Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Thương Khó - Sự Ra Giá Của “Giu-đa Ích-ca-ri-ốt”!

Thương Khó - Sự Ra Giá Của “Giu-đa Ích-ca-ri-ốt”!
Kinh thánh: Ma-thi-ơ 26.
 "…Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh thánh…" (I Cô-rinh-tô 15: 3-4)
 
 cross6vjgw8_filtered
***

Trọng tâm của Cơ-đốc-giáo bao gồm ba sự kiện chính: Giáng sinh- Thương Khó và Phục sinh.
Giáng sinh là “Gieo hạt”.
Thương khó là “Chôn hạt”.
Phục sinh là “Sinh hoa kết trái”.
Trong công lệ thiên nhiên:
Nếu không có cảnh Đông tàn,
Làm sao có cảnh huy hoàng ngày Xuân?”
...
Điều gì thu hút tình yêu của chúng ta và giữ chúng ta trung tín chịu khổ với Chúa Jesus trong suốt quảng đời theo Chúa nếu đó không phải là sự “Thương khó” mà Ngài phải gánh chịu từ vườn Ghết-sê-ma-nê đến đồi Gô-gô-tha? Vì sao Ngài chịu khổ và vì sao Ngài chịu chết đau thương, ô nhục trên thập tự giá- nơi đồi Gô-gô-tha nếu đó không vì tội lỗi của mỗi chúng ta? Những ai chưa từng đối diện với những câu hỏi trên và tự trả lời nó một cách nghiêm túc… người đó chưa phải là Cơ-đốc-nhân thật. Bạn có tin rằng tất cả những  gì Chúa Jesus gánh chịu trên thập giá là vì tội lỗi của bạn và tôi không? Nếu bạn chưa tin điều đó, bạn chưa phải là Cơ-đốc-nhân thật! Nếu bạn đã tin, hãy suy nghiệm về Tình yêu của Ngài, đặc biệt là trong mùa Thương khó – Phục sinh này bạn nhé!
Thật khó để nói cho con cái biết rằng chúng ta yêu thương chúng… cho đến khi chúng trưởng thành và cũng trải qua những “khó khăn, ưu tư” của bậc làm cha mẹ! Cũng vậy, cho đến khi chúng ta nhìn vào sự đau đớn, thương khó mà Chúa chịu, kết hợp với những trải nghiệm “đớn đau” trên đường theo Chúa… chúng ta mới thấu hiểu phần nào Chúa yêu chúng ta là dường nào!

Tác giả sách Hê-bơ-rơ viết:
Chúng ta có một cái bàn thờ, phàm kẻ hầu việc trong đền tạm không có phép lấy gì tại đó mà ăn. Vả, huyết của con sinh bị thầy tế lễ thượng phẩm đem vào nơi thánh để làm lễ chuộc tội, còn thân thể nó thì đốt đi bên ngoài trại quân. Ấy vì đó mà chính mình Đức Chúa Jêsus đã chịu khổ tại ngoài cửa thành để lấy huyết mình làm cho dân nên thánh. Vậy nên chúng ta hãy ra ngoài trại quân, đặng đi tới cùng Ngài, đồng chịu điều sỉ nhục.” (Hê-bơ-rơ 13: 10-13)
Các tôi tớ Chúa ngày nay “Đi Ra” ngoài… đặng đi tới cùng Ngài, đồng chịu điều sỉ nhục” hay tìm cách “Đi Vào” trong những nơi có đầy đủ tiện nghi, thế lực để tìm kiếm “Danh- Lợi- Quyền”?

Âm mưu của thầy tế lễ và hội đồng trưởng lão:
Vả, Đức Chúa Jêsus … phán cùng môn đồ rằng: Các ngươi biết rằng còn hai ngày nữa thì đến lễ Vượt Qua, 
và Con người sẽ bị nộp để chịu đóng đinh trên cây thập tự. Bấy giờ các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân nhóm lại trong tòa thầy cả thượng phẩm tên là Cai-phe; và bàn với nhau dùng mưu chước gì đặng bắt Đức Chúa Jêsus mà giết. Song họ nói rằng: Không nên làm trong ngày lễ, e trong dân chúng sanh ra điều xào xạc chăng.” (Ma-thi-ơ 26: 1-4)
Chúa Jesus cùng các môn đồ đi lên thành Giê-ru-sa-lem. Chương trình của Đức Chúa Trời là Ngài phải lên thập tự giá, chịu chết và sống lại để hoàn thành sự cứu chuộc nhân loại. Đang khi Ngài đi lên, bước vào Giê-ru-sa-lem thì các thể lực cầm quyền, lãnh đạo tôn giáo tại đó cũng bàn mưu tính kế để giết Ngài. Đang khi những thế lực tối tăm bàn mưu tính kế để hãm hại, giết chết Con Đức Chúa Trời thì chính những âm mưu đó đã làm hoàn thành ý muốn và chương trình của Đức Chúa Trời.
Sứ đồ Phao-lô viết:
“…Vì sự khôn ngoan đời nầy trước mặt Đức Chúa Trời là sự dại dột. Như có chép rằng: Ấy là Chúa bắt những kẻ khôn ngoan trong mưu kế họ.” (I Cô-rinh-tô 3: 19)
Ngày hôm nay có bao nhiêu thế lực tôn giáo thỏa hiệp với chính trị - tà quyền tối tăm để hãm hại Hội thánh, cố tình “làm cho Đạo Chúa băng hoại”, giết chết Hội thánh- Đạo Chúa bằng những âm mưu đen tối, phá hoại từ bên trong… Nhưng, họ có đạt được mục đích của họ không? Câu trả lời là KHÔNG! Vì sao? Câu trả lời Vì Chúa Jesus đã phán “ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa Âm phủ chẳng thắng được hội đó.” (Ma-thi-ơ 16: 18)
Mọi âm mưu của những thế lực tối tăm chỉ làm cho chương trình và mục đích của Đức Chúa Trời hoàn thành mà thôi!
Con người đi, y theo lời đã chép về Ngài; song khốn nạn thay cho kẻ phản Con người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn!” (Ma-thi-ơ 26: 24)
Chương trình của Chúa sẽ hoàn thành, song khốn nạn thay cho những ai vì quyền lợi cá nhân, phe nhóm mà “cấu kết với quyền lực tối tăm, làm hại Hội thánh Chúa”!

Bình dầu quý:
“…Có một người đàn bà cầm cái chai bằng ngọc trắng đựng dầu thơm quí giá lắm, đến gần mà đổ trên đầu Ngài đương khi ngồi ăn…” (Ma-thi-ơ 26: 7)
Đang khi các thầy tế lễ- các thế lực “tôn giáo nô lệ chính trị” – Hội đồng trưởng lão họp lại với nhau bàn mưu giết Chúa… thì cũng có một người phụ nữ tầm thường đã đem bình dầu quý của bà để đập vỡ ra và “xức xác Chúa” trước khi Ngài lên thập tự giá!
Hình ảnh tương phản ở đây là các thế lực lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ “thù nghịch cùng Chúa Jesus”, trong khi đó một phụ nữ tầm thường đã dâng trọn tấm lòng của bà cho Chúa. Bình dầu có giá tiền bằng một năm lương của một người lao động… nhưng người phụ nữ này chỉ muốn làm một điều là “dành tất cả sự trân trọng, tôn quý mà lòng bà có thể… dâng cho Chúa”! Tấm lòng của bà đối với Chúa không thể diễn đạt thành lời, bà đã làm điều đó bằng hành động: Đem bình dầu quý, có thể là tất cả những gì bà có, đổ lên thân thể Chúa trước mặt mọi người. Có thể bà không hề biết còn vài giờ nữa là Chúa lên thập tự giá (chết), nhưng bà làm tất cả những gì bà có thể! Bà muốn nói rằng: Bà yêu Chúa lắm! Chỉ vậy thôi! Đó là tất cả những gì bà có thể làm được.
Ngày nay cũng có những người ngồi trên ghế quyền lực của tôn giáo, giáo hội… họ cấu kết, thỏa hiệp với tà quyền thế gian, thực hiện những âm mưu, làm những điều “hại cho Thân thể Chúa- Hội thánh” nhưng sẽ có lợi cho bản thân họ: củng cố ngai vàng tôn giáo! (địa vì trong giáo hội)… Nhưng đồng thời trong cùng một hoàn cảnh (bối cảnh chính trị, xã hội…) cũng có những người rất tầm thường, sẵn sàng dâng hiến tất cả những gì mình có thể, để nói rằng: Lạy Chúa! Con yêu Chúa! Con chỉ có thể làm được bấy nhiêu thôi!
Mọi hình ảnh tương phản xưa cũng như nay, luôn tồn tại trong Hôi thánh – dân sự của Chúa!

Trả cho tôi bao nhiêu?
“Bấy giờ có một người trong mười hai sứ đồ, tên là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, đến tìm các thầy tế lễ cả, mà nói rằng: Các thầy bằng lòng trả cho tôi bao nhiêu đặng tôi sẽ nộp người cho? Họ bèn trả cho nó ba chục bạc.” (Ma-thi-ơ 26: 14-15)
Một môn đồ phản Chúa mà ai cũng biết, đó là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Trong những ngày quan trọng khi Chúa Jesus sắp lên thập tự giá thì hắn đi tìm gặp các thầy tế lễ, hỏi họ rằng “Các thầy bằng lòng trả cho tôi bao nhiêu đặng tôi sẽ nộp người cho?” – Giu-đa bán Chúa từ đó.
Câu hỏi của Giu-đa là điều đáng cho chúng ta suy gẫm ngày hôm nay: “Các thầy bằng lòng TRẢ CHO TÔI BAO NHIÊU?”
Câu nói này nghe quen lắm trong thời buổi “tôn giáo thị trường” như ngày hôm nay.
Ngày hôm nay, hầu hết những lãnh đạo các giáo phái, khi làm việc với giáo sĩ trong những chương trình, “dự án”… Câu hỏi mà họ thường đặt ra với các giáo sĩ, người đưa ra chương trình… đó là “Các thầy bằng lòng TRẢ CHO TÔI BAO NHIÊU?” – Nghĩa là họ được BAO NHIÊU khi thực thi chương trình, dự án này! Đây là câu nói “rất thực tế, thẳng thừng” khi những người “làm ăn trong tôn giáo” ngồi lại với nhau! Người ta có hàng ngàn lý do để biện hộ, biện minh cho câu nói này.
Tất nhiên không ai “sống bằng nước bọt” để hầu việc Chúa. Nhưng câu nói “Các thầy bằng lòng TRẢ CHO TÔI BAO NHIÊU?” trong hoàn cảnh Chúa sắp lên thập tự giá nghe sao mà chua xót! Trong cùng hoàn cảnh, nhưng có người lầm lủi làm tất cả cho Chúa những gì mình có thể (như người đàn bà dâng Chúa bình dầu) nhưng cũng có những “ông môn đồ như Giu-đa Ích-ca-ri-ốt” âm thầm đi gặp những “lãnh đạo tôn giáo”, những “thế lực luôn tìm cách hại Chúa và Thân thể Ngài – Hội thánh” để đặt câu hỏi: “Các thầy bằng lòng TRẢ CHO TÔI BAO NHIÊU?” để tôi làm việc này, việc nọ…!
"…Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh thánh…" (I Cô-rinh-tô 15: 3-4)
Làm sao chúng ta có thể “ra giá” với Chúa hay ai đó rằng “Ngài trả cho tôi bao nhiêu” khi tôi làm việc nọ, việc kia cho Ngài?


Lạy Chúa! Trong mùa Thương Khó này, xin cho con suy gẫm về tình yêu của Ngài qua những gì mà Ngài đã gánh trả cho chúng con. A-men!

Huỳnh Thúc Khải
LHS- Chúa nhật 13/4/2014

0 nhận xét: