôn giáo (giáo hội Công giáo). Họ sống “lộng hành” mà không ai làm gì được họ. (Họ là “tôi tớ của Chúa” mà... Chính quyền lẫn giáo quyền đều ở trong tay họ… sự bất công đầy dẫy). Về mặt khách quan của lịch sử, sự bất công xã hội đó đã đẻ ra “học thuyết vô thần” của Các Mác. CácMác đã dựng lên học thuyết “XHCN vô thần”, để phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, vì có như vậy họ mới “trị được” mấy ông “đầy tớ hữu thần” nhưng... gian ác, mà không phải sợ “đụng đến người được xức dầu của Chúa.” Mặt khác - về mặt chủ quan: Đức Chúa Trời đã cho phép Các Mác được dấy lên, như một “Giê-hu” để “trị nhà A-háp”, những người “vô thần” được “dấy lên” như một “cây roi” trong tay Chúa, như một “kẻ phá diệt đặng làm sự phá diệt” (Ê-sai 54:16). Một số giáo hội Cơ-đốc ở Đông Âu, dưới chế độ CS, đã được “thanh tẩy” và “xử lý” những “tiêu cực” một cách có hiệu quả.
“Giáo lý thịnh vượng”, một mặt nào đó đã mở đường cho lối sống “thoả hiệp”, của một số các lãnh đạo trong Hội Thánh ngày nay. Các lãnh đạo trong các Hội Thánh ngày nay, đua đòi lối sống xa hoa, giữa lúc con dân Chúa cũng như phần nhiều những anh chị em đang hầu việc Chúa khác, còn phải sống khó khăn trong trong điều kiện kinh tế còn eo hẹp như đất nước ta hiện nay. Đây là một tội ác, là một sự băng hoại về đạo đức và nhân cách của những người lãnh đạo trong Hội Thánh ngày nay.
“Giáo lý thịnh vượng” khiến người ta có khuynh hướng đề cao vật chất thế gian, tìm kiếm và thỏa mãn những điều “ưa muốn của xác thịt”, là những điều chống trả lại với linh hồn, là những điều đi ngược lại với những giá trị tin kính mà Kinh Thánh dạy (I Phi-e-rơ 2:11). Kinh Thánh không dạy chúng ta phải sống nghèo, nhưng Kinh Thánh dạy:
Chớ yêu thế gian cùng các vật ở thế gian nữa, nếu ai yêu thế gian thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, (ham muốn hưởng thụ vật chất) sự mê tham của mắt (ham muốn vật chất) và sự kiêu ngạo của đời (địa vị, danh vọng, quyền thế...) đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra. Vả, thế gian với sự tham dục nó sẽ qua đi, song ai làm theo ý muốn của Đức chúa Trời thì còn lại đời đời.” (I Giăng 2:15-17)
Nếu chúng ta “tôn thờ chủ nghĩa thịnh vượng, ngưỡng mộ vật chất thế gian” thì lòng kính mến Đức Chúa Trời làm sao còn có chỗ trong đời sống của chúng ta? Nếu chúng ta muốn phục vụ Đức Chúa Trời, mà lòng kính mến Ngài không còn có chỗ trong đời sống chúng ta thì chúng ta đang phục vụ ai? Lời Chúa phán rằng:
Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu.” (Hê-bơ-rơ 13: 5)
Những người “sáng chế” cũng như rêu rao “giáo lý thịnh vượng”, thật ra họ đã bị sự cám dỗ về những vinh hoa, phú quý tạm bợ trong thế gian. Những người từ lâu đã từng sống khổ, bây giờ hơi có chút địa vị, quyền lực trong giáo hội, họ đã bắt đầu nghĩ tới điều này, rồi họ cho rằng Lời Chúa đã dạy như vậy, và dẫn “bầy chiên của Chúa” đi vào đường sai lạc. Những người rao giảng thuyết thịnh vượng cần phải hiểu điều này:
Bởi đức tin, Môi-se lúc đã khôn lớn, bỏ danh hiệu mình là con trai của công chúa Pha-ra-ôn, đành cùng dân Đức Chúa Trời chịu hà hiếp hơn là tạm hưởng sự vui sướng của tội lỗi:  người coi sự sỉ nhục về Đấng Christ là quí hơn của châu báu xứ Ê-díp-tô, vì người ngửa trông sự ban thưởng.” (Hê-bơ-rơ 11: 24-26)
Thời Cựu Ước, nơi đền tạm trong sân hội mạc, có một “thùng nước”. Các thầy tế lễ trước khi bước vào nơi thánh để dâng hương, cầu nguyện cho dân sự, họ phải “rửa mình” trước khi thi hành chức vụ. Sự “rửa mình” tượng trưng cho sự ăn năn, xưng tội với Chúa mỗi ngày, dọn mình cho thánh sạch để “xứng đáng” bước vào nơi thánh, và xứng đáng làm đại diện cho dân sự của Chúa (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:17-21).
Ngày hôm nay, các mục sư không còn rửa mình bằng thùng nước, như các thầy tế lễ thời Cựu Ước nữa, nhưng phải “rửa mình” bằng sự “ăn năn, xưng tội với Chúa” mỗi ngày (I Găng 1:9).
Có một thực tế là ngày nay, những tôi tớ Chúa nào, thường rao giảng và đề cao thuyết thịnh vượng một cách quá mức, thì những tôi tớ đó, thay vì “rửa mình” bằng sự ăn năn mỗi ngày, để xứng đáng thi hành chức vụ trước mặt Chúa, thì họ bận rộn để lo ...“rửa tiền” bằng những dịnh vụ kinh doanh, những trang trại trá hình, để hợp thức hoá những khoản tiền kếch sù, nhưng không rõ ràng, mà theo họ là “đã được Chúa chúc phước” (?) Thay vì “rửa mình" họ lo “rửa tiền”! Và rồi Chúa phán:
Khốn cho các ngươi những người mua thêm nhà,
Tậu thêm ruộng (đất đai)...
Nhưng... không để ý đến việc làm của Chúa,
Cũng chẳng thấy công việc của tay Ngài.” (Ê-sai 5:8, 12)
Ngày hôm nay trong vòng những người Cơ-đốc, không ai nhiều nhà cửa, đất đai cho bằng mấy ông “tổng quản nhiệm”, mấy ngài “chủ tịch hiệp hội thông công”. Phải chăng vì Chúa quan tâm đến họ đặc biệt hơn mọi người khác ?

Chúa của sự công bình ở đâu?
Trở lại thời Ma-la-chi, trong hoàn cảnh mà “cái ác” đầy dẫy trong “nơi thánh” như vậy, thì một số những thầy tế lễ, người Lê-vi tin kính, họ đã ngồi lại với nhau để “đàm đạo về thời sự”. Sự đàm đạo của họ đầy những nỗi thất vọng. Sự đàm đạo của họ thực chất là những lời than thở, phiền trách Chúa. Chủ đề trong những buổi đàm đạo đó là: “Chúa của sự công bình ở đâu?” Những lời than phiền đó đã “thấu đến các từng trời!”
Những lời nói của các ngươi đã làm nản lòng Chúa... Vì các ngươi nói: ‘những người làm ác đều tốt lành trước mặt Đức Chúa Trời và Ngài bằng lòng họ’, hay ‘Chúa của sự công chính ở đâu?’” (Ma-la-chi 2:17)
Người đời cũng có câu:
“Trời kia sao ở không ngằn,
Kẻ ăn không hết (mà) người cằn không ra” (?)
Những lời than thở kia nôm na có nghĩa là Ông Trời sao ăn ở không công bằng (?), người thì quá giàu, tiền của không làm gì cho hết, còn người sao không có cái để mà ăn?
Tất nhiên mọi cái đều có một nguyên nhân nhất định của nó. Nhưng với Chúa, Ngài tuyệt đối công bằng. Ngài công bằng “trong mọi đường lối của Ngài”. Chỉ vì người ta chưa hiểu tới đó thôi.
Chủ đề “thời sự” của những thầy tế lễ, người Lê-vi tin kính kia, xung quanh những vấn đề như: Tại sao những tên “buôn thần bán thánh,” những tên “đầu trộm đuôi cướp trong đền thờ,” những tên “lưu manh tôn giáo, khoác áo thầy tu” (thầy tế lễ) kia, vẫn cứ được thịnh vượng, vẫn cứ được tôn kính như những “ông thánh” thật sự? Đức Chúa Trời của sự công chính đi đâu rồi? Ngài có còn quan tâm gì đến dân sự của Ngài hôm nay nữa không? Ngài có còn ngồi toà để phán xét nữa hay không? Họ than phiền với nhau rằng:
Phục vụ Đức Chúa Trời là vô ích. Chúng ta được lợi gì khi tuân giữ những lệnh truyền của Ngài (làm theo lời Chúa một cách ngay thẳng) và bước đi buồn bả trước mặt Chúa Vạn Quân. Ngày nay, chúng ta coi những kẻ kiêu căng (bọn tội phạm trong nơi thánh) là có phước; những kẻ ác (thầy tế lễ phạm pháp nhưng thế lực, phe cánh của họ mạnh) thì thịnh vượng; và ngay cả những kẻ thách thức Đức Chúa Trời cũng thoát nạn.” (Ma-la-chi 3:14, 15)
Những thầy tế lễ tin kính, đã bị đám thầy tế lễ gian ác kia, dùng thế lực, vây cánh, bè phái, thủ đoạn tinh vi... “loại khéo họ ra vòng ngoài” để có thể tự do lộng hành, tung tác. (Những vị quan thanh liêm thường không có “đất sống” giữa đám ác quan, gian thần). Họ giống như những vị quan là “trung thần” với vua, với nước, nhưng đã bị đám “ác quan, gian thần” xuyên tạc, dùng thế lực, vây cánh, dùng thủ đoạn tinh vi (có khi là bẩn thỉu), để đẩy họ ra vòng ngoài. Họ cũng là thầy tế lễ, nhưng không có thế lực trong tôn giáo (tổ chức của giáo hội). Hơn nữa, những người tin kính, thuộc linh thì không muốn xen vào chuyện “chính trị trong tôn giáo” (tranh giành, đấu đá, thủ đoạn, bè phái... để có địa vị trong tôn giáo - giáo hội), họ chỉ đơn thuần là thi hành phận sự trước mặt Chúa, hết phiên thì về nhà. Và thế là theo thời gian, những kẻ “quyền cao chức trọng” trong “nơi thánh” kia, lại là những thằng “lưu manh, mất dạy… mặc áo thánh”, mà dân sự Chúa ít người biết. Các thầy tế lễ tin kính, giống như những vị quan trung thành với vua, với nước, nhưng đã rơi vào thế bất lực. Họ buồn rầu ngồi nhìn “non sông nghiêng ngã”, vì đám “ác quan gian thần”. Đến ngôi vua mà chúng còn âm mưu chiếm đoạt, mà vua không hề biết, dân không hề hay... còn tiếng nói của người trung thực, công chính, thì bị những kẻ “có chức, có quyền kia” họ xuyên tạc, hoặc có khi phải chờ đến một thời điểm thích hợp của nó. Mà có lẽ tiên tri Ma-la-chi là người đã nói lên tiếng nói đó.
