Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

"STTCTC" - MỘT QUYỂN SÁCH ĐỘC HẠI Của Tiến Sĩ Dương Văn Hữu

Thân gửi TT Huỳnh Thúc Khải cùng các quí độc giả của loihangsong!
Trong bối cảnh của Tin lành nước nhà hiện nay có rất nhiều mục sư có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Nhưng trình độ của họ có xứng đáng với tấm bằng mà họ đang sở hữu hay không lại là chuyện đáng bàn. 
Gần đây tôi được một anh em trong miền Nam tặng cho cuốn khảo luận của một ông tiến sĩ ở trong TPHCM. Nhưng sau khi đọc hết cuốn này tôi thấy có rất nhiều điều cần phải bàn. 
Dưới đây là bài viết để bày tỏ ý kiến của cá nhân tôi; tôi rất mong TT HTK đăng tải để các anh chị em trong Chúa cùng trao đổi để có điều gì tốt thì chúng ta học tập; điều gì chưa tốt hoặc sai lầm thì chúng ta biết mà sửa chữa hoặc tránh đi. Rất mong nhận được sự ủng hộ của TT và các quí anh chị em trang nhà. 
Nguyện xin Chúa luôn ở cùng TT và các anh chị em!


HN 21/08/2015
Small Paul  Le
 Kết quả hình ảnh cho Tiến sĩ dõm
_____________
“SỰ THÀNH TÍN CỦA THIÊN CHÚA” – MỘT QUYỂN SÁCH ĐỘC HẠI [1]

Hồng Bắc Cái
I – VÀI LỜI THƯA TRƯỚC
Theo một số học giả Tin Lành thì đạo Tin Lành vào Việt Nam đã được hơn một trăm năm. Nếu tính từ thời kỳ đầu tiên (khoảng thập kỷ thứ nhất của thế kỷ XX) cho đến thập kỷ thứ chín thế kỷ thứ XX thì có thể nói rằng, các vị mục sư trong các giáo phái Tin Lành tại Việt Nam có học vị tiến sĩ là rất ít, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, hay nói theo ngôn ngữ của vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi là: “Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như là mùa thu”[2]. Nhưng từ sau những năm 2000 đến nay thì tình hình đã hoàn toàn thay đổi; sự tu học của các con cái Chúa trên đất Việt phát triển nhanh chóng đến mức khó mà tưởng tượng nổi; trên thực tế, xét về tốc độ mà nói thì đã có thể sánh ngang tốc độ của công nghệ số hóa. Những ai có tiền hay có ‘người đỡ đầu’ hoặc có ‘dây mơ rễ má’ ở nước ngoài thì tu học ở ngoại quốc; những giáo phái có nhiều mục sư giỏi tiếng Anh, có quan hệ tốt với các tổ chức nước ngoài, thì mời các các giáo sư ở các đại chủng viện nước ngoài vào dạy tại Việt Nam. Phong trào học cử nhân thần học, rồi các loại cao học diễn ra rầm rộ ở tất cả các giáo phái lớn cũng như nhỏ; thậm chí nhiều nhóm độc lập chỉ vài ba chục tín đồ cũng tấp tểnh tìm mọi cách để đi học cao học; có thể nói tinh thần tu học đã tạo nên một làn sóng không khác gì “hào khí Đông A” cách đây hơn 700 năm. Hậu quả là trước năm 90 của thế kỷ XX thì học vị tiến sĩ trong giới Tin Lành Việt Nam hiếm như “sao buổi sớm”, nhưng vào thập kỷ đầu của thế kỷ XXI này thì số lượng tiến sĩ, thạc sĩ của giới Tin Lành Việt Nam (TLVN) có thể nói không ngoa rằng: đã “nhiều như lá tre ngày bão”. Tuy nhiên, những luận văn tiến sĩ hoặc những tác phẩm sau luận văn của các ông, các bà tiến sĩ thật sự xứng đáng trình độ tiến sĩ như của cố Ts. LHP đã được công bố thì quá hiếm hoi, có đếm kỹ thì cũng chưa hết mười đầu ngón tay. Nhưng tạ ơn Chúa! Vào đầu năm 2013 vừa rồi giới TLVN đã hoan hỉ chào đón một “bài khảo luận”[3] nghe đồn đại rằng ‘có tính học thuật cao’ có đầu đề là: “Sự Thành Tín Của Thiên Chúa” (STTCTC); tác giả là ông Tiến sĩ Dương Văn Hữu (Ts. DVH). Trên thực tế thì luận văn này đã được xuất bản vào năm 2013 và bày trên kệ sách của một nhà sách Cơ Đốc tại thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) để “mại”. Khi nhìn vào luận đề mà Ts. DVH nêu ra hầu hết các tín hữu TLVN đều vui mừng; bởi nghe các mục sư rao giảng về sự thành tín của Thiên Chúa thì đã nhiều; nhưng sự thành tín của Ngài được nghiên cứu một cách khoa học và mang tính học thuật cao thì không nhiều, và nếu nghiên cứu này thành công thì sẽ rất khích lệ cho không chỉ những con cái Chúa mà còn tạo một tiếng vang lớn cho cả những người chưa biết đến Phúc Âm của Thiên Chúa.
Với tinh thần như vậy, người viết bài này rất kỳ công nhờ một số anh chị em con cái Chúa có dịp vào công tác trong TP HCM mua giùm cuốn sách này. Khi nhận được cuốn STTCTC người viết đã rất háo hức với hy vọng sẽ tìm được ở đây những khám phá mới, những sự dạy dỗ sâu sắc để giúp cho không chỉ cá nhân mình mà còn là cho tất cả tín hữu Tin Lành Việt Nam (THTL VN) luôn biết phó thác đời sống mình cho Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, càng đọc người viết càng thất vọng, bởi cớ ngay đến kiến thức căn bản tối thiểu để viết một chuyên luận mà tác giả cũng không nắm được, thậm chí nhiều điểm, nhiều chỗ còn sai cả về kiến thức phổ thông.
Thực tế, người viết hoàn toàn không muốn “bới bèo ra bọ”; và lại càng không muốn “gây thù chuốc oán” với Ts. DVH làm gì; nhưng ngặt vì đây là một khảo luận của một tiến sĩ trong giới Cơ Đốc, lại được in thành sách để bày bán trên kệ của những nhà sách; nghĩa là cuốn sách này đã mang tính phổ quát. Bởi cớ đó, nếu không có ý kiến để chỉ ra những khiếm khuyết, những sai lầm của cuốn sách này sẽ đưa đến tình trạng “lợi bất cập hại”, không chỉ cho cá nhân các THTL VN nói riêng mà còn cho uy tín của giới TLVN nói chung trong con mắt các học giả ngoại đạo. Vì vậy, để rộng đường dư luận chúng tôi xin mạo muội đưa ra một số điều bất cập của cuốn STTCTC. Có điều xin thưa trước với các quí độc giả rằng: nếu phải “nhặt hết” những “hạt sạn” ở trong cuốn sách trên là bất khả thi vì e rằng quá nhiều, quá dài và mất thời gian; nên để độc giả dễ theo dõi chúng tôi tạm lược ra năm nhóm “vấn nạn” của cuốn sách này để cùng nhau xem xét, rất mong các con cái Chúa cùng đóng góp ý kiến.

II – MỘT VÀI NHẬN XÉT
1. Về mặt hình thức
    Về hình thức của cuốn STTCTC có thể thấy ngay một số khiếm khuyết như sau:
    Thứ nhất, ngay khi nhìn vào bìa ngoài cùng của cuốn sách chúng ta thấy cuốn sách là do Nhà Xuất Bản Đồng Nai (NXB ĐN) xuất bản; nhưng ngay trang sau thì lại ghi: Nhà Xuất Bản Thời Đại (NXB TĐ), và trang áp chót của cuốn STTCTC cũng ghi là NXB TĐ có kèm theo cả địa chỉ chính của NXB TĐ tại Hà Nội và địa chỉ chi nhánh của NXB này tại TP HCM hẳn hoi. Vậy, rốt cuộc thì cuốn STTCTC của Ts. DVH là do NXB nào chịu trách nhiệm xuất bản đây? Xem ra thì có vẻ NXB TĐ mới thực sự là nơi chịu trách nhiệm xuất bản, vì có ghi cả tên người chịu trách nhiệm xuất bản lẫn tên người biên tập; câu hỏi đặt ra ở đây là: nếu như vậy thì tại sao trang bìa ngoài cùng, là cái phần quan trọng nhất, đẹp đẽ nhất cần phô bày ra cho bàn dân thiên hạ thấy lại ghi là NXB ĐN? Tại sao NXB TĐ chịu trách nhiệm xuất bản cuốn sách lại không dám ghi tên NXB của mình lên trang đầu một cách đàng hoàng mà lại ‘lủi’ vào phía trong, để cho NXB ĐN ‘chường cái mặt’ ra che cho mình? Đưa ra điều này chúng ta thấy gì? Tức là ngay về mặt trình bày về bên ngoài người ta đã thấy có điều gì đó thiếu đi tính chính thống mà một khảo luận bắt buộc phải có. Ngay từ ban đầu độc giả đã được chứng kiến cảnh “treo đầu dê bán thịt chó”; cũng có nghĩa là tạo cho người đọc cảm giác luận văn này có cái gì đó không chỉ đi thiếu sự trong sáng mà còn chứa đầy sự khuất tất.
    Rõ ràng, một cuốn sách bình thường hay kể cả “báo lá cải” đi chăng nữa thì hành xử theo kiểu “hồn Trương Ba da hàng thịt” như cuốn  STTCTC là không đáng có chứ đừng nói đây lại là công trình nghiên cứu của Cơ Đốc nhân.
    Thứ hai, xét về mặt bố cục thì chỉ cần lướt qua chúng ta cũng có thể thấy ngay nhiều điều bất hợp lý. Xin đưa ra một vài điểm cụ thể:
    Đầu tiên là luận văn thiếu tính hướng đích: Nếu luận đề đưa ra là STTCTC thì chí ít trong các luận điểm, hoặc các tiểu mục thì tác giả phải làm cho người đọc hiểu các khái niệm về sự thành tín của Thiên Chúa cả về mặt tổng quát cũng như về chi tiết; sau đó tác giả phải triển khai sự thành tín này của Thiên Chúa; chẳng hạn: dành cho ai, cho dân tộc nào, có phổ quát cho cả nhân loại hay không? Sự thành tín này là mang tính hữu hạn hay vô hạn? . . .  rồi từ đó mới đưa ra những đề xuất của cá nhân và tìm ra qui luật mới trong việc thực hành đức tin cần phải có trong thời đại mới cho các THTL VN nói riêng và các Cơ Đốc nhân nói chung. Có như vậy khảo luận mới có tính hướng đích và có thể mang tính quan phương. Đặc biệt đã là luận văn của tiến sĩ thì bắt buộc phải có những phát minh mới hoặc phát hiện những qui luật mới được giới học giả chấp nhận; còn nếu không làm được điều này thì những luận văn dù là được cho là của tiến sĩ thì cũng chỉ được đánh dấu bằng (=) với bài tập làm văn của các cháu học sinh phổ thông. Đã có rất nhiều mục sư trong giới TLVN từng ‘luận’ rằng: nếu có những phát minh mới, hoặc tìm ra qui luật mới thế thì thành ra tà giáo à? Phải nói ngay rằng: phát biểu như vậy, hoặc nghĩ như vậy là hết sức thiển cận, nếu như không nói là cực kỳ ngu dốt. Vì họ quên mất rằng những sự tìm tòi mới ấy phải được giới học giả thừa nhận và phải được thực tiễn kiểm nghiệm. Cũng mong các quí con cái Chúa nhớ cho rằng không có bất kỳ học viện nào, chủng viện nào dạy học viên làm luận văn tiến sĩ; mà họ chỉ làm một việc là hướng dẫn làm luận văn tiến sĩ, hai việc này là hoàn toàn khác nhau; người ta có thể dạy cho sinh viên học cử nhân, hoặc làm luận văn thạc sĩ; nhưng đã đến bậc tiến sĩ thì chỉ có thể hướng dẫn chứ không ai đi học để thành tiến sĩ. Vì thế, một người làm luận văn tiến sĩ phải có tính nghiên cứu độc lập cao, luận văn của anh ta phải có sự phát minh mới, hoặc phát hiện ra qui luật mới, những phát minh đó hay phát hiện đó phải có giá trị thực tiễn và được cả giới học giả lẫn dư luận xã hội thừa nhận thì luận văn đó mới xứng đáng gọi là luận văn tiến sĩ. Nghĩa là luận văn đó phải đưa người ta đến một cái đích nào đó, chẳng hạn, luận văn đó hướng người ta đến việc phải làm gì, phải thay đổi lối sống, hay cách ứng xử ra sao? . . . Tuy nhiên, đọc xong cuốn STTCTC người ta hoàn toàn không tìm thấy tính hướng đích của luận văn này.
Trong xã hội hiện tại của VN đang tồn tại một sự thật đáng buồn là số lượng tiến sĩ ‘giấy’ của chúng ta thì quá nhiều mà luận văn thực sự có ích cho dân cho nước thì quá ít; một người chỉ cần bỏ một thời gian không dài cộng thêm vài chục ngàn USD là có bằng tiến sĩ; nhưng trình độ nhận thức và năng lực liệu có tương xứng với tấm bằng ấy không lại là chuyện khác. Tất nhiên, nếu trình độ không tương xứng với bằng cấp mà chủ nhân của nó lại ‘to mồm’ (ở trong Nam bà con ta gọi là ‘nổ’) thì chỉ tổ ‘mua vui’ cho thiên hạ; trong trường hợp này nếu có ai đó ‘thưa gửi’ với người sở hữu tấm bằng tiến sĩ ‘mua’ với danh xưng “thưa ông (bà) tiến sĩ” thì chưa chắc là họ đã thực sự tôn trọng người đó, mà rất có thể họ ‘thưa gửi’ bằng giọng xỏ lá, hay nói theo ngôn ngữ của bọn trẻ 9X là ‘giọng đểu’. Điều đáng buồn hơn nữa là trào lưu ‘mua sắm’ bằng tiến sĩ đã càn quét qua rất nhiều giáo hội, thậm chí qua cả các tổ chức phi giáo phái; theo nhiều thông tin mà chúng tôi được biết thì giá cả để ‘mua sắm’ bằng tiến sĩ trong giới TLVN còn rẻ hơn dân ngoại đạo rất nhiều, chỉ vào khoảng một ngàn hay năm trăm USD gì đó là đã đủ điều kiện để sở hữu một bằng tiến sĩ do các chủng viện ở nước ngoài cấp hẳn hoi.
Khi viết đến đây chúng tôi còn nhớ vào thời Pháp thuộc ở làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ, có tục lệ mua bán chức tước, ví dụ: khi ở trong một làng, một xã nào đó cần tiền để xây một đoạn đường, hay đào một cái giếng để lấy nước sạch cho dân dùng, thậm chí xây một cái nhà vệ sinh chung . . . thì bên cạnh những ông Phó lý, Lý trưởng, Trương tuần . . . thật thì các lý dịch kỳ hào ở xã, ở tổng ấy hô hào rao bán những chức tước kia cho những ai cần đến danh tiếng . . . những vị có chức tước mua này mỗi khi có việc làng đều được mời ra đình làng và được người ta trải chiếu ra mời ngồi, rồi cũng được “đánh chén” ở ngoài đình, cũng được đám dân đen gọi bằng “cụ lý”, “cụ phó” hay “cụ trương” . . . nhưng bàn luận hay phân bổ công việc của làng xã thì không được xen vào; thông thường những người mua chức này là những nhà giàu có, nhưng chức tước thì không nên họ lại cần một tí ‘danh” dù là ‘danh hão’; nhưng bỏ ra một ít tiền mà được dân đen tôn là “cụ lý”, “cụ phó” hay “cụ chánh” . . . lại chẳng sướng và vênh mặt với thiên hạ hay sao? Thế thì, ngày nay, một khi đã trở nên một tín hữu cựu trào mà lại chưa có danh phận gì trong giáo hội, nhưng về vật chất thì dư thừa; chẳng hạn: nhà thì đã có nhà mặt phố, có nhà nghỉ cho thuê, đã có người thân ‘lót ổ’ sẵn ở ngoại quốc, có của ăn của để rồi thì cũng rất cần phải dán vài thứ ‘nhãn mác’ cho nó oai; nói trót dại, kể cả đến lúc mãn phần “về với Chúa” nếu trên “bi văn” có ghi dòng chữ “đây là nơi yên nghỉ của một con cái trung tín của Chúa là: Gs. Ts . . .”  thì có phải vài ba đời con cháu sau này vẫn có cớ vênh vang với thiên hạ hay sao? Bởi tâm lý người Việt là hay hoài cổ và thích lôi quá khứ ra để ‘gặm nhấm’ chứ không như các dân khác. Như vậy, nếu có cái bằng tiến sĩ thì không chỉ ‘đánh bóng’ cho chính mình ở đời này mà còn để lại cái ‘ranh’ cho cả hậu duệ của mình nữa (mặc dù có vẻ hơi hão huyền); thế thì tội gì mà không ‘sắm’ lấy cái bằng tiến sĩ cho nó khỏi phí đi; bởi thế ngày nay trong giới TLVN mới có chuyện người sở hữu bằng tiến sĩ mà trình độ chưa vượt qua bậc phổ thông trung học.  
Điều cần lưu ý tiếp theo là, bố cục thiếu lô-gic và thiếu cân đối.
Như trên đã trình bày, vì luận văn thiếu tính hướng đích nên dẫn đến vấn đề lựa chọn các luận điểm thiếu lô-gic; các luận điểm phải làm rõ tư tưởng của luận đề và đích đến của luận đề, có như vậy thì giữa các luận điểm mới có sự gắn kết, hay nói một cách đơn giản hơn giữa các phần của luận văn (trong cuốn STTCTC thì chính là các chương) phải có sự liên kết với nhau và bổ sung cho nhau. Đằng này luận đề là Sự Thành Tín Của Thiên Chúa nhưng các chương chỉ thấy nêu những chi tiết theo ý tưởng của tác giả qua từng chương mà không đưa ra bất kỳ luận cứ nào để minh họa cho tư tưởng luận đề; đây là điều tối kỵ của những người viết luận văn. Cụ thể: chương 1 Dẫn Nhập; thì sau đó là các chương chỉ nói những chi tiết vụn vặt mà không hề thấy chương nào có tính dẫn luận hết; như chương 2 thì nói về dân Do-thái bị lưu vong; chương 3 nói về dân Do-thái lập quốc; chương 4 nói về dân Do-thái biến đồng vắng thành ruộng lúa; chương 5 nói về lời tiên tri trước khi Chúa Tái lâm; chương 6, nói về anh em cùng cha khác mẹ Palestine và Do-thái, và cuối cùng là kết luận[4]. Chính vì bố cục kiểu này nên đọc xong toàn bộ luận văn này độc giả không thể biết khái niệm về sự thành tín (nói chung) là gì? Sự thành tín của Thiên Chúa ra sao, khác sự thành tín của con người như thế nào? Sự thành tín của Ngài dành cho cá nhân hay tập thể? Dành cho dân tuyển của Ngài hay cho cả nhân loại? . . . Đúng ra, chí ít thì Ts. DVH phải chỉ ra cho độc giả thấy sự thành tín của Thiên Chúa khác hẳn sự thành tín nói chung của con người như thế nào; từ xa xưa cho đến nay thì Thiên Chúa thành tín với dân tuyển của Ngài ra sao; song song với điều đó tác giả cũng phải lập luận và chỉ ra rằng ngày nay Thiên Chúa luôn thành tín giữ lời hứa của Ngài với tất cả những kẻ tin Đấng Christ y như Ngài đã từng thành tín với dân tuyển của Ngài vậy, đồng thời phải có những luận chứng cụ thể về những dân thuộc về Đấng Christ ngày hôm nay được hưởng phúc lành và sự quan phòng của Ngài như thế nào; phần kết luận thì phải hướng cho các độc giả luôn kiên định đức tin của họ vào sự thành tín của Ngài . . . Đó là chưa nói đến những điều mới mẻ mà tác giả có nghĩa vụ phải khám phá và chỉ ra cho người đọc biết.
Xét về sự cân đối thì toàn bộ ‘bài khảo luận’ của ông Ts. DVH cho thấy có sự mất cân đối nghiêm trọng. Cụ thể luận văn chia thành 6 chương, từ chương 1 Dẫn nhập đến hết phần kết luận dài 227 trang (từ trang 7 đến trang 234); trong đó từ chương 1 đến hết chương 5 dài 106 trang (từ trang 7 đến trang 113); chương 6: Anh Em Cùng Cha Khác Mẹ Palestine và Do-thái thì dài tới 114 trang (từ trang 115 đến 229)[5]; nghĩa là chỉ riêng chương 6 dài hơn cả 5 chương kia cộng lại. Với bố cục lệch như vậy đã cho các độc giả thấy: tác giả (tức ông Ts. DVH) trước hết là không biết tí gì về phương pháp viết khảo luận, chứ đừng nói là có chút hiểu biết về phương pháp nghiên cứu, đồng thời nó cũng chứng tỏ tri thức của ông rất nông cạn, hay nói theo ngôn ngữ của các bà nhà quê ở đồng bằng Bắc bộ là “sâu sắc như cơi đựng trầu”. Lý do là, dù một người mới tập tành viết lách thì cũng không ai cả gan đến nỗi ‘mo phú’ hết cả như ông; chí ít người ta cũng cần đảm bảo sự cân đối về độ dài giữa các phần, không ai lại để một chương dài hơn cả năm chương khác cộng lại. Viết như thế vô hình trung tạo cho độc giả ngờ rằng: 5 chương đầu tác giả không nắm được gì hoặc có nắm được thì cũng rất sơ sài nên không có gì để viết, còn chương 6 vì tác giả nắm vững nên có thể tùy hứng và viết “tràng giang đại hải”.
Như vậy, chỉ xét về mặt hình thức và bố cục của cuốn STTCTC thì chúng ta đã thấy tác giả của nó không chỉ ‘phô bày’ sự thiếu trong sáng mà còn thể hiện sự nông cạn cả về phương pháp nhận thức lẫn cách viết một luận văn, nhất lại là một luận văn ở trình độ tiến sĩ.

2. Về mặt nội dung
Trước khi có một vài ý kiến sơ lược về những khiếm khuyết của cuốn STTCTC thì chúng tôi xin đưa ra một “tiên đề” là: Không xét đến những sai lầm về mặt chính tả và những lỗi ngữ pháp thông thường (mà đúng ra một luận văn ở bậc tiến sĩ không được phép mắc phải), vì nếu tính cả những loại lỗi này thì bất kỳ một trang nào của cuốn STTCTC cũng có thể tìm ra vài ba chỗ để ‘gạch đỏ’, mà chỉ xét đến những thiếu sót hay lầm lẫn về mặt học thuật hoặc những lỗi về cú pháp có thể gây đến sự hiểu lầm. Bây giờ chúng tôi xin điểm qua một vài khiếm khuyết của cuốn STTCTC mà tác giả là ông Ts. DVH ‘đáng kính’ để các độc giả cùng ‘thưởng lãm’:

a. Về thái độ viết khảo luận:
Tác giả đã thể hiện một thái độ thiếu tôn trọng độc giả, huênh hoang kiêu ngạo, trí trá và kỳ thị giới tính.
Để khỏi mang tiếng là vu cáo xin dẫn chứng như sau: Trong phần Phương pháp nghiên cứu đề tài Ts. DVH đã viết: “Sinh trưởng trong một gia đình Cơ Đốc giáo, người viết có nhiều cơ hội học hỏi Thánh Kinh Lời của Đức Chúa Trời khi còn thơ ấu, không như Ti-mô-thê học hỏi qua bà ngoại là Lô-ít hoặc nơi bà mẹ là Ơ-nít nhưng được học qua các tôi con Chúa trong nhà thờ, các khóa huấn luyện, Thánh Kinh mùa hè, hoặc trường lớp trong cũng như ngoài nước vào những khóa tu nghiệp, hội thảo ngắn ngày. Với kinh nghiệm bản thân và học biết, người viết thiết nghĩ cũng đã vận dụng giáo lý và thần học Cơ Đốc giáo để thể hiện luận dẫn có một Đức Chúa Trời thực hữu”[6]. Khi viết như trên rõ ràng Ts. DVH cho rằng ông được học Lời Chúa từ nhỏ nhưng là học với các tôi con Chúa trong nhà thờ, rồi trải qua các khóa huấn luyện ở trong nước và ngoài nước . . . nghĩa là mang tính chính thống và chính qui, điều đó cũng đồng nghĩa là trình độ học vấn của ông tất yếu là cao hơn ông Ti-mô-thê rất nhiều vì Ti-mô-thê chỉ học qua mẹ và bà ngoại; là con cái Chúa ngay đến một tín đồ bình thường cũng biết vào thời của Ti-mô-thê đang sống thì phụ nữ hầu như không được học hành gì, nhất lại là một xứ sở coi thường phụ nữ như xứ Do-thái, vì thế chắc chắn bà ngoại và mẹ của ông Ti-mô-thê không thể exegesis hay hermeneutics như các ông ‘tôi con Chúa’ trong giáo phái CMA của ông Ts. DVH được. Mặt khác, thời đó làm gì đã có các đại chủng viện ở nước ngoài để ông Ti-mô-thê có thể được đi du học như ông Ts. DVH; mà cho dù là có các chủng viện đi chăng nữa thì chắc gì ông Ti-mô-thê đã có lắm tiền nhiều của như ông DVH để mà đi tu nghiệp ở ngoại quốc. Có thể vì thế mà ông Ti-mô-thê bị Ts. DVH nhìn bằng con mắt ‘hạt đỗ’ chăng? Nhưng điều quan trọng lại nằm ở chỗ, cho dù ông Ti-mô-thê chưa tu nghiệp ở đâu, cho dù ông chỉ học truyền khẩu qua mẹ và bà ngoại của ông, cho dù ông không hề có bằng tiến sĩ, nhưng có một điều chắc chắn rằng, giới Cơ Đốc không chỉ của VN mà còn là giới Cơ Đốc trên toàn thế giới; không chỉ thời nay mà sẽ còn là ở các thời đại sau nữa họ luôn luôn nhớ tới ông là một trong những học trò nổi tiếng của Thánh Phao-lô, một Cơ Đốc nhân hết lòng trung tín với Đấng Christ, một người đã để lại tấm gương về đức tin cho Cơ Đốc nhân mọi thời đại. Còn với những vị ‘tôi con Chúa’ có bằng Ts hay Thạc sĩ ngày nay ở VN như ông Ts. DVH; Ts LMĐ; Ts PVT; bà Ts VXL; ThS. DHKh; ThS. NQA . . . thì chắc chắn ‘đời sống’ luận văn của các quí vị này sẽ ‘chết’ ngay sau tiếng vỗ tay (lúc các quí vị ấy nhận bằng) chấm dứt, và vì thế có thể chẳng ai cần biết đến các vị làm gì; mà cho dù nếu có biết đến danh tính của các quí vị thì họ chỉ biết theo hướng thay vì được hãnh diện thì họ lại phải xấu hổ vì “cái áo Cơ Đốc” đã bị chính các quí vị làm cho lem luốc.
Để thấy sự trí trá của Ts. DVH chúng tôi xin trích dẫn như sau: Ở phần “Tóm lược các chương”, ông viết: “Bài khảo luận gồm có sáu chương. Trong đó chương một giới thiệu và trình bày lý do viết chọn đề tài này, và phương pháp nghiên cứu đề tài”[7]. Tuy nhiên, đọc toàn bộ chương 1 dù có tìm mỏi mắt các độc giả cũng không tìm thấy bất cứ một lý do nào để ông Ts. DVH viết luận văn này. Chưa hết, ngay cả phần được ghi rất rõ ràng là: “Phương pháp nghiên cứu đề tài”[8]; thì Ts. DVH lại thách đố độc giả một lần nữa; bởi vì đọc toàn bộ phần này dù có “vò đầu bứt tai” thì độc giả cũng không thể biết Ts. DVH nghiên cứu đề tài này bằng phương pháp nào. Nếu nói ở mức độ tối thiểu của một người có học hành thật sự thì chí ít Ts. DVH cũng phải có vài dòng đại loại như: “. . . về thần học của luận văn này chúng tôi nghiên cứu dựa vào các tài liệu của các chủng viện A, B, C . . . về kiến thức tổng quát chúng tôi sử dụng các tài liệu của các thư viện ở ngoài Cơ Đốc giáo như thư viện X, Y, Z . . . ; đồng thời có kết hợp với nghiên cứu thực tế văn hóa vùng . . .”, thì may ra người ta mới thể tất cho; đằng này không thấy ông đưa ra bất kỳ một hướng nghiên cứu nào. Rất có thể ở đoạn đầu của tiểu mục “Phương pháp nghiên cứu đề tài” của ông, vì mải huênh hoang, khoe khoang, để chứng minh với thiên hạ rằng học vấn về Thánh Kinh của ông chính qui và ở tầm cao hơn Ti-mô-thê nhiều nên ông Ts. DVH có thể quên mất phương pháp mà mình nghiên cứu là gì chăng?
Rõ ràng, nói là lý do viết đề tài, mà rốt cuộc chẳng đưa ra được lý do nào; nói là trình bày phương pháp nghiên cứu đề tài mà rốt cuộc khiến độc giả không thể biết tác giả đã nghiên cứu bằng phương pháp gì, thế thì bảo rằng ông Ts. DVH là trí trá là còn hơi nhẹ nếu như không thể nói rằng đó là sự bịp bợm trắng trợn.
Có lẽ điều này “bắt buộc phải xảy ra” để hợp lô-gic vì ngay từ đầu thì hình thức của cuốn STTCTC đã tạo cho độc giả mường tượng thấy trong “bài khảo luận” của ông DVH ‘hàm chứa” điều gì đó có vẻ thiếu  trong sáng và khuất tất.

b) Về cách thức trích dẫn tài liệu:
Qua cách lựa chọn tài liệu để tìm chứng cứ chứng minh cho những luận cứ cho thấy Ts. DVH chưa biết cách trích dẫn, ghi chú rất lộn xộn, ‘cắt dán’ rất nhiều; đặc biệt Ts. DVH đã trích dẫn Kinh Thánh một cách hơi quá đà. Để chứng minh cho khía cạnh này xin đưa ra một số dẫn chứng:
Ngay phần “Nêu vấn đề” chỉ có khoảng 3 trang (từ trang 8 – trang 10), thì riêng phần trích dẫn nguyên văn Kinh Thánh dài tới hơn 1 trang; cụ thể là sách Ma-thi-ơ 27: 21-26 và sách Giê-rê-mi 31: 8-10[9]; điều này được lặp lại ở nhiều chỗ, có thể kể ra như ở trang 74-75 ông Ts. DVH trích nguyên văn sách Mác đoạn 13 từ câu 8 đến câu thứ 22 dài hơn 1 trang. Đặc biệt ở phần nói về quan hệ giữa Palestine và Ixraen (chương 6), ông đã trích dẫn liền tù tì ba trang liền từ trang 139 đến trang 141. Việc trưng dẫn Kinh Thánh trong một số tiểu luận có thể là bình thường, nhưng với những luận văn mang tính học thuật cao thì chỉ nên trích dẫn ý tưởng rồi có thể ghi chú hoặc mở ngoặc ghi tên sách, chương và câu là đủ, vì khi đọc luận văn thì các độc giả tìm hiểu sự khám phá, những phát hiện mới, họ để ý đến nhận thức luận và phương pháp luận là chính chứ không ai lại tìm đọc Kinh Thánh qua các luận văn; bởi nếu cần đọc Kinh Thánh thì bất kỳ Cơ Đốc nhân nào cũng đã có ít nhất là một cuốn để đáp ứng rồi. Như thế, việc liên tục trích dẫn nguyên văn một số phân đoạn Kinh Thánh đưa vào trong luận văn của ông Ts. DVH hình như chỉ để ‘đảm bảo tiêu chí’ về số trang, hoặc minh họa cho ý tưởng của ông; và nếu như vậy thì có thể nói ông Ts. DVH đã rất láu cá.
Một điều đáng nói nữa là việc ghi chú của ông Ts. DVH rất lộn xộn. Cụ thể là khi trích dẫn một phân đoạn Kinh Thánh thông thường người ta chỉ mở ngoặc đơn rồi ghi tên sách, số chương và số câu, sau đó có thể thêm tên bản dịch (viết tắt) là đủ, không cần phải footnote, nhưng đằng này ông Ts. DVH đã cẩn thận đến mức ngoài việc mở ngoặc chỉ cho độc giả thấy ông trích dẫn ở sách nào ông còn ghi chú thêm cả ở cuối trang nữa. Ví dụ: Sau khi trích dẫn nguyên văn hai câu trong sách Ma-thi-ơ đoạn 27 thì ngoài việc ông mở ngoặc “Ma-thi-ơ 27: 24-25” thì ông còn cẩn thận ghi chú ở cuối trang rằng: Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước bản truyền thống Tin Lành . . .[10]; tình trạng này còn được lặp lại rất nhiều lần như ở trang 25, 45 . . . Cũng là việc trích dẫn nguyên văn một phân đoạn Kinh Thánh, nhưng có phân đoạn thì được footnote, có phân đoạn lại không được footnote đã làm cho độc giả không chỉ khó chịu mà còn cho thấy luận văn không có tính nhất quán. Cụ thể là: cũng ở trang 15 ngoài phân đoạn Ma-thi-ơ 27: 24-25 ông còn trích dẫn Lu-ca 21: 24 nhưng lại không ghi chú là bản dịch nào; hoặc phân đoạn Mac 13: 8-22 ông Ts. DVH cũng không cho biết là dùng bản dịch nào và cũng không ghi chú ở cuối trang[11]; và điều này thì độc giả sẽ được gặp thường xuyên nếu đọc toàn bộ cuốn STTCTC.
Tuy nhiên, nếu như việc trích dẫn nguyên văn quá dài, chú thích lộn xộn . . . các độc giả có thể thông cảm được (mặc dù một luận văn ở bậc tiến sĩ thì không thể và không được phép thông cảm); thì việc trích dẫn số liệu, ý tưởng của người khác một cách bạt mạng mà không hề ghi chú thì thật khó để tha thứ vì đó đích thị là ‘cắt dán’, là ‘đạo văn’; nhưng đáng tiếc là trong luận văn STTCTC lại có quá nhiều điều này. Xin dẫn ra vài ví dụ: Khi đưa ra dân số của Do-thái trên thế giới vào năm 2007 ông Ts. DVH dẫn ra rằng: . . . Có 13, 2 triệu người Do-thái trên toàn thế giới; 5,4 triệu ở Do-thái (40,9%); 5,3 triệu ở Hoa Kỳ (40,2%), Canada: 373 000, Anh 297 000, Nga 228 000 . . . [12]; Hay ở một chỗ khác ông dẫn ra rằng: “. . . Mỹ đã dùng quyền phủ quyết 40 lần tại Đại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để bảo vệ cho Do-thái trước những nghị quyết bất lợi của hội đồng này”[13]; khi nói về số người Do-thái đoạt giải Nobel ông dẫn ra số liệu: “Hóa học: 32 người, chiếm tỷ lệ 21%; kinh tế: 28 người, chiếm tỷ lệ 42%; văn chương: 13 người, chiếm tỷ lệ 12%; vật lý: 49 người, chiếm tỷ lệ 27%; hòa bình: 9 người, chiếm tỷ lệ 8%”[14]; . . . tất cả các số liệu trên ông đều không cho độc giả biết là đã trích đẫn từ nguồn nào; thật đáng tiếc là trong toàn bộ cuốn STTCTC còn rất nhiều những số liệu như vậy, nhưng chúng tôi không thể liệt kê hết ra ở đây vì e rằng sẽ quá dài và mất thời gian.
Một điều tối thiểu khi viết tiểu luận, luận văn hay bất kỳ một bài nghiên cứu nào là khi trưng dẫn những ý tưởng, những số liệu không phải bản quyền của mình thì bắt buộc người viết phải ghi chú nguồn tài liệu và tên tác giả; nếu không đáp ứng điều này thì bị qui là ‘cắt dán’ hay ‘đạo văn’ của người khác là hoàn toàn xứng đáng, không cần phải bàn cãi. Như thế, nếu đem áp dụng tiêu chuẩn này để xem xét cuốn STTCTC của ông Ts. DVH thì có thể nói rằng đại đa số những vấn đề được trình bày trong cuốn sách này tác giả của nó đều đã ‘đạo’ ở đâu đó từ ý tưởng cho đến những số liệu cụ thể. Thậm chí có những câu, những ý tưởng còn vay mượn một cách hết sức kệch cỡm, lố bịch. Để khỏi mang tiếng vu cáo chúng tôi xin dẫn chứng: Phần kết luận của chương 3 (Người Do-thái lập quốc), với vai trò của một vị tiến sĩ ông DVH đã khen ngợi và không quên kèm theo vài lời ‘dạy dỗ’ người Do-thái như sau: “Hiện nay Do Thái có tất cả 13 đảng phái. Mỗi mùa bầu cử quốc hội các đảng phái cũng sôi nổi, cũng mánh mung như các nơi khác, nhưng sau đó, đảng nào lên nắm quyền cũng tuyệt đối thượng tôn quyền lợi quốc gia: Quyền lợi quốc gia là trước hết và sau cùng. Quốc gia là trên hết. Có thể tóm gọn thành ‘Dân vi quí, xã tắc thứ chi, đảng vi khinh’”[15]. Đọc đến đây, những ai chịu khó đọc một chút đều bật cười về sự vay mượn ý tưởng quái đản của ông Ts. DVH, nhất là phần ông ‘dạy dỗ’ các đảng phái ở Do-thái rằng: “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, đảng vi khinh”. Có lẽ khi viết ra ý tưởng này ông DVH quên mất rằng dân tộc Do-thái là một dân thông minh vào bậc nhất trên thế giới, những học giả Đông phương học, hay Trung quốc học của họ không ngô ngọng gì mà lại không biết câu nói được chép trong sách Mạnh Tử như thế nào để rồi bây giờ phải nhờ  ông ‘khai sáng’ cho. Một người chỉ cần có chút ít kiến thức thì không còn xa lạ với câu nói của Mạnh Tử rằng: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”[16]. Như vậy, trong cả câu mà Ts. DVH đã sử dụng có 9 chữ thì ông đã “vay tạm” của Mạnh Tử tới 8 chữ, chỉ thay chữ quân bằng chữ đảng, mà không hề giải thích hay ghi chú gì; điều này đã cho thấy ông Ts. DVH không chỉ  nông cạn về kiến thức mà còn cho thấy ông thiếu cả lòng tự trọng. Tuy nhiên, qua việc ‘mượn ý tưởng’ của câu nói trên trong sách Tàu, người ta thấy ông Ts. DVH cũng rất tinh ranh trong việc xỏ lá người khác. Bởi cớ, ở đất Việt ta đến đứa trẻ chưa ráo máu đầu nó cũng đoán biết thâm ý của ông khi mượn chữ “khinh” của Tàu; bởi ngoài nghĩa là nhẹ ra, trong tiếng Việt nó còn mang nghĩa là khinh dẻ, coi thường; còn chữ “đảng” ông đưa vào ở đây thì hàm ý của ông không chỉ nói đến ba cái đảng phái ở Do-thái đâu mà còn là ám chỉ đến một đảng nào đó và . . . ở một nước nào đó. Như vậy, có thể thấy kiến thức tổng quát của ông DVH có thể không cao; nhưng ‘năng khiếu’ xỏ lá người khác thì cũng ít người theo kịp.
Qua những dẫn chứng trên cho thấy, tác giả của cuốn STTCTC rất nông cạn về kiến thức, ngay đến cách thức trích dẫn, sử dụng nguồn tài liệu trích dẫn cũng chưa nắm được, đó là chưa kể đến sử dụng kiến thức của người khác một cách bừa bãi và thiếu tự trọng.

c) Về cách diễn đạt và trình bày ý tưởng.
Về phương diện này có thể nói ông Ts. DVH đã mắc nhiều thiếu sót nghiêm trọng; nhiều chỗ, nhiều đoạn thậm chí còn mất hẳn những kiến thức về căn bản. Có một số đoạn ông còn chưa biết cách diễn đạt hoặc viết rất rối rắm mà nếu đọc lại thì chính ông cũng không hiểu gì chứ đừng nói người khác. Xin đưa ra một ví dụ để chứng minh: Ở chương 3 (Dân tộc Do Thái Lập Quốc), ông có giúp độc giả ‘truy tìm’ nguồn gốc của người Do-thái bằng một đoạn ‘kinh văn’ như sau: “Nguồn gốc của người Do Thái vào khoảng năm 1800 TCN, Merneptah Stele, niên đại vào khoảng 1200 TCN, một trong những tài liệu khảo cổ xưa nhất của người Do Thái sinh sống trong vùng đất Do Thái, nơi Do Thái giáo, nơi tôn giáo độc thần đầu tiên được phát triển năm 722 TCN người xứ Assyria chinh phục vương quốc Do Thái và làm người Do Thái phải sống lưu vong, bắt đầu một cộng đồng Do Thái hải ngoại. Vào thời đại di chuyển và du Lịch khá hạn chế, người Do Thái trở thành người dân tỵ nạn đầu tiên và dễ  bị chú ý nhất. Ngày xưa cũng như bây giờ, dân di cư được đối xử với sự nghi ngờ”[17] .
Đọc đoạn ‘kinh văn’ này không ai biết nguồn gốc của người Do-thái là từ đâu; phải chăng là “khoảng năm 1800 TCN”, là  Merneptah Stele, hay “một trong những tài liệu khảo cổ xưa nhất”? Nếu kiên nhẫn đọc hết cả đoạn văn hết sức lủng củng trên thì người viết bài này dù có áp dụng đủ mọi cách ‘giải kinh’, rồi dùng đủ mọi cách suy tư theo cả  lối phân tích của phương Tây hay theo lối tổng hợp của phương Đông thì cũng không thể biết nguồn gốc của người Do-thái xuất phát từ đâu. Người viết tin rằng các độc giả khác có lẽ cũng sẽ như vậy; thế thì khi đọc đoạn ‘kinh văn’ trên nếu các độc giả muốn biết nguồn gốc của người Do-thái từ đâu thì tốt nhất các độc giả hãy gặp chính ông Ts. DVH mà hỏi thì may ra sẽ có lời giải đáp chăng?
Nhân nói đến cách diễn đạt thiết nghĩ cũng cần nhắc một chút về kiến thức tổng quát của ông Ts. DVH; nếu căn cứ vào những gì ông đã trình bày trong cuốn STTCTC thì phải nói kiến thức tổng quát của ông Ts. DVH là quá thấp, làm một phép tính cộng trừ của trẻ phổ thông tiểu học cũng sai bét; xin đưa ra một ví dụ: Ở chương 2 (Dân Tộc Do Thái Bị Lưu Vong), ông cho rằng vào năm 70 SC tướng La-mã Titus chiếm toàn bộ Giê-ru-sa-lem, phá hủy đền thờ, giết 1,1 triệu người Do-thái, bắt làm phu tù 97 000, còn lại tản lạc khắp nơi trên thế giới[18]; tuy rằng những số liệu dẫn ra này ông DVH không hề chú thích nhưng thiết nghĩ chúng ta liệu có nên thể tất cho ông ta chăng? Bởi cớ, chỉ lướt qua ‘tác phẩm kinh điển’ của ông này thì thấy hình như ông có họ hàng “dây mơ rễ má” gì đó với “Đạo Chích” ở bên Tàu thì phải; nên vấn đề “đạo tặc” thôi không bàn nữa. Ở chương 3 (Dân Tộc Do Thái Lập Quốc) ông cho biết: “. . . bàn tay của Đức Chúa Trời đã nhúng vào, ngày 14-5-1948, dân Do Thái đã tuyên bố độc lập sau 1778 năm mất nước”[19]. Như thế, theo lý sự của chính ông thì dân Do-thái bị mất nước từ năm 70 SC, đến năm 1948 thì tuyên bố phục quốc; thế thì dân Do-thái bị mất nước trong thời gian là 1878 năm chứ không phải 1778 năm thưa ông Tiến sĩ Dương Văn Hữu! Không hiểu vì làm phép tính cộng trừ chưa thạo, hay là lại do lỗi “đánh máy”; mà cũng có thể biết đâu đấy, ông đã ‘thương xót’ dân Do-thái đến mức dám cả gan thay Đức Chúa Trời rút bớt thời gian “tản lạc” của dân Do-thái đi 100 năm thì sao? Đến đây người viết lại nhớ đến một chuyện đã xảy ra vào hồi tháng 3/2010, sau khi “thợ giảng” Luis Palau đến VN tụ tập khoảng 400 mục sư ở trong Nam, 200 mục sư ở ngoài Bắc trước là để cho y ‘gõ đầu’, sau là để ‘đánh chén’ thì có một bà mục sư thạc sĩ cũng viết một bài ‘xưng tụng’ công đức của ‘thợ giảng’ Luis Palau có đầu đề “Giờ Cha Đã Điểm” trong đó bà ta đã làm một phép tính chia theo kiểu siêu nhiên là: 40 000/600 và cho kết quả là 67 000 (tức là kết quả sau khi số bị chia là 40 000 chia cho số chia là 600 còn lớn hơn cả chính số bị chia tới 27 000); ấy thế mà bài này vẫn được một trang web “lề phải” của giới TLVN hoan hỉ đăng tải, đó là trang hoithanh.com (đăng vào thứ Bảy, ngày 20/03/2010); có lẽ những phép tính ‘siêu nhiên và mầu nhiệm’ kiểu này chỉ có các tiến sĩ, thạc sĩ trong giới TLVN mới làm nổi; còn với bọn dân ngoại đạo thì đừng nói gì đến trẻ phổ thông tiểu học mà đến ngay cụ tổ của các loại tiến sĩ cũng chỉ biết “bó tay chấm com”.
Ở một chỗ khác ông lại ‘diễn đạt’ hơi quá đà thành ra ngoa ngôn đến mức bạt mạng không cần biết “trời cao đất dày” ra sao. Xin dẫn một ví dụ: Ở chương 6 (Anh Em Cùng Cha Khác Mẹ Pa-les-tine và Do Thái) phần nói về dân tộc Do-thái ông ca ngợi dân Do-thái sau khi lập quốc như sau: “Từ năm 1940 đến năm 1970 , sản lượng hàng hóa và dịch vụ tăng thêm 10% mỗi năm, thời kỳ này không một quốc gia nào trên thế giới đạt được mức tăng trưởng như thế”[20]. Đọc đoạn ‘kinh văn’ này chúng ta thấy gì? Rõ ràng ông Ts. DVH đã tự mâu thuẫn với chính ông; vì rành rành chính ông khẳng định rằng, Do-thái lập quốc là vào ngày 14/05/1948, và thực tế đúng là như vậy; ấy thế mà giờ đây ông lại cho rằng tốc phát triển hàng hóa và dịch vụ của quốc gia này tăng trưởng 10% một năm tính từ năm 1940, tức là từ trước khi người Do-thái phục quốc tới 8 năm. Điều ‘kỳ diệu’ này chắc chỉ có thể các tiến sĩ trong giới TLVN mới có thể tạo ra được, chứ còn những kẻ chưa được cứu làm sao dám đưa ra những số liệu ‘thần kỳ’ và ‘mầu nhiệm’ đến như vậy. Có lẽ đến đây các THTL VN cần phải tung hô và cảm ơn các ông, bà tiến sĩ trong giới Tin Lành của nước nhà vì đã tạo ra những sản phẩm hết sức ‘độc đáo’ và ‘kỳ diệu’ đến như thế để chúng ta có thể “thưởng lãm” và mở mắt cho những kẻ vô đạo.
Cũng trong phần này còn phải kể đến có rất nhiều chi tiết ông Ts. DVH đưa vào luận văn nhưng hoàn toàn chẳng để làm gì, vì những chi tiết đó không ăn nhập gì với chủ đề của luận văn; có thể kể vài ví dụ như: câu chuyện: “Giá trị một tù nhân Do Thái đổi lấy 1.027 người Pa-les-tine” [21]; chuyện: “Thái độ của Mỹ trong việc trao trả tù binh”[22]; chuyện: “Bí ẩn quanh vụ bắt cóc một kỹ sư người Pa-les-tine”[23]; hoặc câu chuyện: “cuộc săn lùng tên đao phủ Đức Quốc xã . . .[24]; thậm chí hứng lên ông còn làm thay cả nhiệm vụ người phát ngôn của bộ ngoại giao VN để nói về “Bang giao giữa Việt Nam với Pa-les-tine”[25]. . . đó là chưa nói đến chuyện một luận văn về dân tuyển của Đức Chúa Trời nhưng ông còn dành thời gian và giấy vở để kể lể về dịch tai xanh của lợn, cúm gà ở Việt Nam hay một số nơi khác trên thế  giới[26]; nghĩa là có rất nhiều chi tiết không có ý nghĩa gì, hay nói khác đi nó chỉ có tác dụng “câu chuyện làm quà” mà chẳng có gì có thể minh họa hay làm rõ cho chủ đề của luận văn hết.
Nói tóm lại, về cách diễn đạt và trình bày ý tưởng của chủ đề cho thấy ông Ts. DVH không chỉ rất yếu trong cách diễn đạt mà qua đó còn cho thấy kiến thức tổng quát của ông hết sức nông cạn; không hề xứng đáng với cái học vị mà ông ta đang sở hữu.

d) Về nhận thức và thần học.
    Về mặt nhận thức có thể nói ngay ông Ts. DVH có rất nhiều sự nhầm lẫn. Nhưng điều đáng nói ở đây là do có nhầm lẫn về nhận thức nên kéo theo hệ quả nguy hiểm là suy tư thần học của ông “có vấn đề”. Xin chứng minh để các quí độc giả thấy như sau: Ở phần nói về người Do-thái giỏi làm kinh tế ông DVH viết như sau: “Triết gia Max Weber viết: ‘Đạo Ki-tô (Cơ Đốc) không làm tốt bằng đạo Do Thái, vì họ kết tội sự giàu có’. Quả vậy, Chúa Giê-su từng nói: ‘Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Chúa (Ma-thi-ơ 19: 24), ý nói ai giàu thì khó lên thiên đường, ai nghèo thì dễ lên thiên đường hơn, qua đó có thể suy ra đạo Cơ Đốc (Ki-tô) thân cận với người nghèo khổ. Nho giáo và Phật giáo lại càng khinh thường tài sản, tiền bạc, coi nghèo là trong sạch, giàu là bẩn thỉu”[27].
Qua đoạn ‘kinh văn’ trên của ông Ts. DVH chúng ta thấy gì? Trước hết, hãy xem xét câu nói mà ông DVH cho rằng đó là của triết gia lừng danh Max Weber, thật đáng tiếc là ông DVH không cho chúng ta biết triết gia Max Webber nói ở đâu, trong trường hợp nào, được ghi lại ở tài liệu nào? Tuy nhiên, nếu đã được coi là người có học trong giới TLVN thì bất kỳ ai cũng cần đọc hoặc chí ít cũng từng biết đến tác phẩm nổi tiếng của triết gia này có đầu đề: “Nền Đạo Đức Tin Lành Và Tinh Thần Chủ Nghĩa Tư Bản”, tuyệt tác này đã được dịch ra tiếng Việt; có thể nói nếu có bằng cấp cao trong Chúa mà chưa đọc tác phẩm này thì thật đáng tiếc. Trong trường hợp này đối với ông DVH cũng vậy, chắc chắn ông chưa đọc tác phẩm này; bởi nếu đã đọc tác phẩm này thì ông đã không trích dẫn câu trên để lập luận cho “bài khảo luận” của mình. Tuy nhiên, với tầm cỡ hiểu biết chưa vượt quá bậc trung học phổ thông như của ông Ts. DVH mà chúng ta đã chứng kiến qua trình bày ở các phần trên, thì có thể nói rằng, ngay cả khi có đọc tác phẩm trên của triết gia Max Weber thì chưa chắc ông đã hiểu được điều gì. Bởi nếu chỉ cần đọc qua, và lĩnh hội ở mức độ tối thiểu thôi thì chí ít ông cũng phải biết triết gia Max Weber đã từng phát biểu: “Ham muốn chiếm hữu, ham muốn chạy theo doanh lợi, chạy theo tiền bạc, càng nhiều càng tốt, tự chúng không có liên quan gì tới chủ nghĩa tư bản. Ham muốn ấy đã từng tồn tại và đang tồn tại nơi những người hầu bàn, người bác sĩ, người đánh xe ngựa, người nghệ sĩ, người đàn bà lẳng lơ, người công chức tham ô nhũng lạm, người lính, kẻ trộm cắp, kẻ viễn chinh, kẻ ăn mày . . .”[28]. Điều này có nghĩa gì? Triết gia đã cho chúng ta biết, ham muốn sự giàu có là xu hướng chung của nhân loại, không chừa ai, nó tồn tại trong tiềm thức của nhân loại bất  kể đẳng cấp, thành phần xã hội, bất kể người theo tín ngưỡng, tôn giáo hay không theo bất cứ một tín ngưỡng hay tôn giáo nào; thế thì chẳng có tôn giáo nào lại thù ghét hay kết tội sự giàu có mà ngược lại tôn giáo nào thì cũng muốn tín đồ của mình được sống trong bình an và thịnh vượng, kể cả Cơ Đốc giáo hay Phật giáo. Cũng theo Max Weber thì: sở dĩ chủ nghĩa tư bản chỉ ra đời ở châu Âu và phát triển ở phương Tây thời cận đại, lại tình cờ có xuất xứ từ nền tảng thần học của giáo phái Calvin. Do các tín hữu của giáo phái này không thể đoán biết chắc chắn rằng mình liệu có được chọn để hưởng sự cứu chuộc hay có thể bị định cho sự xét đoán; điều này luôn tạo cho họ sự lo âu, khắc khoải. Do bản năng tâm lý tự nhiên, những tín đồ này tìm mọi cách để thoát khỏi nỗi lo âu kia bằng cách đi tìm bằng được những dấu hiệu chứng tỏ mình được lựa chọn ngay trong thế giới này, và cuối cùng họ cho rằng dấu hiệu chứng tỏ mình được chọn là thông qua những thành quả đạt được ở thế gian, trong đó gồm cả sự thành công về kinh tế [29]. Một điều nữa cũng xin nói thêm là ngay trong nội bộ của Cơ Đốc giáo cũng có nhiều quan điểm về sự giàu có của cải và tiền bạc hay sự nghèo hèn; chính triết gia Max Weber cũng đã làm một so sánh rất thú vị sau khi quan sát tỉ mỉ, kỹ càng đời sống của các tín đồ Công giáo và Tin Lành ở nước Đức của ông và cho rằng “. . . người Tin Lành đã chứng tỏ họ có thiên hướng đặc biệt thuận lợi cho óc duy lý kinh tế, dù họ là tầng lớp thống trị hay bị trị, là nhóm dân cư đa số hay thiểu số, người ta chưa bao giờ thấy điều này nơi người Công giáo . . .”[30]; nếu như thế thì Cơ Đốc giáo đâu chỉ “thân cận với người nghèo khổ” theo cách nghĩ của ông DVH? Và cho rằng Cơ Đốc giáo “kết tội sự giàu có” liệu có quá vội vàng và võ đoán không? Có lẽ ông Ts. DVH chưa tính đến điều này.
Ngay cả Phật giáo cũng vậy, nếu nghiên cứu một cách nghiêm túc có thể thấy toàn bộ triết lý của Phật giáo cũng chưa bao giờ kết tội sự giàu có và cho rằng “giàu là bẩn thỉu và nghèo là trong sạch”, như ông DVH đã kết luận. Có thể nói, nếu nghĩ và viết như vậy thì ông không hề có một chút kiến thức gì về Phật giáo cả, bởi nếu chỉ có một chút kiến thức về Phật giáo thì chí ít ông cũng phải biết thế nào là Tứ Diệu Đế, và Bát Chính (chánh) Đạo nói về những điều gì, trong đó yếu tố thứ năm trong Bát Chính Đạo được gọi là Chánh Mạng đã giải thích rõ: “Chánh mạng (samma ajiva) có nghĩa là sự nuôi sống, sự sinh sống, hàm nghĩa các hoạt động lao động chân tay hay trí não để nuôi sống sinh mạng. Mọi hoạt động nghề nghiệp sinh nhai được hiểu là chân chính khi chúng không thực hiện bằng sự xảo trá, lừa lọc, làm hại đến bản thân, gia đình, xã hội và quốc gia . . . Chánh mạng có đặc tính là làm sạch. Nhiệm vụ của nó là đem lại sự phát sinh một nghề sinh nhai chính đáng”[31]. Như thế, sự bẩn thỉu và sự nghèo khó hay giàu sang là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau; cũng có rất nhiều sự giàu có xuất phát từ sự tự vươn lên, sự năng động hay sự kiên trì vượt khó một cách chính đáng rất đáng khâm phục; thế thì sự giàu có này đâu có đáng trách, đâu có “bẩn thỉu”? Nhưng nếu vì lười biếng, vì ỷ nại trông chờ vào sự giúp đỡ từ đâu đó, không chịu lao động, suốt ngày chỉ tính chuyện “ôm cây đợi thỏ” hay ngong ngóng “há miệng chờ sung” để đến nỗi phải chịu cảnh nghèo khó, thế thì cái nghèo này đâu có “sạch sẽ” gì, thưa ông Ts. DVH?
Tuy nhiên, có điều cần nói cho rõ ở đây là, bất kỳ tôn giáo nào cũng ghét, thậm chí là căm thù cái lối làm giàu bất chính, bất chấp mọi  thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn đê tiện nhất để co kéo, tranh giành, chụp giật làm lợi cho chính mình mà hại đến cộng đồng. Trên thực tế, những cách làm giàu tệ hại như vậy, luôn bị cộng đồng xã hội phỉ nhổ kể cả những người vô thần. Còn trong trường hợp những người vì hoàn cảnh nào đó mà nghèo thiếu, nhưng họ luôn chịu khó lao động kiếm sống, đứng trước mọi cám dỗ về vật chất mà không bị xao động; biết từ chối những điều làm cho mình trở nên giàu có nhưng lại làm phương hại đến nhiều người khác hoặc cả cộng đồng, biết từ bỏ những mối lợi không phải do công sức mình làm ra thì những người đó không chỉ được các tôn giáo tôn trọng mà ngày cả đến những người vô thần cũng phải nể phục.  
Như thế, có thể nói không có bất cứ tôn giáo nào nguyền rủa giàu có là bẩn thỉuca ngợi nghèo khó là sạch sẽ như ông DVH đã phán bừa bãi như trên; mà các tôn giáo (kể cả Cơ Đốc giáo) hay dư luận chung của xã hội đều tôn trọng cả sự nghèo khó nhưng thanh sạch cũng như sự giàu có một cách chính đáng. Rõ ràng ở đây ông DVH đã có sự nhầm lẫn về nhận thức.
Chính từ sự nhầm lẫn trên ông DVH mới trích Ma-thi-ơ 19: 24 rồi luận rằng ý Chúa Giê-su muốn nói: ai giàu thì khó lên thiên đường, ai nghèo thì dễ lên thiên đường hơn, qua đó có thể suy ra đạo Cơ Đốc thân cận với người nghèo khổ. Có thể nói ngay, về một mặt nào đó nghĩa đen này không sai, vì đã từng có nhà giải kinh viết như vậy, tuy nhiên Lời Chúa không được phép chỉ hiểu một cách thô thiển như vậy; bởi nếu chỉ hiểu câu Kinh Thánh trên như vậy thì ông sẽ giải thích như thế nào khi chính Chúa Giê-su đã trực tiếp kêu gọi kẻ chuyên nghề thu thuế như Ma-thi-ơ và thái độ đáp ứng ngay không một chút toan tính của ông ta? Tiếp theo, Ngài ngồi ăn tại nhà của Ma-thi-ơ, sau đó các thầy dòng Pha-ri-si đã hoạnh họe rằng, tại sao lại ngồi ăn với kẻ thu thuế cùng bọn người xấu thì Ngài trả lời rằng: “Ta đến không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội” (Ma-thi-ơ 9: 9-13). Một số người giàu có khác nữa mà chúng ta có thể kể ra đây như Xa-chê, Ni-cô-đem họ không chỉ là người giàu có nhưng còn là những người có địa vị trong xã hội của Do-thái lúc bấy giờ nữa, nhưng tất cả họ khi nhận biết Đấng Christ thì họ sẵn sàng đến với Ngài để nhận được ân sủng, bằng cách này hay cách khác. Như thế, ông DVH phán một câu xanh rờn rằng: “. . . qua đó có thể suy ra đạo Cơ Đốc thân cận với người nghèo khổ”; liệu có thể nghe được chăng? Ở ví dụ trên Chúa Giê-su nói rằng người giàu thì khó vào Nước Thiên Đàng chứ không phải là không thể; lại càng không thể nói Cơ Đốc giáo chỉ thân cận với người nghèo; mà ở đây còn phải hiểu rằng có rất nhiều điều khó khăn mà con người không thể làm được, nhưng Đức Chúa Trời làm được tất cả mọi sự. Rõ ràng, với suy diễn như vậy bắt buộc độc giả phải đặt dấu hỏi về kiến thức của ông DVH kể cả về thần học lẫn Kinh Thánh, mà ngay từ đầu ông đã có dịp huênh hoang với các độc giả rằng ông được học với các tôi tớ Chúa một cách chính qui chứ không như ông Ti-mô-thê chỉ được truyền khẩu qua mẹ và bà ngoại.
Nhưng sự việc chưa dừng lại ở đây, cũng về vấn đề tiền bạc ông DVH còn có một nhận định rất đáng ‘kính nể’ nữa mà chúng tôi cũng xin nêu ra đây để các quí con cái Chúa cùng “thưởng lãm”; ông ‘luận’ như sau: “Thượng đế Giê-hô-va yêu cầu Áp-ra-ham phải giàu có để có cái mà thờ phượng Ngài”[32] . Lướt qua nhận định này có lẽ tất cả các độc giả là con cái Chúa đều phải ‘ngả mũ’ trước sự tưởng tượng ‘thần tình’ của ông Ts. DVH. Lý do là, không biết ông đã đọc loại Kinh Thánh nào, chứ còn theo như thiển ý của chúng tôi, thì dù đã đọc nhiều lần sách Sáng Thế Ký, và cả 39 sách Cựu Ước trong Kinh Thánh mà các giáo phái TLVN hiện đang dùng, thì cũng không tìm được câu Kinh Thánh nào ghi lại rằng: “Thượng đế Giê-hô-va yêu cầu Áp-ra-ham phải giàu có để có cái mà thờ phượng Ngài”. Không biết ông DVH đào đâu ra ý tưởng quái gở này; hay phải chăng đây là một phát hiện mới ở trình độ tiến sĩ? Bởi nếu chỉ cần một Cơ Đốc nhân có thần kinh bình thường người ta cũng hiểu được rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tể Trị tối thượng, Ngài là Chúa Tể của cả cõi Thời -  Không, ngay cả chúng ta cũng thuộc về Ngài; Ngài ban cho các con cái Ngài sự bình an thịnh vượng theo ý muốn của Ngài để họ vui hưởng và thờ phượng Ngài chứ không phải Ngài ban cho họ giàu có để có cái mà thờ phượng Ngài.
Ở đây có vấn đề cần trao đổi là: Nếu căn cứ theo lý luận của ông Ts họ D kia, thì những người nghèo không có của cải gì chẳng lẽ họ không có cách gì để thờ phượng Ngài hay sao? Và nếu những người nghèo không có gì để thờ phượng Chúa thì họ liệu có được Chúa cứu và được hưởng phúc lành Ngài ban cho họ không? Có thể nói khi lập luận như vậy ông DVH đã quên sạch Lời phán của Chúa Cứu Thế Giê-su mà hầu hết các THTL VN có đầu óc bình thường nào cũng thuộc lòng: “ . . . khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy” (Giăng 4: 23-24; BDC).  Ngay từ thời Cựu Ước thì tiên tri Sa-mu-en đã chỉ ra rằng: “. . . Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực” (I Sa-mu-en 15: 22; BDC).
Như vậy, trên tinh thần của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước thì Đức Chúa Trời cần ở con người sự vâng phục, sự thờ phượng thật chứ không phải Ngài yêu cầu các con cái Ngài phải giàu có để có cái mà thờ phượng Ngài như Ts họ D đã ‘luận’.
Rất có thể xuất phát từ nhận thức phải giàu có để mà có cái thờ phượng Đức Chúa Trời cho nên trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình ông DVH đã luôn lựa chọn nguyên tắc: nhất cử nhất động đều phải hướng đến lợi ích cá nhân và sự giàu có. Theo nguồn tin từ rất nhiều các con cái Chúa ở các giáo phái trong miền Nam ra công cán ở ngoài Bắc cho biết thì ông DVH có cuộc sống khá sung túc, đi du lịch nước ngoài như đi chợ; riêng vấn đề tham vọng làm giàu, tranh thủ thời cơ để thủ lợi của ông thì khó có ai bì kịp. Các con cái Chúa ở trong đó còn cho biết, vì có tham vọng làm giàu nên vào thời kỳ cộng tác với một tổ chức nước ngoài có tên là Liên Đoàn Kinh Thánh gì đó ông đã kiếm được một khoản rất khá. Nghe nói từ việc phân phối tài liệu huấn luyện, sách vở bồi linh, đến Kinh Thánh . . . trong đó có rất nhiều tài liệu được tặng nhưng ông cũng chủ động tạo điều kiện cho các học viên ‘tập tành dâng hiến’ bằng cách yêu cầu họ phải mua; còn số tiền ấy “nó đi vào chỗ mô” thì chỉ có Chúa mới biết. Một số các con cái Chúa ở một vài giáo phái được ông giúp đỡ về huấn luyện nhân sự còn kể lại rằng: các học viên của giáo phái họ được cử đi học lớp của ông, do vừa học lý thuyết lại vừa thực hành, nên mỗi tháng các học viên đều được Liên Đoàn Kinh Thánh giúp đỡ một khoản trợ cấp nho nhỏ, nhưng xuất phát từ ‘lòng thương xót’ và ham muốn làm giàu ông cũng lại chủ động ‘tạo nguồn phước’ cho các anh chị em học viên bằng cách yêu cầu họ phải ‘dâng hiến’ 1/10 khoản trợ cấp ít ỏi kia để làm cái việc mà ông gọi là “quan, hôn, tương, tế”. Và nghe nói ngay trong thời điểm hiện tại (08/2015) ông cũng lại đang tìm cách tụ tập những mục sư từng bị “tổn thương” (ở trong các tỉnh khu vực phía Nam) lại để nhằm tìm cách thay Đức Chúa Trời “rịt lành vết thương” cho họ, và hình như cũng đã có vài chục mục sư hưởng ứng và gặp gỡ với cha con ông ta rồi thì phải. Việc những mục sự bị “tổn thương” gặp gỡ nhau, thông công “để rịt lành vết thương” là chuyện có thể coi là bình thường; tuy nhiên, có điều người viết mạo muội thưa với các quí vị rằng: dù bị ai làm tổn thương, dù bị tổn thương đến cỡ nào thì chỉ có một Đấng duy nhất mà các quí vị có thể trông cậy, có thể giãi bày và chỉ có Đấng ấy mới thực sự chữa lành cho các quí vị mà thôi; đó chính là Chúa Cứu Thế Giê-su. Còn việc các quí vị tụ vạ lại theo sự triệu tập của cha con ông Ts họ D kia thì cần xem lại; bởi đó chỉ là ý tưởng của con người; mà đã là ý tưởng của con người thì thiếu gì những ý tưởng gian manh được khoác bên ngoài cái áo ‘dán mác’ thanh khiết.
Nói tóm lại, có rất nhiều phần, nhiều tiểu mục cho thấy ông DVH đã nhầm lẫn về nhận thức, và hệ quả tất yếu của sự nhầm lẫn này kéo theo sự lệch lạc về thần học; vì thế không thể nói rằng cuốn STTCTC là một cuốn sách vô hại.

e) Hành động của Đức Chúa Trời thể hiện sự thành tín của Ngài trong mọi biến động của dân tuyển, cũng như nhân loại rất mờ nhạt, trong khi đúng ra đó phải là điều được đề cập sâu sắc nhất và nổi trội nhất.
Có thể nói những khiếm khuyết, những sai lầm như đã phân tích ở trên, nếu có phần nào đó độc giả có thể tha thứ nhưng việc không làm cho độc giả thấy, hoặc đề cập rất ít việc Đức Chúa Trời can thiệp vào lịch sử của tuyển dân Ngài, của lịch sử nhân loại thông qua sự đảm bảo tính thành tín  của những Lời hứa của Ngài là điều thật khó để tha thứ. Đúng ra Ixraen là dân tuyển của Đức Chúa Trời thì mọi biến động của dân này đều nằm dưới sự tể trị của Ngài, nếu bàn cho đến cùng thì lịch sử của cả nhân loại cũng không có điều gì vượt ra khỏi sự quan phòng của Ngài. Tuy nhiên, qua cuốn STTCTC thì thấy vai trò của Đức Chúa Trời trên dân sự Ngài rất mờ nhạt nếu không nói là gần như “vắng bóng”.
Chúng tôi xin dẫn chứng: Cả thế giới đều biết “cuộc chiến tranh sáu ngày” của Ixraen tấn công một số nước A-rập nhằm chiếm lại phần đất mà Ixraen cho rằng, đó là đất đai của họ mà Đức Chúa Trời đã ban cho tổ tiên họ từ hàng ngàn năm trước, điều này đã được ghi trong Kinh Thánh. Cuộc chiến tranh này diễn ra trong thời gian chỉ có sáu ngày từ ngày 5 đến ngày 10/06/1967 (do đó giới quân sự thế giới nói đến “cuộc chiến sáu ngày” là nói đến cuộc chiến tranh này), nhưng Ixraen đã mở rộng lãnh thổ của họ lên tới 7099 km2; trong đó gồm 5879 km2 ở khu Bờ Tây, 70 km2 Đông Giê-ru-sa-lem, và 1150 km2 thuộc cao nguyên Gô-lan[33]; có thể nói đây là chiến thắng rất kỳ diệu đối với quốc gia Ixraen. Tuy nhiên, sau khi ca tụng chiến thắng của người Do-thái thì ông Ts. DVH tóm lược lại những nguyên nhân chính để đưa đến thắng lợi của tuyển dân Do-thái như sau: 1) Thứ nhất là Do-thái có những nhà lãnh đạo tài ba; 2) Thứ hai là do tinh thần quân đội Do-thái rất cao; 3) Thứ ba là do quân đội của Do-thái được huấn luyện kỹ lưỡng hơn A-rập; và 4) Thứ tư là do chiến thuật, kỹ thuật của Do-thái tài tình, mới mẻ và linh động[34]. Như vậy, toàn bộ chiến thắng kỳ diệu của dân Do-thái trong “cuộc chiến sáu ngày” mà cho đến nay những nhà quân sự trên thế giới vẫn phải tiếp tục nghiên cứu và thán phục, thì theo như ông Ts. DVH là hoàn toàn dựa vào sự tài giỏi của người Do-thái mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của Thiên Chúa. Có lẽ mải ca tụng tài năng, trí khôn của người Do-thái nên ông đã quên khuấy rằng có tới gần ba trăm lần Cựu Ước nói rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời Vạn Quân; chẳng hạn: I Sa-mu-en 1: 3; II Sa-mu-en 5: 10; II Các vua 3: 14; Thi 24: 10 . . . ; Cựu Ước cũng có hàng chục lần nói rằng Đức Giê-hô-va đánh trận; ví dụ: Thi 24: 8; Xa-cha-ri 14: 3 . . . ; và không chỉ có vậy mà Đức Giê-hô-va còn là Chúa của chiến trận nữa và Ngài sẽ phó kẻ thù vào tay người Do-thái (I Sa-mu-en 17: 47). Đây là những Lời Hứa của Thiên Chúa, và sự thành tín của Ngài còn đến đời đời (Thi 100: 5) cho không chỉ dân Do-thái xưa kia cũng như ngày nay, mà là còn cho tất cả những ai tin Đấng Christ ở mọi thời đại nữa. Thế thì, ngày hôm nay tất cả những con cái Chúa dẫu có thành đạt đến đâu, dẫu có mạnh mẽ đến đâu, dẫu có giàu có đến đâu cũng không thề nằm ngoài ân sủng của Thiên Chúa. Chẳng lẽ một điều tối thiểu này mà tiến sĩ Cơ Đốc họ D kia cũng không hiểu được sao?
Ngay cả khi ông kể lể những sự kiện vụn vặt về người Do-thái từ việc “chiến thắng sa mạc” biến sa mạc thành nơi canh tác hàng đầu thế giới[35]; rồi “công nghệ” nuôi trồng thủy sản trên sa mạc[36]; hay phát minh nền sản xuất nông nghiệp nước mặn[37]  . . .  cho đến việc kiến quốc[38]; hoặc sản xuất vũ khí ‘siêu bí mật’[39] . . . thì tất cả sự thành tựu đó đều là bởi người Do-thái thông minh, giỏi giang, chuyên cần, vượt khó mà có chứ hoàn toàn không hề thấy “hiện diện” sự thành tín của Thiên Chúa, tức là mọi sự thành tựu chỉ bởi việc làm của con người và từ con người.
Điều cần phải nói nữa là, đến tận phần kết luận của “bài khảo luận” thì người đọc thấy tác giả trích dẫn hàng loạt câu Kinh Thánh để nói về sự ứng nghiệm của Lời Thiên Chúa, nghĩa là có nói đến sự thành tín qua lời hứa của Ngài; tuy nhiên vẫn hết sức mờ nhạt; còn ý chính của phần kết thì toàn là những điều không ăn nhập gì đến chủ đề của “bài khảo luận” cả. Để khỏi mang tiếng là vu cáo chúng tôi xin trích đăng nguyên văn ý “đúc kết” của luận văn này để các quí vị cùng ‘thưởng lãm’:
“Đọc lịch sử phục quốc và kiến quốc của dân tộc Do Thái chúng ta học được rất nhiều điều quí báu, từ tinh thần quốc gia dân tộc đến tinh thần đoàn kết; từ ý chí phục quốc đến đức hy sinh, sức chịu đựng ghê gớm; từ kinh nghiệm định cư, giáo dục đến nông lâm mục súc; từ tổ chức cộng đồng đến tổ chức quân đội . . . Nhưng 2 tấm gương cao quí nhất mà họ đã gián tiếp vạch ra cho chúng ta thấy, đó là cái họa Thực dân, Đế quốc và nhất là tinh thần Thượng Tôn Quyền Lợi Quốc Gia. Thực dân nào, đế quốc nào, bất luận Đông Tây, cũng chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ trước hết và sau cùng và dĩ nhiên bảo hộ, khai hóa, hữu nghị, tương trợ, đồng minh . . . gì gì cũng chỉ là các loại bình phong che đậy những tà vọng trục lợi. Lỡ dang díu với thực dân đế quốc thì chóng chầy thế nào cũng điêu đứng, lầm than, tàn tạ với họ.
Người Do Thái gián tiếp cho các dân tộc đang phát triển (nghĩa là chưa phát triển nếu không muốn nói là đang nghèo khó) thấy rằng một dân tộc càng bị đẩy vào chỗ chết càng mau kiếm được lối sống, miễn là dân tộc đó có muốn hay không muốn mà thôi. Một khi đã quyết sống, tự cho mình là một thực tại dân tộc đặc thù thì thực dân, đế quốc, chủ thuyết đến từ phía nào cũng phải nhượng bộ, nhìn nhận cái thực tại độc lập đó./.”[40].
Như vậy, có thể nói xuyên suốt ‘tác phẩm kinh điển’ về chủ đề: Sự Thành Tín Của Thiên Chúa của tác giả DVH thì hầu như người đọc chỉ nhìn thấy những việc làm của con người mà không nhìn thấy ơn thần hựu và sự quan phòng của Ngài ở đâu hết. Đây là điều thật khó để chấp nhận nhất lại là “bài khảo luận” của một tiến sĩ Cơ Đốc. Có lẽ chỉ cần đọc qua những lời “đúc kết” của luận văn được tác giả viết một cách rất lủng củng về ngôn ngữ, lộn xộn về cú pháp, tối tăm về ngữ nghĩa như trích đoạn trên, thì bất cứ người nào chỉ cần có trình độ trung học phổ thông cũng phải buông một tiếng thở dài mà than rằng: thật đáng thương cho cái kiến thức “ăn đong” của một ông tiến sĩ trong giới TLVN.

III – KẾT LUẬN  
Kính thưa các quí độc giả! Như phần mở đầu chúng tôi đã nêu: nếu phải “nhặt” ra hết những lầm lẫn, sai lạc, bất hợp lý của cuốn Sự Thành Tín Của Thiên Chúa, mà Tiến sĩ Dương Văn Hữu là tác giả, thì sẽ không thể liệt kê nổi và sẽ quá dài cho khuôn khổ của bài viết này. Ở phần trình bày trên chúng tôi mới chỉ lược qua năm vấn đề bất hợp lý nhất, tập trung nhất thì đã cảm thấy khá dài so với khuôn khổ của một tiểu luận. Nhưng biết làm sao được; bởi thực sự cuốn sách có quá nhiều điều bất cập, có quá nhiều sự non nớt về lập luận, có quá nhiều sự suy diễn lệch lạc, thô lậu thậm chí là kệch cỡm. Hết sức mong các quí độc giả tha thứ cho chúng tôi cái tội dài dòng.
Nhân đây chúng tôi cũng xin có vài ý kiến với nhà xuất bản đã cấp phép cho xuất bản cuốn STTCTC rằng, các quí vị có đầy đủ ban bệ, có người chịu trách nhiệm xuất bản, có ban biên tập hẳn hoi, và chúng tôi tin rằng những quí vị trong ban biên tập không phải là ít học, ấy thế mà vẫn đồng ý cấp phép cho một “sản phẩm thứ cấp” không đáng gọi là một cuốn sách được xuất bản. Làm như vậy, vô hình trung chính các quí vị tự làm cho uy tín của mình bị suy giảm.
Cũng nhân dịp này chúng tôi xin có vài lời với chủng viện (hay thần học viện) nào đã cấp bằng tiến sĩ cho ông DVH cần phải xem lại tiêu chí đào tạo của mình; nếu các quí vị thành lập chủng viện (hay thần học viện) chỉ để bán bằng lấy tiền như một doanh nghiệp thì chúng tôi xin không có ý kiến gì; bởi mục đích của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải đạt lợi nhuận tối đa, vậy thì việc làm thế nào để đạt được mục đích ấy là quyền và tài năng của các quí vị chúng tôi không dám lạm bàn. Còn nếu các quí vị vẫn khoác trên mình cái áo Cơ Đốc nhân thì xin các quí vị nên suy nghĩ lại và hành động khác đi, nếu không thì các vị cũng không khác gì dân vô đạo; thậm chí còn tệ hơn dân vô đạo. Các quí vị nên nhớ là trong giới học giả (là dân ngoại đạo) người Việt ở hải ngoại đã có một số người nói trắng ra rằng: “Đối với tôi, tiến sĩ thần học chưa bao giờ được coi là trí thức”. Chúng tôi hoàn toàn không tán thành ý kiến này vì nó vừa chủ quan, vừa “vơ đũa cả nắm”, nhưng rõ ràng vì có những kiểu tiến sĩ trình độ như ông DVH nên họ phát biểu như vậy không phải là không có lý do.
Chúng tôi mong tất cả con cái Chúa là những ai quan tâm đến lĩnh vực học thuật Cơ Đốc của nước nhà, cần phải bày tỏ quan điểm của mình đối với những loại “sản phẩm cấp 3” và chứa chất sự độc hại ở bên trong như cuốn STTCTC mà chúng tôi đã nêu trên. Bởi cớ, nếu đọc hết cuốn STTCTC với một người có học vấn không cao, đức tin lại chưa vững vàng thì thay vì phó thác cho Chúa người ta sẽ thấy nỗ lực của con người giá trị hơn; thay vì làm cho người ta yêu mến Tin Lành của Đức Chúa Trời thì người ta lại yêu chuộng Do-thái giáo; thay vì đi tìm sự trông cậy ở Đấng Christ thì người ta lại trông cậy ở tiền bạc.
Qua nhiều nguồn thông tin do các con cái Chúa ở trong miền Nam cung cấp, chúng tôi được biết ông Ts. họ D kia có một số con cái đã có bằng tiến sĩ Cơ Đốc; vì thế chúng tôi rất mong nhận được sự chỉ giáo không chỉ của chính ông DVH mà còn là của tất cả các con cái của ông muốn chiêu tuyết cho ông; đồng thời chúng tôi cũng nuốn nhận được sự phản biện lại những ý kiến của chúng tôi về tác phẩm ‘kinh điển’ của ông và nhờ trang web loihangsong đăng giùm, kẻo chúng tôi lại mang tiếng là chủ quan, một chiều hay “bới bèo ra bọ”. Theo thiển ý của chúng tôi, việc trao đổi ý kiến thẳng thắn, công khai là điều tốt để tất cả các Cơ Đốc nhân cùng sửa mình và tinh tiến trên lộ trình về Nước Chúa. Rất mong trang web loihangsong ủng hộ những bài vở, những ý kiến quí báu của các con cái Chúa có tâm huyết.
Qua bài viết này chúng tôi không có tham vọng gì nhiều; chỉ cần các anh chị em con cái Chúa nhận ra những sai sót, khiếm khuyết và cảnh giác với những lập luận phi Cơ Đốc trong cuốn STTCTC là đã vượt quá sự mong đợi của chúng tôi rồi.
Nguyện xin Đức Chúa Trời Ba Ngôi luôn ở cùng và ban phúc lành trên các con cái Chúa cùng các anh chị em trang loihangsong./.

Hà Nội 20/08/2015
Hồng Bắc Cái

Chú thích:
[1] Xin xem: Sự Thành Tín Của Thiên Chúa. Tác giả: Ts. Dương Văn Hữu. NXB Thời Đại. 2013.
[2] Nguyên văn: “人 才 秋 葉, 俊 傑 晨 星” (Nhân tài thu diệp, Tuấn kiệt thần tinh). Nguyễn Trãi.  “平 吳 大 誥  (Bình Ngô Đại Cáo). Nguyễn Trãi Toàn Tập (tân biên), tập II. NXB Văn Học. 2000. Trang 15.
[3] Chữ dùng đúng như trong cuốn: Sự Thành Tín Của Thiên Chúa. Tác giả: Ts. Dương Văn Hữu. NXB Thời Đại. 2013.
[4] Dương Văn Hữu. Sự Thành Tín Của Thiên Chúa. NXB Thời Đại. 2013.
[5] Dương Văn Hữu. Sđd.
[6] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 11.
[7] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 12.
[8] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 11.
[9] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 8, 9.
[10] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 15.
[11] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 75.
[12] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 42.
[13] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 59.
[14] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 192.
[15] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 45.
[16] Nguyên văn  Mạnh Tử viết: (Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh). Xem: Tứ Thư. Mạnh Tử, Tận tâm hạ, tiết 14. Đoàn Trung Còn.  NXB Thuận Hóa. 2011. Trang 262.
[17] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 43.
[18] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 16.  
[19] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 31.
[20] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 176.
[21] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 135.
[22] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 142.
[23] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 145.
[24] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 148.
[25] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 153.
[26] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 89-93.
[27] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 64.
[28] Max Webber. Nền Đạo Đức Tin Lành Và Tinh Thần Chủ Nghĩa Tư Bản. NXB Tri Thức. 2010. Trang 51.
[29] Max Webber. Nền Đạo Đức Tin Lành Và Tinh Thần Chủ Nghĩa Tư Bản. NXB Tri Thức. 2010. Trang 24 - 25.  
[30] Max Webber. Sđd. Trang 77.
[31] Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Phật Học Căn Bản, Tập I. NXB Tôn Giáo. 2003. Trang 111.  
[32] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 65.
[34] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 35-37.
[35] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 177.
[36] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 180.
[38] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 181.
[39] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 186.
[40] Dương Văn Hữu. Sđd. Trang 234.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kinh Thánh Tiếng Việt. Bản dịch cũ, Bản dịch mới.
2. Nguyễn Trãi Toàn Tập. Tập II. NXB Văn Học. 2000.
3. Tứ Thư. Đoàn Trung Còn.  NXB Thuận Hóa. 2011.
4. Nền Đạo Đức Tin Lành Và Tinh Thần Chủ Nghĩa Tư Bản. Max Webber.  NXB Tri Thức. 2010.
5. Phật Học Căn Bản, Tập I. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.  NXB Tôn Giáo. 2003.



Dưới đây chúng tôi xin đăng ảnh một số trang của cuốn Sự Thành Tín Của Thiên Chúa để các quí độc giả tiện theo dõi.








Trang bìa quyển “Sự Thành Tín Của Thiên Chúa”
(một khảo luận của TS. Dương Văn Hữu)



Trang thứ hai quyển “Sự Thành Tín Của Thiên Chúa”



Trang cuối của quyển “Sự Thành Tín Của Thiên Chúa”


Đây là trang tác giả tự giới thiệu được in trong quyển
“Sự Thành Tín Của Thiên Chúa”

15 nhận xét:

Nặc danh nói...

..Tiến Sĩ Cùi Mía!!
1. thái lưu manh, thái côn đồ, thái phước trường.. ngta tiến sĩ danh dự..CON TẮC KÈ KHÔNG THAY ĐỔI MÀU DA. DẠY TRƯỚC 100 SV vIỆN THẦN KINH HỌC.
2. một ms tiến sĩ. giảng trước Hội đồng tại Mỹ: " các mục đồng khi thấy ánh sao, họ bõ gia tài, gia sản của mình có là bầy chiên, bầy chiên là tất cả sự sống của họ" chúng ta có dám bõ những gì chúng ta có không??
1* thái lưu manh là tiến sĩ. khi là tiến sĩ thì tắc kè hết thay màu.
2* bọn chăn chiên là bọn chăn thuê cho chủ. nhưng khi là tiến sĩ thì chiên là của mình..

NÓI CHUNG TIẾN SỈ GÌ KHÔNG BIẾT. CHỨ TIẾN SĨ TIN LÀNH. NÓI RA...HƠI NHỤC.

Nặc danh nói...

Cha con ông DVH cũng thuộc loại BUÔN THẦN BÁN THÁNH...

Theo nguồn tin từ rất nhiều các con cái Chúa ở các giáo phái trong miền Nam ra công cán ở ngoài Bắc cho biết thì ông Dương Văn Hữu có cuộc sống khá sung túc, đi du lịch nước ngoài như đi chợ; riêng vấn đề tham vọng làm giàu, tranh thủ thời cơ để thủ lợi của ông thì khó có ai bì kịp. Các con cái Chúa ở trong đó còn cho biết, vì có tham vọng làm giàu nên vào thời kỳ cộng tác với một tổ chức nước ngoài có tên là Liên Đoàn Kinh Thánh gì đó ông đã kiếm được một khoản rất khá. Nghe nói từ việc phân phối tài liệu huấn luyện, sách vở bồi linh, đến Kinh Thánh . . . trong đó có rất nhiều tài liệu được tặng nhưng ông cũng chủ động tạo điều kiện cho các học viên ‘tập tành dâng hiến’ bằng cách yêu cầu họ phải mua; còn số tiền ấy “nó đi vào chỗ mô” thì chỉ có Chúa mới biết...

Có lần một nhân sự vào nhà sách KHÁM PHÁ của cha con ông Hữu, ở đường Phan Đăng Lưu- Phú nhuận - SG... thấy trên kệ sách có Tân ước bán. Sau khi hỏi giá để mua xong Nhân sự kia hỏi: Sách này bên quận 7 có người cho cả thùng, ai muốn nhận bao nhiêu thì liên hệ để nhận, sao ở đây BÁN? Cô bán hàng (con dâu ông Hữu) xanh mặt không trả lời... chỉ nói "em không biết, em chỉ bán"...!!

Cha con ông DVH cũng thuộc loại BUÔN THẦN BÁN THÁNH không phải tay vừa...

Nặc danh nói...

Trong một bài giảng gần đây đưa lên Youtobe, mục sư Trần Mai có nói "tôi ân hận hối tiếc vì đã CẤP BẰNG TIẾN SĨ ÂN ĐIỂN cho 4 tiến sĩ"...
Thế nhưng khoảng đầu năm nay khi LHS có bài nói về "tiến sĩ dõm" thì VC nằm vùng- mục sư Hoàng nguyên Vũ- xe lăn đòi cho đàn em giang hồ xử tiên tri HTK nếu không gỡ bài... Tại sao có thứ mục sư hở ra là dùng giang hồ, côn đồ xử tôi tớ Chúa???...???

Mục sư Trần Mai vẫn ưu ái đứa học trò nằm vùng này!

Tín Hửu cao niên Nguyễn văn Phiên hai Phiên Cái tàu hạ Sa Đéc Đồng tháp nói...

Sân Khấu Giáo Hội Ngày Nay Mạnh Ai Nấy Diễn.
Vạn sự chỉ ư tiền, thế mạnh của thái phước trường là tiền giáo hội nhiều, trường cứ nghĩ đấy là tiền của mình, rồi hắn phát ngôn bừa bãi:
- Tiền là tất cả, tiền bỏ ra việc gì cũng xong.
Thế là, trường nghĩ "chó sủa mặt chó - đường ta ta cứ đi" (chó = các mục sư cao niên (MsTrí sự - NV).
Vào bài: Ông thái phước trường ngày nay nói người ta có còn hứng thú nghe không? Câu trả lời là: NO.
Chứng minh: theo kênh (http://www.httlvn.org/?do=news&act=detail&id=5620 LỄ TẤN PHONG MỤC SƯ TẠI TỈNH ĐỒNG THÁP).
Giải trình: Trong bức ảnh ông thái phước trường "GIẢNG LỜI CHÚA" người xem sẽ bắt gặp trên "sân khấu buổi lễ" mấy ông trời mục sư "quậy" trên ấy bằng cách châun đầu câu cổ mà nói chuyện trước bàn dân thiên hạ ngoại giáo lẫn nội giáo.
- Bên đây cặp lê hoàng lông trên và nguyễn trung tâm.
- Bên kia cặp trần thiên tứ và nguyễn thằng kỉnh (bình hoà phước).
Họ là ai mà ngồi chương ướng trên bàn thờ thánh Chúa? Hội đồng thẩm vấn và TPMS khu 3 đấy (thái phước trường là chủ tịt đang đứng giảng).
Kết luận: ông trường giảng thì ông nghe, chứ chúng tôi và ba tân mục sư.
- MsNc Lê Tấn Cam, Quản nhiệm HTTL Núi Sập, tỉnh An Giang;
- MsNc Đặng Trần Phúc, Quản nhiệm HTTL Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp;
- MsNc Trần Văn Thới, Quản nhiệm HTTL An Phong, tỉnh Đồng Tháp.
Biết cái ruột ông trường có mấy khúc nghe cái nỗi gì.
ông thái phước trường đã tới nước nầy rồi, mà cứ thích nói trên đầu trên cổ thiên hạ (tôi con Chúa - NV).
tin lành nhà thờ phước âm liên hiệp Cờ MA south vietnamese bây giờ nó vậy !!
* Nguyễn văn Phiên nhà giảng Cái tàu hạ Châu thành Sa đéc tỉnh Đồng tháp.

Nặc danh nói...

MỘT QUYỂN SÁCH ĐỘC HẠI !

Quyển sách độc hại nó ít gây hại hơn là LỜI NÓI ĐỘC HẠI ! Vì sao ? Vì người đọc sách không nhiều, cũng có người muốn đọc sách nhưng lại không tiền mua, vì thế mà nó hại ít ! Lời giảng ĐỘC HẠI của quan trên CMA miền nam là LIỀU THUỐC AN THẦN giết chết nhiều người khi họ nghe NHỮNG LỜI DỐI TRÁ, LỪA GẠT DÂN CHÚA để thu lợi, làm giàu cá nhân, giảng sai Kinh Thánh làm chết linh hồn người ta. Thật nguy hại vô cùng !!

Khách cà Phê Thềm Xưa Q1.

Nặc danh nói...


CẦN BIẾT.

"Trong một bài giảng gần đây đưa lên Youtobe, mục sư Trần Mai có nói "tôi ân hận hối tiếc vì đã CẤP BẰNG TIẾN SĨ ÂN ĐIỂN cho 4 tiến sĩ"..." (hết trích)

Như trên, xin tác giả viềt câu này vui lòng cho biết bài giảng của Mục sư Trần Mai, với đề tài gì? và giảng vào ngày nào?

Chân thành cám ơn.

Halelugia!


Nặc danh nói...

Xin bạn chịu khó mở Youtube loạt bài giảng của mục sư Trần Mai trong tháng tháng 7, khoảng giữa bài giảng ông có đề cập đến vấn đề bằng cấp, huấn luyện... ông nói ám chỉ răng trước đây ông có mở lấp đào tạo tiến sĩ, trong đó có một học viên tới giờ học không chịu học mà đi lấy tỉ (răng)... cuối cùng Ms TM cũng phải phát bằng tiến sĩ cho các vị này nhưng là bằng ÂN ĐIỂN thôi... bạn chịu khó lục tìm. Chính Ms TM bày tỏ thất vọng trong việc phát bằng tiến sĩ ...

Nặc danh nói...

Ms Trần Mai ăn năn vì cấp bằng tiến sĩ...

Sứ điệp: NGÓNG TRÔNG PHỤC HƯNG hay CHUẨN BỊ PHỤC HƯNG
Diễn giả: Mục Sư Trần Mai
Ngày: Tối thứ 5. 23-07-2015
Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=gw8v0OhBcsE

Trong video clip này Từ phút 58: 50 - 59: 50 Ms TM nói “Tôi ăn năn vì đã phát bằng ÂN ĐIỂN cho lớp TIẾN SĨ…”
Đường link sau đây các bạn có thể xem:
https://www.youtube.com/watch?v=gw8v0OhBcsE

Nặc danh nói...

mục sư Trần Mai ăn năn vì đã CẤP BẰNG TIẾN SĨ ÂN ĐIỂN cho 4 tiến sĩ...
Ông đã tự thú...
Thế nhưng trước đây khi LHS có bài nói về "tiến sĩ dõm" thì "mục sư tiến sĩ Hoàng nguyên Vũ (Vũ xe lăn, bằng tiến sĩ do thầy Mai cấp) đòi cho đàn em giang hồ xử tiên tri HTK nếu không gỡ bài... Tại sao có thứ mục sư tiến sĩ hở ra là dùng giang hồ, côn đồ xử tôi tớ Chúa lại là người tàn tật... ???...???
Người ta nói Vũ xe lăn là VC nằm vùng mới hở ra là dùng thói côn đồ chứ mục sư thật thì ai làm vậy... ???

Bạn nghĩ sao??

Nặc danh nói...

"Ms Trần Mai ăn năn vì cấp bằng tiến sĩ..."

Bạn ấy ơi! Thưa bạn, tôi đã nghe nội dung bài giảng rồi. Lời đầu cảm ơn bạn, nhưng trong bài giảng không nguyên văn như bạn viết , chỉ nói đến một nhân vật "lấy tỉ răng"...Không nói đến những người khác, vì không chỉ có 4 người mà còn nhiều người nhận văn bằng (khác nhau).

Tôi cũng gọi DT hỏi thầy Mai, thầy Mai xác nhận việc nầy cũng không giống như nguyên văn bạn viết.

Rất mong bạn gặp riêng thầy Mai hoặc ai đó học giả mà nhận bằng thật...Nếu bạn là người trong cuộc thì bạn cũng là người nhận bằng ân điển, hoặc bạn là người ngoài cuộc thì chưa hiểu được sự thật là như thế nào. Cho nên, tôi nghĩ rằng bài giảng thầy Mai giảng không như nguyên văn bạn viết, Vậy bạn viết để nhằm mục đích gì?

Cho dù bạn có mục đích gì đi nữa thì một lần nữa tôi xin cảm ơn bạn, vì có như vậy mới biết bạn là ai, người như thế nào.

Chúng ta không cần bàn tiếp chuyện này nữa nhé!

HẬU ÂN ĐIỂN CỬ NHÂN.

Nặc danh nói...

Gữi bạn Hậu Ân Điễn ...

Ms T Mai nói : “ Có ngày kia tôi mở lớp tiến sĩ thân học tại nơi đây,… “
Trước đó Ms TM nói “ngày hôm nay VN phát bằng ân điển rất nhiều torng đó có tôi… không phát bằng không được, vì không đủ trình độ.. không đủ khả năng… ”
Không nguyên văn nhưng rõ ràng là như thế… … còn gì…?

Nặc danh nói...

"Trong bối cảnh của Tin lành nước nhà hiện nay có rất nhiều mục sư có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Nhưng trình độ của họ có xứng đáng với tấm bằng mà họ đang sở hữu hay không lại là chuyện đáng bàn." (Hết trích)

Thưa anh!

Tôi xin trình bày vài lý do để anh và các độc giả suy nghĩ như sau:(tôi không bào chữa hay phán xét)

1). Bối cảnh chung cho Hội thánh Chúa tại Việt Nam nó phải xảy ra như vậy. Riêng tôi đồng ý với anh như đã viết trên, nhưng không thể làm gì khác hơn. Nói về luận văn thì hầu hết khó có tìm sinh viên nào viết được. Nếu có thì ân điển hoặc cho qua.Vì hiện nay các trường thần học dạy về viết tiểu luận rất sơ sài, và chính người dạy, và người kiểm tra bài viết cũng chẳng biết gì.( có người phản ứng nhưng người ta không ưa)

2).Bài giảng ngày nay cũng tương tự như vậy. Người giảng chỉ trích ra một câu Kinh thánh rồi tha hồ truy cập các thừ bên ngoài Kinh thánh đưa vào, hoặc trưng dẫn Kinh thánh theo ý của mình. Nền tảng để thiết lập bài giảng là sứ diệp của Kinh thánh lời Chúa phán. Nhưng một số bài giảng chỉ xoay quanh vấn đề mà người giảng noí chứ không còn là Chúa nói gì.Không dám nói thẳng chứ nó giống như là lên án và chỉ trích. Khó tìm thấy sự an ủi và khích lệ.

3).Không phải riêng ông DVH mà còn Khiêm, Gíam...,Không biết họ viết luận văn hay luận án,hay khảo luận...Theo các giáo sư của họ than phiền người Việt Nam...?! Nhưng vẫn phải tốt nghiệp vì bối cảnh hiện nay. Nhưng gần đây giáo sư Ku rất cẩn thận xem xét các bài luận tồt nghiệp cho các lớp học vì tiếng tăm không tốt quá nhiều (băng ân điển cho quá nhiều mục sư cao cấp). Riêng tại trưởng lão, ông Bùi Tần cũng đang gây khó cho sinh viên từ li từ tí, vì ông ấy muốn có tiếng vì chính bản thân ông ấy trước kia cũng ân điển.) Nhưng nói vậy thôi chứ, người chưa từng viết luận văn thì làm sao mà chấm bài luận cho đúng? Hoặc có chăng thì người khác viết dùm.(các sinh viên trong lớp học của ông ấy nói như vậy, họ viết luận văn cho ông ấy. Tôi nghe sao nói vậy, Chúa biết!)

Như vậy, trong Cơ-đôc gíao dục hiện nay chưa trong sáng thì bên ngoài làm sao mà chúng ta trách họ được? Xã hội ảnh hưởng Hội thánh hay Hội thánh đang bị hóa... ?

Điều nầy rất tế nhị nhưng bạn can đảm nói lên thì tôi chỉ mong bạn thông cảm cho ông DVH, Gián, Khiêm,XL...;và nhiều quí học cao khác nữa.Bạn cứ thử kiểm chứng đi.Hãy thông cảm cho ông DVH. Qua bài nầy, ông ấy không biết ra sao nữa....

Nam Viet

Nặc danh nói...

Riêng tại trưởng lão, ông Bùi Tần cũng đang gây khó cho sinh viên từ li từ tí, vì ông ấy muốn có tiếng (vì chính bản thân ông ấy trước kia cũng ân điển.)
Ms T Mai nói : ... “ngày hôm nay VN phát bằng ân điển rất nhiều trong đó có tôi… không phát bằng không được, vì không đủ trình độ.. không đủ khả năng… ”
- Ông Trần Mai cũng như ô Bùi Tần ... ân điển cả thôi ... !!

Nặc danh nói...

CÁI BẰNG - CÁI BÙA !

Các ông Mục sư ngày nay họ coi cái bằng là CÁI BÙA HỘ MẠNG, nhờ cái bằng để khoe mẽ và tiến thân trong giáo hội mà thôi chứ có hầu việc Chúa cái gì mà nói ! Ông Tống Thượng Tiết vì muốn phục vụ Chúa ông đã XÉ CÁI BẰNG ném vào sọt rác để khỏi bị cám dổ,còn các ông sư ngày nay thì lại khoái khoe cái bằng vô học thì biết họ là ai rồi ! Ông Thái Phước Trường thì khoe cái bằng Tiến Sĩ Danh Dự của Mỹ ban cho thì có gì hơn con chó mà Mỹ cũng cấp cho nó cái bằng danh dự tiến sĩ ! Ông Mục sơ Lê Hoàng long Chủ Tịt Hội Đồng Giáo Phản học chư hết lớp 9, khi phong tào tiêu chuẩn hoá cán bộ ông cũng chạy mua cái bằng cấp ba qua chương trình Bổ Túc, vậy mà bây giờ đi đâu cũng khoe có BẰNG CAO HỌC ! Bọn họ là thế. Pó tay.com.

Tấn Lai, Cần Thơ

Nặc danh nói...

"Ông Trần Mai cũng như ô Bùi Tần ... ân điển cả thôi ... !!" (Hết trích)

Không biết ân điển này từ Chúa ban cho hay của các ông này ban cho?

Nếu đến tử Chúa thì những nhà phê bình hãy nhớ lời Gamalien nói đó nhé. Còn như không phải tử Chúa ban thì các văn bằng ấy chỉ là tờ giấy được bán với giá cao hơn những tờ giấy khác dành cho những người ("học giả, học dốt...") để họ mua.Đây cũng là cách kinh doanh rất thành công trong thời điểm "học giả bẳng thật) Cửa hàng phát văn bằng hiện nay đang có nhu cầu "ra" bất cứ ai có nhu cầu "xài" thì tại đây cung ứng đầy đủ, giá cả hợp lý...

Như trên, quí bạn cao kiến hãy thông cảm và hiểu như sau:

- Họ là Cơ-đốc giáo nhưng Do thái giáo đã xây dựng kiên cố trong họ.

- Họ là Tin lành giáo nhưng Tam giáo đã bao phủ họ.

Cho nên, cách sống và quan điểm sống vẫn còn na ná. Mặc dù họ nói ân điển nhưng ân điển theo cách con người nghĩ.

Nhìn trái biết cây. Những người này hầu như không có con trai(không biết con riêng, con nuôi thì sao) nhân sự bỏ ra đi. Và nhiều nhiều lắm..."Những danh nhân vào sống ra chết với tư gia". Các vị cao kiến cứ tìm đến đoàn cãi lương sống giang gặp các anh như anh bán vé Toanphuoc, và anh kéo màng Nguyenly...thì sẽ rõ.

Họ là khối đoàn kết các hệ phái: cha một hệ phái, con một hệ phái, rễ một hệ phái. "tam hệ giáo"...?

Hãy suy nghĩ, một mai qua đời rồi, tôi sẽ để lại cho thế hệ sau điều gì? Một đoàn hát bội chăng?

Quê Ta QN.