Cái Chết Của Một Kẻ “Không Biết Điều”
Kinh thánh: I Sa-mu-ên 25.
“Cách chừng mười ngày sau, Đức Giê-hô-va đánh Na-banh, và người chết. Khi Đa-vít hay Na-banh
đã chết, thì nói rằng: Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va thay, vì đã xử đoán sự sỉ
nhục mà tôi bị bởi Na-banh, và đã giữ
tôi tớ Ngài khỏi làm điều ác! Đức Giê-hô-va đã khiến sự hung ác của Na-banh đổ lại trên đầu hắn!”
(I
Sa-mu-ên 25: 38-39)
Câu nói người xưa: “Khôn cũng chết, dại cũng chết… chỉ có Biết mới
sống.”
***
Khi
đi làm việc, xin giấy tờ ở một số cơ quan nhà nước hiện nay, thỉnh thoảng người
ta nghe một nhân viên, hay cán bộ có trách nhiệm nào đó nói với người đi xin
việc, làm giấy tờ câu này: “Anh, chị (hoặc ông, bà) cái gì cũng biết, nhưng có
MỘT ĐIỀU anh chị không biết…!” Nhưng nếu có ai ngạc nhiên, hoặc ngây thơ hỏi “điều
tôi không biết là gì?” thì bất cứ ai đứng gần đó cũng có thể trả lời: Điều đó
anh, chị (hoặc ông, bà) tự hiểu…!
Ngôn
ngữ báo chí đôi khi người ta gọi hiện tượng xã hội đó là “văn hóa phong bì”. Còn
nếu “nói toẹt ra” theo kiểu bình dân cho dễ hiểu, mà cũng tránh né được việc sẽ
bị “bắt tội” thì câu nói đó là… “BIẾT NHIỀU không bằng BIẾT ĐIỀU”!
1. Đa-vít “nói gần, nói xa…” mà không chịu
“nói thiệt”:
“Đa-vít ở trong rừng hay rằng Na-banh hớt
lông chiên, bèn sai mười gã trai trẻ đi mà dặn rằng: Hãy đi lên Cạt-mên, tìm Na-banh,
nhân danh ta chào người, và nói rằng: Nguyện
ông được bình yên, nguyện nhà ông cũng được bình yên; phàm vật gì thuộc về ông
đều được bình yên! Và bây giờ, tôi có hay rằng ông có những thợ hớt lông
chiên. Trong lúc các kẻ chăn chiên ông ở
gần chúng tôi, chúng tôi chẳng hề khuấy khuất chúng nó; và trọn hồi chúng nó ở
tại Cạt-mên, chẳng có thiếu mất gì hết. Hãy hỏi tôi tớ ông về điều đó,
chúng nó sẽ nói cùng ông. Vậy, xin các gã trai trẻ được ơn trước mặt ông, vì
chúng tôi đến trong ngày tốt lành; hễ tay ông tìm thấy vật gì, hãy ban cho các
tôi tớ ông, và cho con ông là Đa-vít.” (I Sa-mu-ên 25: 4-8)
Dân
gian có câu “Nói gần nói xa không qua nói
thiệt”.
Đa-vít
“nói gần, nói xa…” mà không chịu “nói thiệt”:
Trọn
trong lúc Đa-vít và những người theo ông (nghĩa quân), chạy trốn sự bách hại
của vua Sau-lơ nơi đồng vắng, thì họ
không hề làm gì tổn hại đến tài sản của Na-banh – một chủ trang trại, chăn nuôi
giàu có lúc bấy giờ. - Trái lại, nhờ sự
hiện diện của họ mà tài sản và đàn chiên của Na-banh tránh khỏi những vụ cướp
bóc của những tay thổ phỉ, những băng cướp trong sa mạc. Mặc dù Na-banh “không
mướn” Đa-vít và những người theo ông làm việc này, nhưng có thể nói rằng: “nghĩa
quân của Đa-vít” đi đến đâu thì bình yên cho dân chúng ở đó. (Các đảng cướp
trong sa mạc không dám manh động).
Cho
đến một ngày khi nghĩa quân của Đa-vít hết lương thực, Đa-vít cử một toán lính
10 người đến gặp Na-banh, nhân danh Đa-vít mà trình bày một thông điệp, nội
dung là…
“Đa-vít ở trong rừng hay rằng Na-banh hớt
lông chiên, bèn sai mười gã trai trẻ đi mà dặn rằng: Hãy đi lên Cạt-mên, tìm Na-banh,
nhân danh ta chào người, và nói rằng: Nguyện
ông được bình yên, nguyện nhà ông cũng được bình yên; phàm vật gì thuộc về ông
đều được bình yên! Và bây giờ, tôi có hay rằng ông có những thợ hớt lông
chiên. Trong lúc các kẻ chăn chiên ông ở
gần chúng tôi, chúng tôi chẳng hề khuấy khuất chúng nó; và trọn hồi chúng nó ở
tại Cạt-mên, chẳng có thiếu mất gì hết. Hãy hỏi tôi tớ ông về điều đó,
chúng nó sẽ nói cùng ông. Vậy, xin các gã trai trẻ được ơn trước mặt ông, vì chúng tôi đến trong ngày tốt
lành (mùa thu hoạch của Na-banh - LHS); hễ tay ông tìm thấy vật gì, hãy ban cho các tôi tớ ông, và cho con
ông là Đa-vít.” (I Sa-mu-ên 25: 4-8)
Không
phải Đa-vít sai người đi “xin đểu”, mà là trình bày một nhu cầu, đồng thời cũng
cho Na-banh một cơ hội, một cơ hội góp phần giúp đỡ cho nghĩa quân của Đa-vít
đang “đánh trận cho Đức Giê-hô-va”, như lời của A-bi-ga-in là vợ của Na-banh đã
nói:.
“Đức Giê-hô-va quả hẳn sẽ lập nhà chúa được
bền lâu, vì chúa đánh giặc cho Đức
Giê-hô-va, và trọn đời chúa sẽ chẳng tìm thấy một sự ác nơi chúa.” (c.
28)
2. Na-banh, kẻ lấy oán trả ơn:
“Vả, Đa-vít có nói rằng: Vậy, thật lấy làm LUỐNG CÔNG cho ta đã gìn giữ
mọi vật của người nầy có trong đồng vắng, đến đỗi chẳng thiếu mất gì hết. Còn hắn lại lấy OÁN TRẢ ƠN. Nguyện Đức
Chúa Trời xử kẻ thù nghịch của Đa-vít thật cho nặng nề! Từ đây đến mai, phàm
vật gì thuộc về Na-banh, ta sẽ chẳng để còn lại vật nhỏ hơn hết.” (I Sa-mu-ên
25: 21-22)
Sau
khi nghe những người “nhân danh Đa-vít”, đại diện cho nghĩa quân trình bày “thông
điệp của Đa-vít” gửi cho mình xong (nôm na là xin giúp đỡ, tiếp tế lương thực),
Na-banh chẳng những không đá động đến nhu cầu của nghĩa quân, thông điệp của Đa-vít,
mà còn có thái độ khinh thường, nhạo báng qua những lời lẽ xúc phạm Đa-vít và
nghĩa quân: “Nhưng Na-banh đáp cùng các
tôi tớ Đa-vít rằng: Ai là Đa-vít? Ai là con trai của Y-sai? Những tôi tớ trốn khỏi chủ mình, ngày
nay lấy làm đông thay! Lẽ nào ta sẽ lấy bánh, nước, và thịt ta dọn sẵn cho các
thợ hớt lông chiên mà cho những kẻ chẳng biết ở đâu đến sao?” (c. 10-11)
Nếu
nói theo ngôn ngữ ngày nay: Na-banh là kẻ KHÔNG BIẾT ĐIỀU. (Đúng nghĩa, không
phải “văn hóa phong bì”)
3. Đa-vít vác gươm đi xử Na-banh:
“Những gã trai trẻ của Đa-vít thối đường trở
về. Đến nơi, chúng nó thuật lại các lời ấy cho Đa-vít nghe. Đa-vít bèn nói cùng
các người theo mình rằng: Mỗi người trong chúng ta hãy đeo gươm mình. Chúng đeo
gươm mình, và Đa-vít cũng đeo gươm của người. Ước chừng bốn trăm người đi lên
theo Đa-vít, còn hai trăm người ở lại giữ đồ vật” (I Sa-mu-ên 25: 12-13)
Na-banh,
tên của ông ta có nghĩa là “thằng điên”. - “Xin
chúa chớ kể đến người hung ác kia, là Na-banh; vì tánh hắn thật hiệp với nghĩa
tên hắn: tên hắn là Na-banh, và nơi hắn có sự ĐIÊN DẠI. Còn tôi, là con đòi
chúa, chẳng có thấy những người chúa đã sai đến.” – A-bi-ga-in, vợ của
Na-banh đã nói với Đa-vít. (c. 25)
Nghe
tin Đa-vít và nghĩa quân đang kéo quân đến để “dạy cho Na-banh một bài học” thì
vợ của Na-banh là A-bi-ga-in đã đi ra ngăn cản. Ngoài việc đem theo một số
lương thực, thực phẩm để tiếp tế… A-bi-ga-in còn nói với Đa-vít ý nôm na: “Xin
chúa đừng đụng tới THẰNG ĐIÊN đó làm gì”…
Chúa
đã dùng một người phụ nữ khôn ngoan, thông mình như A-bi-ga-in để ngăn Đa-vít
làm điều ác, một điều có thể làm “ô danh” hoặc không xứng đáng cho Đa-vít về
sau này. - Dù lành hay dữ, thiện hay ác… Chúa luôn luôn ngăn cản người đẹp lòng
Chúa khỏi những việc ác cũng như những cạm bậy… (sự nóng giận của Đa-vít) Những
việc có thể khiến cho người đó về sau sẽ hối tiếc vì đã làm một việc không xứng
đáng. Nhưng người đó phải biết vâng lời: Những người không kính sợ, không đi
trong đường lối Chúa mặc dù Ngài đã nhắc nhở, quở trách nhiều lần, Ngài sẽ buông
họ cho những việc ác, sự cám dỗ, cạm bẫy để họ phải học lấy bài học và chịu hậu
quả của việc không kính sợ và đi trong đường lối của Chúa. Chúa đã dùng A-bi-ga-in
để ngăn cản Đa-vít khỏi phải làm một việc không xứng đáng cho một vị anh hùng
như Đa-vít, mặc dù nếu Đa-vít có “xử Na-banh” theo kế hoạch của mình thì cũng
là việc bình thường, phải lẽ theo cách của con người. (Tôi bảo vệ tài sản, tính
mạng và danh dự… của anh, người nhà anh, mà anh “không BIẾT ĐIỀU” với tôi…)
A-bi-ga-in
nói với Đa-vít: “Khi Đức Giê-hô-va đã làm
cho chúa tôi mọi sự lành mà Ngài đã hứa,
và khi Ngài đã lập người làm đầu của Y-sơ-ra-ên, thì ước gì chúa tôi không phàn
nàn và không bị LÒNG CẮN RỨT vì đã vô cớ
làm đổ máu ra và báo thù cho mình! Lại khi Đức Giê-hô-va đã làm ơn cho chúa
tôi, nguyện chúa nhớ đến con đòi của chúa!” (I Sa-mu-ên 25: 30-31)
Nếu
Đa-vít “xử Na-banh” theo cách bình thường thì cũng không có gì đáng trách,
nhưng sẽ làm “ô danh, giảm giá trị của một vị anh hùng” về sau này, khi người
ta viết tiểu sử về ông.
4. Đức Chúa Trời báo ứng:
“Cách chừng mười ngày sau, Đức Giê-hô-va đánh
Na-banh, và người chết. Khi Đa-vít hay Na-banh đã chết, thì nói rằng: Đáng ngợi
khen Đức Giê-hô-va thay, vì đã xử đoán sự sỉ nhục mà tôi bị bởi Na-banh, và đã giữ
tôi tớ Ngài khỏi làm điều ác! Đức Giê-hô-va đã khiến sự hung ác của Na-banh đổ
lại trên đầu hắn!” (c. 38-39)
Đa-vít
mang gươm đi xử Na-banh không phải vì danh dự cá nhân ông thôi, mà còn vì tập
thể theo ông, là nghĩa quân của Đa-vít nữa. Nếu Đa-vít không làm vậy thì có thể
“tinh thần, nghĩa khí của nghĩa quân Đa-vít sẽ xuống cấp”. Họ sẽ không còn
nghĩa khí và ý chí để chiến đấu vì mục đích lâu dài, vì mục tiêu lý tưởng… Họ
thấy danh dự Đa-vít bị chà đạp mà Đa-vít không hành động, “Đa-vít quá hèn”, và “nhân
dân không ủng hộ Đa-vít”… vậy thì họ theo Đa-vít để làm gì…? Do đó, Đa-vít hành
động là chuyện đương nhiên trong hoàn cảnh và tình thế như vậy. Tuy nhiên, Đức
Chúa Trời đã không để cho Đa-vít phải ra tay: Ngài đã dùng A-bi-ga-in ngăn tay
ông lại. Sau đó khoảng mười ngày, Đức Chúa Trời đánh, và Na-banh đã chết.
Đức
Chúa Trời đánh Na-banh không phải vì ông không tiếp tế cho nghĩa quân Đa-vít,
mà vì ông này ngạo mạn, giàu có mà coi khinh người của Đức Chúa Trời, sống chỉ
biết có mình mà không quan tâm đến người khác, không có nghĩa vụ, không “BIẾT
ĐIỀU” với tôi tớ Đức Chúa Trời, là những người đã “chiến đấu cho chính nghĩa
của Chúa” để ông được bình yên, rảnh rỗi làm giàu... “Khi A-bi-ga-in trở về cùng Na-banh, thì Na-banh đương ăn tiệc trong nhà
mình, thật như yến tiệc của vua vậy”
(c. 36) Na-banh sống như một vị vua, một ông hoàng trong khi “nghĩa quân thiếu
lương thực” mà ông lại có thái độ coi khinh, không “rớt một miếng bánh vụn” cho
họ!! “Cách chừng mười ngày sau, Đức Giê-hô-va đánh Na-banh, và người chết.
Khi Đa-vít hay Na-banh đã chết, thì nói rằng: Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va
thay, vì đã xử đoán sự sỉ nhục mà tôi bị bởi Na-banh, và đã giữ tôi tớ Ngài khỏi làm điều ác! Đức
Giê-hô-va đã khiến sự hung ác của
Na-banh đổ lại trên đầu hắn!” (c. 38-39)
Ngày
nay cũng không thiếu những “con cái, tôi tớ Chúa” cũng giống như Na-banh: họ
sống như những ông hoàng, bà chúa… trong khi hàng bao nhiêu “nghĩa quân của
Đấng Christ” phải chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn… nhưng những “ông
hoàng, bà chúa Na-banh” này chỉ cứ lo làm giàu mà không quan tâm đến sự thiếu
thốn của “nghĩa quân”. Những “ông hoàng, bà chúa Na-banh” này hãy coi chừng…!
5. Đa-vít được “cả chì lẫn chài”:
“Đoạn, Đa-vít sai người đến hỏi A-bi-ga-in
làm vợ mình. Những tôi tớ Đa-vít đến tìm A-bi-ga-in, tại Cạt-mên, mà nói rằng:
Đa-vít sai chúng tôi đến cùng nàng, vì người toan lấy nàng làm vợ. Nàng bèn
chỗi dậy, sấp mình xuống đất, mà nói rằng: Nầy
con đòi của chúa sẽ làm tôi mọi chúa đặng rửa chân các tôi tớ của chúa tôi. Đoạn,
A-bi-ga-in vụt đứng dậy, cỡi lừa mình, có năm con đòi đồng theo, mà đi với các
sứ giả của Đa-vít, đặng làm vợ người.” (I Sa-mu-ên 25: 39-42)
Sau
khi “thằng điên Na-banh” đã bị Đức Chúa Trời đánh chết (có của, giàu có mà ngu,
không “biết điều”) Đa-vít đã hỏi cưới A-bi-ga-in làm vợ. A-bi-ga-in đã không
những nhận lời làm vợ Đa-vít, mà còn vui vẻ, vinh hạnh được làm một “nữ chiến sĩ
trong đoàn nghĩa quân của Đa-vít” khi bà nói “Nầy con đòi của chúa sẽ làm tôi mọi chúa đặng rửa chân các tôi tớ của chúa tôi”, nghĩa là bà lấy làm vinh
hạnh được “rửa chơn” (phục vụ hậu cần) cho các chiến sĩ nghĩa quân của Đa-vít. Dù
Kinh thánh không ghi rõ ràng, chi tiết… nhưng một điều chắc chắn là sau khi
thành vợ của Đa-vít và tháp tùng trong đoàn nghĩa quân rồi: toàn bộ tài sản mà
trước đây Na-banh “không rớt cho anh em một miếng bánh”, nay chắc chắn thuộc về
Đa-vít và nghĩa quân của ông (A-bi-ga-in là người có quyền trên tài sản đó). Đa-vít
không những có được một người vợ thông minh, khôn ngoan như A-bi-ga-in lại vừa có
thêm một “nữ chiến sĩ hậu cần cho nghĩa quân” là A-bi-ga-in nữa, mà không cần
phải ra tay “triệt hạ thằng điên Na-banh” để mang tiếng là “nghĩa quân Đa-vít
giết người cướp của”, Đức Chúa Trời đã làm điều “vượt quá sự cầu xin suy tưởng”!
Nói theo ngôn ngữ dân gian là Đa-vít “được cả chì lẫn chài” (được vợ, được tài
sản, cả danh tiếng về sau) mà không cần phải ra tay làm việc ác. Ngợi khen
Chúa!
Kết luận (Ước gì):
-
Ước gì trong Hội thánh Chúa này hôm nay cũng có những người nữ như A-bi-ga-in:
Không chiến đấu nơi trận tiền gian nan, nhưng sẵn sàng làm một “nữ chiến sĩ hậu
cần” lo việc “tiếp tế cho những nghĩa quân của Đấng Christ”!
-
Ước gì một số con cái, tôi tớ Chúa trong Hội thánh ngày hôm nay cũng học được
bài học từ Na-banh: Đừng nghĩ “chim trời cá nước, ai kiếm được nấy ăn” mà không
nghĩ đến sự thiếu thốn, nhu cầu của anh em, là những “nghĩa quân đang chiến đấu
trong điều kiện thiếu thốn”!
-
Ước gì các tôi tớ Chúa ngày hôm nay cũng học được bài học từ Đa-vít: Không tra
ta làm việc ác, không hành động vì cái tôi của riêng mình, làm việc gì cũng
nghĩ đến “danh dự ngày sau”, để mai sau khi người ta “viết tiểu sử” hoặc nhắc
đến tên mình thì không ai phải hổ thẹn!
-
Ước gì một số “tôi tớ Chúa giàu có” ngày hôm nay không chú trọng, đề cao sự “biết
nhiều” (bằng cấp, kiến thức cho nhiều) mà cái quan trọng là phải “biết điều”! Vì
mình “biết nhiều” mà không “biết điều” với anh em thì có nói hay người cũng
không nghe!
Cầu
Chúa ban phước cho mọi người. A-men!
Huỳnh Thúc Khải
Mv LHS 20/7/2013
1 nhận xét:
cái chết của Na Banh !
Đọc bài nầy sao tôi thấy nó giống ông Thái Phước Trường quá . Ngang tàng, ngỗ ngược, kiêu ngạo, chỉ biết hưởng thụ, không quan tâm đến người khác ! Đấy là bản chất & bản tánh của ông Thái Phước Trường ! Thôi đừng ai nghĩ cách kéo cổ ông Trường xuống ghế, hãy để vậy, Chúa xữ Na Banh chúa sẽ xữ ông Trường không lâu ! Na Banh 10 ngày, thời ân điển gia hạn cho Thái Phước Trường 10 tháng . Thành kính phân ưu trước cùng Phú Quý,Phú Lâm !
Trung Lập.
Đăng nhận xét