Ước ao rằng Chúa cũng sẽ dấy lên nhiều “Ma-la-chi” dám nói thẳng và nói thật, trong vòng Hội Thánh Chúa ngày hôm nay.
Hỡi anh chị em là những người đang “bước đi một cách buồn rầu trước mặt Chúa” và đang “trung tín với Ngài một cách mệt mỏi,” đang có những tâm trạng giống như những thầy tế lễ trung tín thời Ma-la-chi, anh chị em hãy vững lòng. Chúa biết những gì anh chị em đang làm, “lẽ công bình” của anh chị em đang “ở nơi Chúa”, “phần thưởng” của anh chị em cũng đang ở trong Ngài. Tôi khuyên anh chị em “hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn vì công khó anh chị em trong Ngải chẳng phải là vô ích” đâu. Chúa là Đấng Tuyệt đối công bằng. Ngài sẽ vội vàng xét đoán. Vì Ngài là Đấng Xét Đoán (Ê-sai 40:10; I Cô-rinh-tô 15:58).
Tác giả Thi-thiên đã viết:
Đấng đã gắn tai há chẳng nghe sao?
Đấng đã nắn con mắt há sẽ chẳng thấy ư?
Đấng đã sửa phạt các nước há sẽ chẳng sửa phạt sao?” (Thi thiên 94:9)
Nhưng Chúa làm việc gì cũng có kỳ của nó. Chúa nhất định sẽ phán xét. Sự yên lặng của Chúa, đôi khi là để được nhìn thấy các tôi tớ của Ngài “tình nguyện bước đi trong sự ngay thẳng” trước mặt Ngài. Chúa cũng muốn cho người ta có cơ hội để ăn năn. Con người ai cũng có những lúc yếu đuối, bị cám dỗ… Nhưng nếu họ làm ngơ, cố tình không ăn năn, coi vật chất trong thế gian hơn cả Chúa, coi những vinh hoa phú quý trong đời này hơn cả sự vinh hiển hầu đến của những tôi tớ được chọn lựa… thì họ sẽ không còn gì để nói trước mặt Chúa nữa cả. Tất nhiên, những gì họ đã chiếm đoạt, tích lũy một cách bất nghĩa trước mặt Chúa, một ngày kia nó cũng sẽ “không cánh mà bay”. Hãy nghe Chúa phán :
“Trong ngày thạnh nộ tài sản chẳng ích chi,
Duy công bình giải cứu khỏi sự chết” (Châm Ngôn 11:4)
Ngược lại:
Người công bình ăn ở cách thanh liêm;
Những con cháu người lấy làm có phước thay” (Châm Ngôn 20:7)
Nếu quý vị sống công bình, thanh liêm trước mặt Chúa mà chưa thấy phước, thì không phải vì vậy mà Chúa “quên” chúng ta đâu? Chúa có cách ban thưởng cũng như xét đoán riêng của Ngài. Nếu chúng ta không “được phước” bây giờ thì con cháu của chúng ta sẽ được phước. Đó là điều chắc chắn, tôi tin như vậy. Đừng nhìn cái đám “ác quan gian thần", bọn “lưu manh tôn giáo khoác áo mục sư” kia mà ngã lòng. Anh chị em hãy cậy ơn Chúa mà sống công bình đi. Người đời há không từng nói “của thiên rồi cũng trả địa" đó sao?

Ngày phán xét sẽ đến
Chúa phán: “Ta sẽ đến gần các ngươi để đoán xét, ta sẽ vội vàng làm chứng chống lại các tên phù thuỷ, kẻ ngoại tình, những người thề dối, kẻ bóc lột tiền công của nhân viên (nhân sự)... và những kẻ không kính sợ ta.” (Ma-la-chi 3:5)
Đây là câu trả lời của Chúa cho các những thầy tế lễ, người Lê-vi tin kính thời bấy giờ, đang khi họ buồn rầu, thắc mắc mà hỏi rằng: “Chúa của sự Công bình ở dâu?”
Trong số những người mà Chúa phán, Ngài sẽ “đoán xét và làm chứng chống lại” đó, gồm có những thành phần sau:
- Những tên phù thủy: Phù thủy, nếu xét về nghĩa đen, là những người chuyên làm nghề phù phép, tà thuật, trừ ma đuổi quỷ trong thế gian... họ có liên quan, liên hệ với quyền lực tối tăm, mê tín... Còn xét về nghĩa bóng: Phù thủy hay còn gọi là “những tay phù phép”, thường là cách nói mỉa mai, châm biếm, chỉ về những người có tài nghệ biến của công thành của tư, của chung thành của riêng. “Phù phép” đôi khi là cách nói để chỉ những thành phần tham nhũng của những người có chức, có quyền trong xã hội thế gian.
Các thầy tế lễ thời Ma-la-chi, mặc dù hư hỏng, nhưng họ không làm nghề phù phép, phù thủy theo nghĩa đen trong đền thờ. Ma-la-chi gọi họ là những tay “phù phép” theo nghĩa bóng. Họ chính là những người có tài nghệ biến tài sản công (tiền trong nơi thánh) thành tài sản riêng của họ. Họ là những tên “ăn trộm thánh”. Trước mặt dân sự thì họ tỏ ra là “tôi tớ thánh của Chúa”, còn trước mặt Chúa thì họ chính xác là những tên trộm, không hơn không kém. Bởi vì họ đã lợi dụng chức vụ và đã biến tài sản trong “nơi thánh”, đền thờ, đem về nhà là của riêng và trở nên giàu có. Chúa phán: “Các ngươi đã ăn trộm trong các phần mười và trong các của dâng.” Tiên tri Ma-la-chi gọi họ là những “tay phù thủy” theo nghĩa bóng, có tài nghệ “phù phép”, biến của cải trong nơi thánh – đền thờ - thành của riêng, họ không làm nghề “phù phép” theo nghĩa đen trong đền thờ. Đây là một cách nói mỉa mai. (Lưu ý: các tiên tri thời xưa, thường hay sử dụng lối nói mỉa mai – Xin xem I Các vua 18:27)
- Kẻ ngoại tình: Ma-la-chi 2:14-16 cho thấy Chúa quở trách một số thầy tế lễ bội ước với vợ đã cưới thời trai trẻ, mà đi ngoại tình với vợ của người này, người kia. Thầy tế lễ nhưng khi giàu có quá cỡ, và nhất là sự giàu có bất chính, họ sinh hư. Bởi vì những thành phần như vậy, Kinh Thánh gọi là “kẻ có lương tâm đã lì”. Họ dám làm giàu cho mình bằng “của thánh”, bằng những mánh mung của những kẻ “buôn thần bán thánh”, bằng những thủ đoạn thấp hèn của những đứa lưu manh ngoài xã hội… thì chuyện quan hệ với vợ của người khác, hoặc với một “chị em” nào đó trong “nơi thánh”, hoặc trong “hội mạc”, thì có gì đâu là ghê gớm. Với những kẻ có “lương tâm đã lì” thì chẳng có việc gì mà họ không làm. Vì họ cố tình phạm tội và không chịu ăn năn, nên Chúa cũng phó mặc họ cho sự buông tuồng, bậy bạ… để rồi sự bại hoại của họ có lúc sẽ được phơi bày ra. Người đời có câu:
“Đói cơm, thiếu mắm thì tèm hem,
No cơm, thừa cá lại thèm... ”nọ kia!”
Nhiều tôi tớ Chúa lúc nghèo khó thì hầu viêc Chúa tốt, có ơn nhưng khi khá giả thì rơi vào tội giống như Đa vít. Sự giàu có bất minh thì càng dễ dàng phạm tội theo kiểu này hơn. Một tôi tớ thật của Chúa, không nên tích lũy cho riêng mình tài sản quá nhiều.
Hãy răn bảo kẻ giàu ở thế gian nầy đừng kiêu ngạo và đừng để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn, nhưng hãy để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng. Hãy răn bảo họ làm điều lành, làm nhiều việc phước đức, kíp ban phát và phân chia của mình có vậy thì dồn chứa về ngày sau một cái nền tốt và bền vững cho mình, để được cầm lấy sự sống thật. (I Ti-mô-thê 6: 17-19)
- Những người thề dối: Thầy tế lễ mà nói dối như cuội, nói dối không ngượng mồm, nhân danh Chúa mà phát biểu bừa bãi, vô tội vạ, hứa rồi nuốt lời (hứa lèo), gửi đi những bản báo cáo láo, miễn là sau đó có được tiền... đó là những người mà Chúa gọi là “kẻ thề dối.”
- Những kẻ bóc lột tiền công của nhân viên (nhân sự): Những lao công, làm những công việc tạp vụ trong đền thờ: như vệ sinh, dọn dẹp, tưới cây, v.v... bị “mấy ổng” ăn chặn tiền công.
Nhiều lãnh đạo trong các Fe-lô-ship ngày nay, cũng khá lên nhờ ăn chặn tiền giúp đở các nhân sự, từ các ân nhân nước ngoài gửi về. Nhiều nhân sự biết, nhưng không nói được vì nhiều lẽ: Thứ nhất, nếu nói lên, sợ làm như vậy là không sáng danh Chúa. Kế đến, sau khi nói ra có khi chẳng được gì, mà lại còn bị “đì sát ván”. Có khi sau đó “số phận” còn kinh khủng hơn là lúc chưa nói. Lãnh đạo trong các “Fe-lô-ship” thường dùng vị thế và “uy tín” mà mình có, để bôi nhọ cấp dưới, làm cho họ không còn chỗ để hầu việc Chúa, đó là cách mà họ trừng phạt những người lên tiếng. Nhiều người rất có ơn, nhưng đôi khi “qua miệng” của các ông lãnh đạo, mà họ trở thành “người xấu”. Nhân sự cấp dưới biết mình thấp cổ bé miệng, nên thường là “ngậm sầu khen ngọt” hoặc làm thinh cho qua chuyện. Thôi thì có ít còn hơn không, có Chúa biết. Thế là kẻ “ăn nói được” thì cứ tiếp tục giàu có, còn ai “ăn tro mò trấu” thì cứ “đãi trấu tìm… tro”. Cứ đạp xe đạp đi hầu việc Chúa, mà không biết ngày mai nó ra thế nào. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho giới trẻ ngày nay không hề biết “sự tin kính thật” nó có nghĩa là gì? Sự “cam chịu” dẫn đến “tâm bất phục” hoặc chỉ là sự “vâng phục giả tạo”, rồi từ đó dẫn đến “lòng đầy mưu kế”. Chúng nó cũng bắt đầu “mánh mung” không thua gì “đàn anh, cha chú” của chúng.
Ngày nay, một số lãnh đạo trong các Hội Thánh, đặc biệt là những “ông lớn” như “tổng quản nhiệm”, “chủ tịch hội thông công” không biết họ có làm nghề “phù phép” theo nghĩa bóng hay không, nhưng sự giàu có và “thịnh vượng” bất thường của họ, đã làm cho nhiều người khó hiểu (?) Giữa lúc đại đa số con dân Chúa còn nghèo, nhiều anh chị em nhân sự Cơ-đốc, các mục sư, trưởng nhóm... còn nhiều khó khăn, thì Chúa chỉ ban phước riêng cho mấy “ông lớn” thôi (?) Hội Thánh thì dậm chân tại chỗ, không phát triển; giới trẻ thì đua nhau đi làm “tiên tri dỏm”, với hy vọng một ngày nào đó cũng được “thịnh vượng đặc biệt” như mấy “ông lớn”. Các ông “tổng quản” thì tranh nhau “cào hốt” tụi nó về “phong thánh”, “gắn lon”, “ban cho áo thánh”… tình trạng thuộc linh trong Hội Thánh thì băng hoại, suy đồi về đạo đức. Câu nói của người xưa: “Thượng chánh, hạ nghiêm; Thượng bất chánh, hạ tất loạn.” Có nghĩa rằng: Trên đường hoàng thì dưới nghiêm chỉnh; Trên chẳng ra gì thì dưới đương nhiên sẽ loạn. Tình trạng Hội Thánh Tư Gia ngày nay giống như một xã hội vô chính phủ, “loạn trào”… Nhân danh những điều gọi là “thuộc linh”, rồi đua nhau lập giáo phái. Các “lãnh đạo” thì mỗi người “cát cứ một phương”. Lịch sử Việt Nam thì có “loạn 12 sứ quân” còn Hội Thánh Tư Gia ngày nay thì ít nữa cũng là “vài chục giáo phái”. Nhóm năm hoặc bảy người cũng lập thành giáo hội, chỉ một gia đình chỉ hai vợ chồng với bốn đứa con thôi, cũng lập thành giáo hội, cũng in cạc-vi-dít là “tổng quản nhiệm”, “giáo hội trưởng”. Điều kỳ lạ nhất là một vài “hiệp hội thông công” cũng thừa nhận là “giáo hội” là “tổng quản nhiệm” đối với một “giáo hội chỉ vỏn vẹn một gia đình” như vậy?

Nhìn con cái có thể biết phần nào về cha mẹ, nhìn “đàn em” có thể biết phần nào về “đàn anh”. Nhìn cái đám “tiên tri dỏm” ngày nay, thì đủ biết đám “đàn anh” đã đào tạo và tấn phong cho chúng nó “tốt” là cở nào rồi! Hội Thánh ngày nay là những con số rổng tuếch. Hội Thánh ngày nay “giàu có” về số lượng, hình thức... nhưng nghèo về về đời sống đức tin và đời sống tâm linh. Hội Thánh ngày nay hầu như cái gì cũng có, mà rốt lại là không có cái gì cả. Bởi vì những cái có mà chẳng chất lượng gì, thì cũng cầm bằng là không có. Hội Thánh ngày nay giống như tình trạng thuộc linh dân Y-sơ-ra-ên, dưới thời tiên tri Ê-sai khi ông viết: “Mười mẫu vườn nho chỉ sinh ra một bát rượu, một ô-me hột giống chỉ sinh được một ê-pha… Ta mong nó sinh trái nho thật thì nó lại sinh ra trái nho hoang” (Ê-sai 5:4, 10).
Ngày xưa thì “vuờn nho thật” sinh “trái nho hoang”, ngày nay thì “vườn nho thật” chỉ sinh ra “trái nho giả”. Với công nghệ tinh xảo người ta đã làm ra những chùm nho giả y như thật, gắn vào cây nho thật (đương nhiên là chỉ để làm đẹp, trang trí...) Ngày nay có những ông “tổng quản nhiệm” mà tín đồ, nhân sự, chi hội trực thuộc đôi khi chỉ là những con số, những địa chỉ, những tên họ chỉ có thật... trên giấy. Nhiều ông lãnh đạo ngày nay, đi ra nước ngoài khoe khoang trong những hội nghị truyền giáo, bồi linh, rằng tôi có hàng ngàn tín đồ, hàng trăm chi hội trực thuộc... nhưng vì lý do hoàn cảnh đặc biệt nên tôi không muốn công khai! Thật là những lời nói dối “vinh hiển” và “ngọt ngào” (người trong nước thì thừa biết cái “giáo hội” của ông ta.) Vinh hiển là vì sau những lời làm chứng ấy hội nghị vổ tay, tạ ơn Chúa về một “tôi tớ đầy ơn.” Ngọt ngào là vì sau lời làm chứng ấy đương sự trở về với một khoảng tiền “ủng hộ công việc Chúa...” trĩu nặng. Và rồi con cái Chúa ở nước ngoài cũng bị lừa một cách “ngọt ngào”, mà không hay biết gì hết. Họ chỉ biết rằng đã ủng hộ cho anh em hầu việc Chúa ở Việt Nam, còn đồng tiền có đến đúng tay anh em hay không thì chỉ có Chúa và mấy ông lãnh đạo đó biết!

Mạc khải cuối cùng
Này, ta sẽ sai đấng tiên tri Ê-li đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va chưa đến. Người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, và lòng con cái trở lại cùng cha, kẻo ta đến lấy sự rủa sả mà đánh đất này.” (Ma-la-chi 4:5, 6)
Lời này đã được ứng nghiệm sau hơn 400 năm Chúa yên lặng. Nó được ứng nghiệm trong chức vụ của Giăng Báp-tít. Chúa Jêsus đã xác nhận Giăng Báp-tít chính là Ê-li mà tiên tri Ma-la-chi đã dự ngôn (Ma-thi-ơ 11:10-15). Sau hơn “400 năm yên lặng” giờ đây Chúa đã phán. Chúa đã dùng Giăng Báp-tít để phán. Đó là tiếng nói đích thực của Chúa. Giăng Báp tít đã đến và ông chính là Ê-li mà tiên tri Ma-la-chi đã dự ngôn.
Giăng Báp tít đã đến và lời nói của ông như “búa đập vỡ đá” (Giê-rê-mi 23:29). Mà “đá” ở đây chính là tấm lòng ngoan cố của những thầy tế lễ, tính tự mãn kiêu căng của những người Pha-ri-si, là bản chất “ta đây” của những “ông thánh” cho mình là “con dòng cháu giống”, tự thị, tự mãn đem Hội Thánh là thân thể của Chúa ra – làm như một “con đĩ” – mà “gả bán” chỗ này chỗ nọ!

Ê-li sẽ đến trước ngày “lớn và kinh khủng” – Giăng Báp tít đã đến trước ngày “lớn và kinh khủng.” “Ngày lớn và kinh khủng” đó chính là cuộc phục hưng vô tiền khoáng hậu đã xảy ra trong thời của Đấng Christ, ngay trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Jêsus, ngay trong biến cố ngày lễ Ngũ tuần đầu tiên, sau phục sinh của Chúa trong Công Vụ Các Sứ Đồ chương 2, ngày mà Hội Thánh của Chúa Jesus, đầu tiên được thành lập trên đất. Đó chính là những ngày “lớn và kinh khủng” trong lịch sử nhân loại.
Ngày nay người ta trông mong phục hưng, nhưng người ta lại không thích có những người như Giăng Báp tít, Ê-li, Ma-la-chi... vì những người này hay làm “mích lòng nhiều người”, làm “mất mặt giáo hội”, mất mặt “hội thánh”. Những người này thường bị cho là bất mãn, lập dị, “sống chẳng giống ai”, điên khùng, quỷ ám... (Ma-thi-ơ 11:17-19).
Muốn có phục hưng, Hội Thánh ngày nay cần phải có những con người mặc lấy tinh thần giống như Giăng Báp-tít, Ê-li, Ma-la-chi... Đừng vì “miếng ăn”, vì cái “danh hão” mà ngậm miệng cúi đầu, trước những thối nát, hư hoại ngay trong nơi thánh… rồi bao che, khoả lấp cho nhau. Bề ngoài tô son, trét phấn nhưng trong lòng thì bạo loạn, gươm đao, trộm cướp, giết người, làm hại nhau bằng những thủ đoạn đê hèn... biến Hội Thánh thành “trò hề” cho ma quỷ. Hội Thánh ngày nay giống như một “đội quân nói dóc,” một đội quân mà “sĩ quan nhiều hơn lính.” Mà “sĩ quan” thì cũng chẳng ra hồn “sĩ quan”. Sĩ quan mà những “lon uý”, “lon tá”, thậm chí là “lon tướng” (tổng quản nhiệm) cũng chỉ là “lon mua”, “lon mượn”, “lon dỏm”… gắn lên cho oai, hữu danh vô thực… làm cho đối phương là ma quỷ được “một trận cười nghiêng, ngã!”
Ai cũng một lần sống và một lần chết, hãy sống cho ra sống và chết cho ra chết. Chúng ta không mất linh hồn thì không có gì mà phải sợ. Nếu cần đổ máu thì đổ máu, nếu cần tử đạo thì tử đạo. Vì “giọt máu của những người tử đạo là hạt giống của vụ mùa Phúc Âm” kia mà. Quyền năng của Chúa sẽ tuôn đổ khi máu của những ngươi tử đạo đã tuôn đổ. Các thánh tử đạo ngày nay có thể họ không chết vì gươm đao của kẻ thù, mà họ có thể chết vì “bị bao vây cô lập” bởi những thế lực mạo xưng là “fe-lô-ship” là “hiệp hội thông công”. Những kẻ đó sẽ cố làm cho nhiều thánh đồ phải bị “chết khô”, vì đã dám đụng đến “nồi cơm” của họ.
“Ta sẽ khiến một dòng dõi ra từ Gia cốp, và một kẻ kế tự ra từ Giu-đa, những kẻ LỰA CHỌN của ta sẽ được XỨ NÀY làm kỷ vật,..” (Ê-sai 65:9)
Đây là lời hứa của Chúa! Một thế hệ thuộc linh và yêu mến Chúa hơn sẽ ra từ “Gia-cốp cứng đầu” và “Giu-đa băng hoại”, và những người được chọn sẽ đứng lên chiếm xứ cho Chúa. Chúa sẽ làm mới lại từ trong băng hoại. Chúa sẽ dấy lên một thế hệ can đảm, anh hùng trong đức tin và sống xứng đáng hơn cho Chúa. Vì vậy những anh chị em nào còn có “chút lòng công bình” hãy đứng lên, mà không sợ muộn màng. Hãy đạp đổ những gì cần đạp đổ, hãy phỉ nhổ lên những gì đáng phỉ nhổ. Thầy tế lễ phải làm cho người ta thấy và biết đâu là thánh, đâu là tục, đâu là uế, đâu là sạch. Đừng để cho thế gian nghĩ rằng: “Đạo cũng như đời, dơ cũng như sạch...” (Ê-xê-chi-ên 22:26). Hãy mạnh dạn đứng lên thì Chúa sẽ dùng anh chị em. Hãy đạp đổ những “đế chế của loài người”, những “biên giới của tổ chức”, những “tường thành của tôn giáo”… hãy đến với nhau bằng một tình yêu thánh vì chúng ta là dân thánh.
“Nhưng về phần các ngươi là kẻ KÍNH SỢ DANH TA thì MẶT TRỜI CÔNG BÌNH sẽ mọc lên cho, trong cánh nó có sự CHỮA LÀNH” (Ma-la-chi 4:2).
Mặt trời công bình sẽ mọc lên, trong tia sáng nó có sự phục hồi (chữa lành). Phục hưng sẽ đến, mặt trời của sự công bình sẽ mọc lên. Trong ánh sáng của sự phục hưng sẽ mang lại một quyền năng mới để phục hồi, để chữa lành những “bệnh hoạn” trong dân Chúa. Hỡi những “người công bình” – còn một chút lòng tin nơi Chúa – hãy tin điều đó. Chúa sẽ đến trong một ngày “lớn và kinh khủng”. Đó là một ngày phục hưng trên quê hương, xứ sở của chúng ta. Hàng triệu người sẽ tin nhận Chúa. Sự hiểu biết Đức Giê-hô-va sẽ tràn ngập trên xứ sở này, như “các dòng nước che lấp biển”. Mọi đầu gối sẽ quỳ xuống trước Danh Jêsus và mọi tấm lòng sẽ tiếp nhận Ngài là Cứu Chúa. Vinh quang Chúa sẽ tràn ngập trên xứ sở của chúng ta. Mọi sự thối tha, hư hoại trong nơi thánh sẽ bị thiêu đốt và ném xuống sông, xuống biển. Ngày đó chỉ có đắc thắng và vui mừng!
Nguyện Chúa làm nên điều đẹp ý Ngài. A-men!
Huỳnh Thúc Khải
Viết xong ngày 22/7/2010.
___________
Phụ trang
“ANH CÓ TƯ CÁCH GÌ MÀ NÓI!”
Kính thưa hết thảy quý tôi con Chúa!
Trong “sách thứ nhất” của tôi có tựa là “Lời Cảnh Báo Các Thánh Đồ Trong Thời Đại Cuối Cùng”. Sau khi đưa ra, tôi có nhận được những phản hồi từ một số “lãnh đạo.” Họ nói với tôi rằng: “Anh có tư cách gì mà nói?"
Nhân đây tôi xin được trình bày ý kiến và quan điểm của tôi để mọi người được rõ.
Tôi tin Chúa trên 30 năm (từ 1974) và đã dâng mình phục vụ Chúa, rao giảng về Tin Lành của Chúa Jêsus, về Hội Thánh, về đức tin trong Chúa Jêsus, về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ, ít nhất là 20 năm. Tôi đã chịu tù vì giảng Tin Lành, bị bắt bớ nhiều lần vì Tin Lành, tôi đã chịu nhiều tổn thương, sĩ nhục từ gia đình, dòng tộc chỉ vì tin theo Chúa Jêsus và Tin lành của Ngài. Hơn 20 năm hầu việc Chúa, tôi đã dắt đem về trong vương quốc của Đức Chúa Trời rất nhiều người. Tôi góp phần gây dựng thân thể của Chúa, là Hội Thánh tại Việt Nam từ những ngày biết bao nhiêu là gian khó bắt bớ. Trong số những người tôi dắt đem về cho nhà Chúa, và dạy cho những bài giáo lý đầu tiên của Tin Lành, hiện nay đã có người là phó tổng quản nhiệm, tổng đoàn thanh niên, là tổng thư ký thanh niên sinh viên Tin Lành… Họ làm việc trong các giáo hội Tư Gia Việt Nam. Tôi không muốn nêu tên họ ra đây. Có Chúa và những anh em đó biết. Nói như Phao lô, “tôi đã dùng Tin Lành mà đẻ họ ra trong Đấng Christ.“ Ấy vậy mà người ta cho tôi là không có tư cách gì để nói về thân thể của Chúa tôi, là Hội Thánh của Đức Chúa Trời mà tôi đã góp phần và hy sinh để xây dựng. Những người đã cho tôi không có tư cách để nói về Hội Thánh của Chúa, chắc là họ có tư cách lắm? Tư cách của họ ư? Chỉ vì việc này, cho nên xin phép quý vị cho tôi được nói về tư cách của một số “lãnh đạo” ngày nay, trong Hội Thánh của Chúa như sau: Họ mời một số anh em, tôi tớ và con cái Chúa đi dự vài chương trình, mà theo lời mời là đi dự “bồi linh”, ở Đà lạt, Vũng tàu… Họ cho người chụp ảnh, quay phim những người đi dự, rồi gửi ra nước ngoài kèm theo một bản báo cáo rằng đây chính là “giáo hội” mà họ đang lãnh đạo. Những hình ảnh tư liệu này, chính là họ đang “đại hội thường niên”. Và rồi từ đó, họ mặc nhiên trở thành “tổng quản nhiệm”. Rồi cũng với những chiêu thức “ma thuật”, “phù phép” như vậy, họ biến mình thành những ông “chủ tịch hiệp hội thông công” và nhiều “tư cách đường hoàng” khác. Với những “tư cách” như vậy, họ đã phủ nhận tư cách của những người, mà Chúa đã đem huyết báu của Ngài ra để mua chuộc. Họ phủ nhận tư cách của những người mà Đức Chúa Trời gọi là “dân thánh, dân được chọn, là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời”, là “công dân của Nước Trời.” Những “lãnh đạo” này, khi ra nước ngoài nếu có ai, hoặc tổ chức nào có chương trình giúp đở cho Hội Thánh ở Việt Nam, thì họ luôn đứng ra “xin thay mặt cho các Cơ-đốc nhân ở Việt Nam” mà nhận lãnh sự giúp đỡ này... (Giúp đỡ anh em đâu không thấy chỉ thấy họ có thêm nhà cửa, đất đai ở ngoại thành mà chính họ hoặc vợ con, anh em ruột của họ đứng tên.) Tuy nhiên, khi trong nước có một Cơ-đốc nhân nào lên tiếng, nói về thực trạng Hội Thánh của Chúa ngày hôm nay, thì họ cho rằng “Ông (hoặc bà) ấy có tư cách gì mà nói” (?) Chỉ có những người như họ, thì mới có “đủ tư cách” để nhận tiền giúp đở và “đủ tư cách” để nói về Hội Thánh mà thôi.
Tôi không hiểu các vị “lãnh đạo” Hội Thánh ngày nay đã học được cái thói ăn nói tráo trở của thế gian từ khi nào, mà họ có thể nói năng với các thánh đồ của Chúa như vậy. Tư cách của họ quá “đường hoàng”, đến độ họ có “đủ tư cách” để phủ nhận cả tư cách của một thánh đồ, mà Chúa đã đem huyết ra mua chuộc, mà Chúa đã gọi là “thầy tế lễ của Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 2:9; Khải Huyền 1:6; Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28). Họ có biết rằng làm như vậy là mình đã chà đạp lên “huyết báu của Đấng Christ” chăng?
Đôi điều tâm sự của tôi trên đây, xin được gửi đến các vị “có tư cách rất đường hoàng” kia, suy xét và “dạy bảo!”
Cũng có người nói với tôi rằng: ”Anh đừng ‘tuyên chiến’ với họ làm gì. Có Chúa biết!” Nhơn đây, tôi cũng xin được bày tỏ như sau: Tôi không ‘tuyên chiến’ với ai cả!
Tất cả mọi Cơ-đốc nhân đều phải chịu trách nhiệm về Hội Thánh, trong thế hệ của mình trước mặt Đức Chúa Trời. Nếu muốn thế hệ của chúng ta và con cháu của chúng ta được phước, thì mỗi một Cơ-đốc-nhân phải có cái nhìn đúng đắng và một tinh thần trách nhiệm về Hội Thánh trước mặt Chúa. Tất nhiên là Chúa biết hết mọi việc, nhưng trách nhiêm của chúng ta ở đâu? Nếu muốn có phục hưng trên Hội Thánh thì tất cả chúng ta là những Cơ-đốc-nhân trong thế hệ của mình, phải có tinh thần trách nhiệm trước mặt Chúa. Hãy hạ mình xuống và nói như các tiên tri của Chúa ngày xưa rằng: “Lạy Chúa! chúng tôi và tổ phụ của chúng tôi đã phạm tội cùng Chúa, còn Chúa, Ngài là công bình trong mọi đường nẻo của Ngài.” Có như vậy thì mới nói chuyện phục hưng với Chúa được.
Nguyện Chúa ban ơn và phước trên hết thảy con dân của Ngài. A-men.
“Khá nói cùng chúng nó, dầu chúng nó nghe, dầu chẳng khứng nghe, ngươi cũng nói với rằng: Chúa Giê-hô-va có phán như vậy.” (Ê-xê-chi-ên 3:11)
A-men!
Huỳnh Thúc Khải
Hiệu chỉnh lần hai 7/6/2010.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

"Sự đổ nát trong nơi thánh"

Chú Khải!
Con đọc xong tập sách "Sự đổ nát trong nơi thánh" (từ 13h - 14: 15, khoảng gần 1. 5 h trên mạng)
Lần đầu tiên con có thể nghe được giọng văn của một người Việt nam đúng nghĩa. Trên hết, sứ điệp trong đó mở mang nhiều hiểu biết trong con cả kiến thức, lẫn linh thức. Cảm ơn Chúa dức dấy chú sứ điệp trên. Con sẽ suy gẫn nó nhiều và mong mỏi những câu Kinh thánh được trích dẫn trong đó sẽ được "giấu" trong con. Xin Chúa thêm sức cho chú!

Nhân tiện cho con hỏi:
Chú Khải,
Con thấy bên Công Giáo, dù niềm tin họ có khác trong KT nhưng họ đoàn kết cất tiếng nói bảo vệ giáo dân trước áp bức, bất công; còn bên CMA con, sao không có ai đủ tâm, đủ tầm đem được tiếng nói oan khiên của đồng bào thiểu số cùng đức tin như mình để được tự do ở mức tối thiểu ? Nghĩ thấy tủi buồn cho dân tộc và anh em cùng niềm tin.


Một thiếu niên nhóm ở HT-TMG