Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

Chúa Vẫn Thắng Khi Ngồi Tòa Xét Đoán… Dù Ngài “Độc Đoán”!

Chúa Vẫn Thắng Khi Ngồi Tòa Xét Đoán… Dù Ngài “Độc Đoán”!

- Nhận xét “Ý kiến nhận xét của Trần Đình Tâm về giáo lý tiền định”…

Trích ý kiến của Trần Đình Tâm (TĐT): “1. Nhận xét về luận điểm thứ nhất: Sự hư hoại hoàn toàn.
Đây chính là tiền đề cho sự lập luận của giáo lý tiền định: Vì con người bị hư hỏng hoàn toàn bởi tội lỗi, nên con người không thể tự mình tìm kiếm Đức Chúa Trời để được cứu; nếu Đức Chúa Trời không thương xót và lựa chọn từ trước một số người để dành sẵn cho sự cứu rỗi thì không một ai được cứu cả.
Đúng là sau khi A-đam và Ê-va sa ngã, con người trở thành nô lệ cho tội lỗi, bị tội lỗi làm cho băng hoại. Có nhiều câu Kinh Thánh chứng minh điều nầy: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được” (Giê-rê-mi 17:9), v.v. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là con người, khi được cơ hội đối diện với sự lựa chọngiữa điều tốt (theo ý muốn Chúa, được Chúa chỉ ra cho biết) và điều xấu (theo ý của mình, vì bản chất tội lỗi), người đó không còn khả năng để chọn điều tốt, mà chỉ chuyên chọn điều xấu.” (Trần Đình Tâm: SỰ TIỀN ĐỊNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ Ý CHÍ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI)
 Kết quả hình ảnh cho sự phán xét cuối cùng
***
Hiện nay, tác giả Trần Đình Tâm (TĐT) là một trong những người có ảnh hưởng trong vấn đề giải thích quan điểm thần học, giáo lý Kinh thánh… Xem qua bài viết của ông về giáo lý tiền định trên đây, thấy ông trình bày có phần khách quan, có trưng dẫn Kinh thánh… Tuy nhiên, phần kết luận ông thể hiện là người theo quan điểm “tự do”…
Trong bài này xin nhận xét về một ý kiến của ông trong phần ông nhận xét, hy vọng trong nhiều dịp khác sẽ bàn nhiều về các ý kiền khác của ông về giáo lý tiền định…
Tiền đề đầu tiên để xác lập giáo lý (sự mặc khải) về tiền định chính là “sự sa ngã và hư hoại hoàn toàn của con người”…
Kinh thánh đã xác định điều này từ Cựu ước đến Tân ước:
Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được” (Giê-rê-mi 17:9)
“…Vì chúng ta đã tỏ ra rằng người Giu-đa và người Gờ-réc thảy đều PHỤC DƯỚI QUYỀN TỘI LỖI, 10 như có chép rằng:
Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không.
11 Chẳng có một người nào hiểu biết,
Chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời.
12 Chúng nó đều sai lạc cả, thảy cùng nhau ra vô ích;
Chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không
”… (Rô-ma 3: 9-18)
Ông TĐT xác định điều này: “Đúng là sau khi A-đam và Ê-va sa ngã, con người trở thành nô lệ cho tội lỗi, bị tội lỗi làm cho băng hoại. Có nhiều câu Kinh Thánh chứng minh điều nầy: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được” (Giê-rê-mi 17:9), v.v. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là con người, khi được cơ hội đối diện với sự lựa chọngiữa điều tốt (theo ý muốn Chúa, được Chúa chỉ ra cho biết) và điều xấu (theo ý của mình, vì bản chất tội lỗi), người đó không còn khả năng để chọn điều tốt, mà chỉ chuyên chọn điều xấu.” (ý kiến của Trần Đình Tâm)
Xin nhận xét như sau: Con người sa ngã hoàn toàn là sự thật và không hề có chữ “tuy nhiên” như ông TĐT đã “mở ngoặc”, hoặc đã nói…
Kinh thánh cho biết:
- Con người trở nên “thù nghịch cùng Đức Chúa Trời”…
- “Xa lạ và lui đi”…
- “Cùng nhau trở nên vô ích”… v.v… (Rô-ma 3: 9-18)
Với ý chí tự do, con người có khả năng để phân biệt điều đúng, sai, tốt, xấu… Nhưng khi đối diện với Phúc âm, ơn cứu rỗi và đặc biệt là “tình yêu và sự tha thứ của Đức Chúa Trời”… thì họ tỏ rõ thái độ thù nghịch, coi khinh và cười nhạo… Nói chung, con người vẫn xem Đức Chúa Trời và những gì thuộc về Ngài (trong Đức Chúa Jesus-Christ) là THÙ NGHỊCH…! Con người có khả năng phân biệt và chọn lựa mọi thứ đúng sai, tốt xấu với những gì thuộc về “dưới gầm trời này”… còn những gì thuộc về Đức Chúa Trời (trong Đức Chúa Jesus-Christ) thì họ luôn xem là THÙ NGHỊCH… (bởi tâm linh họ bị ma quỷ cai trị) Nói cách khác là họ không có khả năng chọn “ơn cứu rỗi” từ Đức Chúa Trời ban cho, trừ khi Đức Thánh Linh “giải thoát tâm trí và hành động trong tâm linh” của họ! Kinh thánh chép rằng: “Nếu Đức Thánh Linh không hướng dẫn, thì cũng không ai xưng “Đức Chúa Giê-xu là Chúa!”…” (I Cô-rinh-tô 12: 3) – Không ai có thể đến với Chúa nếu không được Ngài “níu kéo”…! (Thiên sứ phải nắm tay “kéo” Lót ra khỏi thành Sô-đôm…)
Tại sao Chúa Thánh Linh cứu người này mà không cứu người kia…?
Trong một buổi truyền giảng Phúc âm, khi kêu gọi, có người tin mà cũng có người không tin. Những người tin (thật) đương nhiên họ được Thánh Linh cảm động trong lòng… Những người không tin (phần lớn) hoặc chưa tin thì đương nhiên Thánh Linh không hoặc chưa tới thời điểm hành động của Chúa… Với người không tin, hầu hết chúng ta đều đồng ý: ma quỷ hành động và ngăn trở họ (họ bị trói trong quyền lực của tội lỗi và ma quỷ…) và Kinh thánh cũng khẳng định “loài người sa ngã ở dưới quyền lực của tội lỗi, ma quỷ”… (Rô-ma 3: 9) Câu hỏi đặt ra là “Tại sao Chúa Thánh Linh mở lòng người này mà không mở cho người kia, hoặc không mở lòng hết thảy người đang có mặt nghe Phúc âm”? Thánh Linh của Đức Chúa Trời có quyền trên cả ma quỷ sao Ngài không làm điều ấy (giải thoát cho tất cả mọi người)? Trong các buổi truyền giảng Phúc âm, có các “đầy tớ Chúa lừng danh”, có nhiều Cơ-đốc-nhân đầy ơn, đầy quyền năng, “sự xức dầu tuôn đổ”… vậy sao ma quỷ không bị xua đuổi và Thánh Linh không thể “giải thoát cho tất cả mọi người” có mặt, vì “Ngài muốn mọi người được cứu và biết lẽ thật”…? Đức Chúa Trời thua ma quỷ sao?
Câu trả lời (theo như Kinh thánh) là “Chúa cứu người mà Ngài đã chọn từ trước buổi sáng thế”… (TIỀN ĐỊNH - Ê-phê-sô 1: 4). Ý chí tự do của con người sẽ không làm gì được trước “quyền lực của Âm phủ và Sự Chết”… - Kinh thánh cũng chép: “Chúa đóng không ai mở, mà Chúa mở không ai đóng”. Chúa có toàn quyền trên “Sự Chết và Âm Phủ”… (Khải huyền 1: 18) Tại sao Chúa mở cho vài người, mà không mở cho toàn thể đám đông? Những người theo quan điểm “tự do” sẽ cho rằng “người đó không dùng ý chí tự do của mình để hợp tác với Chúa”! Nhưng có lẽ họ (người theo quan điểm “tự do”) quên rằng: Ý chí tự do của con người đã bị ma quỷ kiểm soát và điều khiển… Phao-lô nói rằng “điều lành tôi muốn làm nhưng tôi KHÔNG CÓ QUYỀN để làm trọn”… Nếu không được Chúa (Thánh Linh) giải thoát thì không một ai có thể “chạy về phía Chúa” để được tự do cả! (Rô-ma 7: 18)
Những người theo quan điểm “tự do” (tác giả TĐT) đưa ra Kinh thánh nói rằng “Chúa đặt trước mặt dân Y-sơ-ra-ên con đường sống và con đường chết, hãy chọn đường sống để sống”… Họ đưa ra câu chuyện này để giải thích về “giá trị của ý chí tự do” mà Đức Chúa Trời đã ban cho con người… Tuy nhiên, phần sau của câu chuyện này họ bị quên hoặc cố tình che khuất, đó chính là: Dân Y-sơ-ra-ên vẫn và đã “chọn con đường chết” (mặc dù họ rất thông minh)! Bằng chứng là sau đó họ bị nô lệ và mất nước… Cũng cần nói thêm: hai con đường Chúa đặt trước mặt dân Y-sơ-ra-ên mà Kinh thánh nói không phải là “con đường cứu rỗi” hoặc “sự hư mất đời đời” (chỉ là số phận của quốc gia, dân tộc họ về mặt đời này)… Dù vậy thì dân Y-sơ-ra-ên vẫn chọn “con đường chết” bởi “ý chí tự do của họ”… Có thể nói: Dân Y-sơ-ra-ên thất bại vì “ý chí tự do” của họ… - Từ đây có thể kết luận rằng: Nếu con người hoàn toàn tự do trong ý chí của mình, họ luôn chọn CON ĐƯỜNG CHẾT! Lịch sử nhân loại và lịch sử tuyển dân Y-sơ-ra-ên chứng minh điều đó!
Những người theo quan điểm “sự cứu rỗi tùy thuộc ý chí tự do” cho rằng “sự cứu rỗi do Chúa tiền định… là Chúa độc đoán, độc tài”… Nhưng xin thưa, nếu Chúa không “độc đoán, độc tài” thì KHÔNG MỘT AI ĐƯỢC CỨU và cả thảy nhân loại đều phải “ngậm miệng” trong ngày phán xét của Chúa. Như Phao-lô có trích dẫn Cựu ước để chứng minh cho “giáo lý tiền định”, rằng:
Chẳng hề như vậy! Thà xưng Đức Chúa Trời là thật và loài người là giả dối, như có chép rằng:
Ấy vậy Chúa sẽ được xưng công bình trong lời phán của Ngài,
sẽ được thắng khi chịu xét đoán
.” (Rô-ma 3: 4)
Chúa sẽ ngồi tòa xét đoán và Ngài vẫn thắng trong mọi lý lẽ, dù Ngài có quyền “cứu người này mà không cứu người kia”!

Tt. Ms Huỳnh Thúc Khải
LHS- 22/2/2018

0 nhận xét: