Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

"Tiền không là tất cả, nhưng...!"

Tiền không là tất cả, nhưng tất cả là vì tiền...!?

 
("Hỡi kẻ...")

"Bấy giờ, một người giữa dân chúng thưa rằng: Thưa thầy, xin biểu anh tôi chia gia tài cho tôi. Nhưng Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hỡi người kia, ai đặt ta làm quan xử kiện hay là chia của cho các ngươi? Đoạn, Ngài phán cùng chúng rằng: Hãy giữ cẩn thận chớ hà tiện gì hết; vì sự sống của người ta không phải cốt tại của cải mình dư dật đâu. Ngài lại phán cùng chúng lời ví dụ nầy: Ruộng của một người giàu kia sinh lợi nhiều lắm, người bèn tự nghĩ rằng: Ta phải làm thể nào? Vì không có đủ chỗ chứa hết sản vật. Lại nói: Nầy, việc ta sẽ làm: Ta phá cả kho tàng và cất cái khác lớn hơn, thâu trữ sản vật và gia tài vào đó; rồi sẽ nói với linh hồn ta rằng: Linh hồn ơi, mầy đã được nhiều của để dành dùng lâu năm; thôi, hãy nghỉ, ăn uống, và vui vẻ. Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai? Hễ ai thâu trữ của cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy." (Lu-ca 12: 13-21)
 
"Tiền không là tất cả, nhưng tất cả là vì tiền...!" Câu này đúng không? 
Xét trên bình diện "triết lý trần gian" thì câu này có vẻ đúng, vì cả xã hội con người từ một trùm giang hồ "5 Cam" cho đến ý tá chiến khu "3 Dũng" đều là... "tiền". Thế nhưng nếu xét cho cùng thì đâu phải ai cũng vì tiền? Chúa Jesus đến trần gian này là vì cái gì? Bao nhiêu giáo chủ triết gia sống trên đời này họ đều vì tiền cả sao? Không hề. 
Trong câu chuyện Chúa Jesus kể trên đây, tại sao Chúa bảo người giàu này là dại? 

Thế thường ở đời, người giàu tự nghĩ mình là người khôn. Không ai giàu có mà nghĩ mình dại cả. Người làm ra nhiều của cải hơn nhiều người khác sao bảo là dại? Cái dại của người nhà giàu trên đây là "dại" chỗ nào? Tại sao Chúa bảo ông này là dại?

Một phú ông vốn đã giàu từ lâu, nay trúng mùa lại càng giàu to. Ông tính việc đập bỏ những kho lẫm cũ để xây dựng kho lẫm mới to hơn, để dự trữ sản vật mà hưởng thụ lâu dài, không còn phải lo lắng gì...! Một người biết "tính lớn lo xa", biết "phòng cơ dự trữ"... sao bảo là DẠI? Ai mà không chết, nhưng sống thì phải biết "lo xa", "phòng cơ tích cốc" đó là "khôn" chứ sao bảo là "dại"?

Cái dại của người nhà giàu này là:
- Chính đêm nay linh hồn ông bị đòi lại mà ông không biết - Vậy có ai biết ngày nào mình qua đời? Cái này cũng không thể nói ông dại, vì có ai biết ngày mình qua đời?
- Của cải ông thâu trữ sẽ thuộc về ai sau khi ông chết? Ông không biết. Cái này cũng không thể nói ông là dại, vì "vật chất không tự mất đi, nó chỉ biến từ dạng này sang dạng khác"... Và tài sản cũng vậy, nó không "tự mất đi" mà chỉ chuyển từ "người này sang người khác"...! Cái này cũng chưa khẳng định là ông dại! Vì chết đi rồi thì có làm gì được đâu mà "không dại"? 

Vậy cái DẠI của ông nằm chỗ nào?
Cái DẠI của phú ông này phải chăng đó chính là: Trong cuộc đời của ông không có khái niệm VĨNH CỬU (cho chính ông)? Nói cách khác: Ông đã lấy cái tạm bợ trong đời làm "giá trị vĩnh cửu" và coi cái "vĩnh cửu" là cái "không đáng quan tâm". (Tất cả những gì ông làm là lo xây dựng trong đời này: xây dựng kho lẫm, thâu trữ tài sản, chất chứa để dành...) Trong đầu óc của ông không có một chỗ nào suy nghĩ đến "đời sau" hay là "ngày cuối cùng của đời mình"! Với ông TẤT CẢ LÀ ĐỜI NÀY. Đó chính là cái DẠI của một con người "có tất cả", trừ "sự khôn ngoan từ trên" ban cho. 

Ông ý thức có linh hồn - ông nói "hỡi linh hồn" - Thế nhưng ông không "dự tính" gì cho linh hồn ông sau này cả, mà chỉ nghĩ và nói với linh hồn ông rằng hãy "hưỡng thụ" hiện tại. Một người ý thức có linh hồn mà không lo gì, không "dành chứa" cho linh hồn mình ở đời sau một thứ gì... mà "tất cả chỉ nghĩ cho đời này", hưởng thụ đời này... KHÔNG DẠI thì là gì? 

Có một người anh em "tín đồ" ở... So với nhiều người anh thuộc hàng "đại gia, giàu có" (anh hiện tại cũng còn giữ một số tiền cũng khá lớn của anh em CCC nhưng không giao cho ai cả). Anh hiện tại sống một cuộc đời "tín đồ cũng chẳng phải tín đồ, mục sư cũng không phải mục sư, người ngoại đạo cũng không phải người ngoại đạo..." - Chúa thì anh không dám phủ nhận nhưng với anh, dường như "anh chẳng có nhận gì từ nơi Chúa cả" (!). Tất cả là do anh làm ra... Anh đang sống cuộc đời "cho chính anh là chính". Anh đang tin vào triết lý "Tiền không là tất cả, nhưng tất cả là vì tiền...!?" Từ đó anh có một thái độ sống "đời không ra đời, đạo không ra đạo". Không biết anh có giống người giàu trong câu chuyện Chúa Jesus kể hay không?

"Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai? Hễ ai thâu trữ của cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy." (Lu-ca 12: 20-21)

Lương tối thiểu và mức sống tối thiểu: “Biết rồi, khổ lắm…”
("Tiền không là tất cả, nhưng..."
Người giàu có đời này mà "nghèo nàn nơi Đức Chúa Trời" thì đâu phải là người khôn?
Tiền của đời này chưa chắc đã mua được những giá trị của đời sau.
Gieo một tư tưởng là gặt một... SỐ PHẬN.
Nếu chúng ta tin theo một triết lý hư không của trần gian thì chúng ta trước sau gì cũng sẽ chuốc lấy một số phận "hư không theo triết lý ấy"! 
Trong nước thiên đàng sẽ có nhiều người từng "chấp nhận mình là người dại" nhưng được Đức Chúa Trời kể là người khôn, ngược lại cũng có nhiều người từng "tưởng mình khôn" nhưng hóa ra là người dại.

"Chớ ai tự dối mình: Nếu có ai trong vòng anh em tưởng mình khôn ngoan theo cách đời nầy, hãy trở nên dại dột, để được nên khôn ngoan, sự khôn ngoan đời nầy trước mặt Đức Chúa Trời là sự dại dột..." (I Cô-rinh-tô 3: 18)


Huỳnh Thúc Khải
Mv LHS 11/4/2013

0 nhận xét: