Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Ai là Đầy tớ Chúa?

Ai là Đầy tớ Chúa?
Kết quả hình ảnh cho Ai là Đầy tớ Chúa?

Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó; - song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững vàng.” (Rô-ma 14: 4)
 “Hãy bằng lòng tiếp lấy kẻ kém đức tin, chớ cãi lẫy về sự nghi ngờ. Người nầy tin có thể ăn được cả mọi thứ; người kia là kẻ yếu đuối, chỉ ăn rau mà thôi. Người ăn chớ khinh dể kẻ không ăn; và người không ăn chớ xét đoán kẻ ăn, vì Đức Chúa Trời đã tiếp lấy người. Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó; - song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững vàng. - Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau; ai nấy hãy tin chắc ở trí mình. Kẻ giữ ngày là giữ vì Chúa; kẻ ăn là ăn vì Chúa, vì họ tạ ơn Đức Chúa Trời; kẻ chẳng ăn cũng chẳng ăn vì Chúa, họ cũng tạ ơn Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 14: 1-6)
***
Một trong những câu Kinh thánh bị đem ra khỏi mạch văn để phục vụ cho lợi ích của giai cấp tăng lữ, đó là Rô-ma 14: 4:
Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó; - song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững vàng.
Khi bị đem ra khỏi mạch văn thì câu Kinh thánh này trở nên một “lá chắn, thanh gươm” hữu hiệu để bảo vệ giai cấp tăng lữ… - “cấm không được ai đụng tới đầy tớ Chúa”… - Mà đầy tớ Chúa là ai? Giáo hội nào cũng xác nhận đó là “mục sư, hàng giáo phẩm” và đặc biệt là Hội trưởng…! (Công giáo thì “Đức Thánh Cha”…)
Sự thật, phân đoạn Kinh thánh này nói về điều gì? Chữ “tôi tớ” hay “đầy tớ” trong câu 14 và cả phân đoạn này chỉ về ai? Nó có đặc biệt dành cho hàng giáo phẩm hay giai cấp tăng lữ trong các giáo hội không? Câu trả lời là KHÔNG!
Trước hết, phân đoạn này Phao-lô luận về vấn đề “ăn uống, kiêng cử, ngày tháng…” giữ hay không giữ, ăn hay không ăn, ngày này quan trọng hơn ngày kia… v.v…
Hãy bằng lòng tiếp lấy kẻ kém đức tin, chớ cãi lẫy về sự nghi ngờ. Người nầy tin có thể ăn được cả mọi thứ; người kia là kẻ yếu đuối, chỉ ăn rau mà thôi. Người ăn chớ khinh dể kẻ không ăn; và người không ăn CHỚ XÉT ĐOÁN kẻ ăn, vì Đức Chúa Trời đã tiếp lấy người”… (1-3) “…Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau; …. Kẻ giữ ngày là giữ vì Chúa; kẻ ăn là ăn vì Chúa, vì họ tạ ơn Đức Chúa Trời; kẻ chẳng ăn cũng chẳng ăn vì Chúa, họ cũng tạ ơn Đức Chúa Trời.” (c. 5-6)
Trong Hội thánh tại Rô-ma lúc bấy giờ có sự tranh cãi về các vấn đề “quan điểm, thần học”… Chuyện ăn hoặc không ăn một số thức ăn (họ còn ảnh hưởng, chi phối một số luật Cựu ước)… Hay là ngày nào là quan trọng (giữ lễ, thờ phượng Chúa ngày nào…)… Và Phao-lô đã viết ra phân đoạn này để giải thích cho họ việc ăn uống hoặc ngày tháng…
Vấn đề ở đây, Phao-lô khuyên Hội thánh “hãy chấp nhận lẫn nhau” vì mức độ khác nhau về đức tin của mỗi người. Nhưng mỗi người dù ăn hay không ăn (một loại thức ăn nào đó) hoặc giữ ngày (lễ) hoặc không giữ (nhóm thờ phượng Chúa ngày nào)… đều là “vì Chúa” cả! - “…Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau; …. Kẻ giữ ngày là giữ vì Chúa; kẻ ăn là ăn vì Chúa, vì họ tạ ơn Đức Chúa Trời; kẻ chẳng ăn cũng chẳng ăn vì Chúa, họ cũng tạ ơn Đức Chúa Trời.” (c. 5-6) - Vì vậy không nên lên án hay xét đoán nhau về những chuyện này. Vấn đề là sự trưởng thành đức tin của mỗi người.
Điểm đặc biệt ở đây, Phao-lô nhấn mạnh: “Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó; - song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững vàng.” (c. 14)
Phao-lô đưa ra câu này như là lời răn đe, cảnh tỉnh: Lời răn đe này là cho cả hai bên chứ không riêng bên nào. Vì bên nào cũng “vì Chúa” cả. Mà họ “vì Chúa” thì họ là tôi tớ hoặc đầy tớ của Chúa cả! Khi anh đứng trên quan điểm của bên này hoặc bên kia để “lên án hoặc xét đoán” người không đồng quan điểm… là anh đang “xét đoán đầy tớ Chúa”! Phao-lô bảo điều đó là không nên! Bởi vì họ “không ăn” là “vì Chúa” và họ giữ ngày cũng “vì Chúa”… Do đó khi anh xét đoán họ (đối phương, khác quan điểm) là anh đang xét đoán đầy tớ Chúa!
Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó; - song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững vàng.” (c. 14)
Như vậy, câu Kinh thánh này không phải là “thanh gươm, lá chắn” hay là “cục đá” để hàng giáo phẩm hoặc giai cấp tăng lữ đem ra “phang vào đầu” hoặc bịt mồm những ai muốn nói ra cái sai trái của họ…!
Tôi đã nghe nhiều lần các mục sư đã đem câu Kinh thánh này mà “phang trước mặt tín đồ”… như thể không được đụng tới họ vì là “người thánh” hoặc “tôi tớ thánh” của Chúa! Và dĩ nhiên, với tín đồ thì họ chỉ biết rằng đây là Kinh thánh… Và đã là Kinh thánh thì họ đâu dám cãi!
Không ít giới trẻ là thành phần con cháu gia đình mục sư… họ bị nhiễm nặng câu này và bị hiểu theo cách mà “cha chú” đã truyền cho… Nên khi hể có ai nói động tới hàng giáo phẩm (trong đó có cha chú của…) thì y như rằng… chúng cứ việc đem câu này ra mà phang theo cách hiểu của chúng và phần lớn tín đồ cứ tưởng “đây là chân lý”… mà không dám hé răng, dù biết rõ mục sư hoặc Hội trưởng của họ sống thua… dân ngoại!

Một câu Kinh thánh rất “lợi hại” nếu bị đem ra khỏi mạch văn!

Tt. Ms Huỳnh Thúc Khải
LHS- 21/5/2018

0 nhận xét: