Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Nếu Không Còn Tết Cổ Truyền

Nếu không còn Tết cổ truyền

 
Chúng ta đã sống quá lâu trong nền tảng giáo dục vô thần, bài trừ mê tín dị đoan, để rồi bây giờ người ta đi chùa đa phần là để đắp tiền lên tượng Phật, cầu xin tài lộc và cứ tưởng mình theo đạo Phật? Việt Nam không còn nhiều Phật tử thực thụ, người ta đến chùa để cầu xin danh lợi cho bản thân là nhiều, phát nguyện thiện tâm là mấy. Chúng ta chạm ngưỡng báo động về sự vô thần, vô đạo nhưng chúng ta còn có Tết. Tết để về nhà, để giữ gìn thứ nền tảng cuối cùng, đáng quý, đáng hãnh diện, thứ nền tảng Có Thật (chứ không phải thứ mơ hồ như con rồng cháu tiên, đậm đà bản sắc dân tộc...) - Nền tảng Gia Đình.
Tết bây giờ khác xa với Tết trong ký ức của tôi hồi nhỏ. Khi xã hội ngày càng hiện đại, thực dụng hơn, sự thiêng liêng ngày Tết dường như cứ mai một dần, thậm chí với nhiều người đó chỉ còn là thủ tục cần phải chu toàn. Tuy nhiên, dẫu thời thế thay đổi thế nào, Tết vẫn là một tín hiệu thiêng đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt. Có câu hát rất đúng tâm trạng của người Việt trong dịp Xuân về: “Ai xuôi ngược trên khắp nẻo đường quê hương, nhớ quay về đón mùa Xuân yêu thương...”

Ngày Tết, chúng ta cười với nhau nhiều hơn
Nhiều người sẽ không quên tiếng pháo đêm giao thừa, mùi pháo sẽ ám ảnh trong ký ức nhiều người Việt Nam suốt đời. Biết sao được, họ đã lớn lên cùng nó, nó là tín hiệu của Tết một thời không chỉ cho riêng bọn trẻ con. Tôi không bao giờ quên cảm giác sáng mồng Một ra đường, phố xá vắng tênh, khói hương lâng lâng hòa quyện trong đất trời tĩnh lặng, trên những bậc thềm, trên hè đường là xác pháo đỏ tươi. Người lớn ăn mặc chỉnh tề thắp nén nhang cho ông bà tổ tiên, xuất hành đầu năm đi lễ chùa, bọn trẻ háo hức chờ ông bà bố mẹ mừng tuổi.
Gần trưa, trời hửng chút nắng, cả vòm mây sáng rực lên như dải lụa mật ong mỏng mảnh, trong vắt đẹp đến ngây người. Tôi vẫn luôn chờ những buổi sáng mồng Một để được ngơ ngẩn đi mãi trên phố cảm nhận một cái Tết trong lành, tinh khôi. Sáng mồng Một, con người cũng bớt sân si, trộm cướp cũng gần như không hoạt động, sự yên bình gần như tuyệt đối. Nắng hửng lên, thành phố được bọc trong thứ nắng lụa vàng tuyệt đẹp. Thành phố vẫn vắng, vườn hoa vẫn những cánh hoa bướm lung lay trong gió. Cảm giác này chỉ có từ lúc tôi còn bé xíu, những thành phố chưa bị đô thị hóa, đông đúc nghẹt thở như bây giờ. Đời sống ngày đó nghèo nên Tết cũng thiêng liêng hơn, trong lành hơn.
Năm nay, tôi ăn Tết ở Sài Gòn, thành phố mà tôi coi như quê hương thứ hai của mình. Tết Giáp Ngọ, Sài Gòn lành lạnh, từ trước giao thừa đã có Thụy khí, nắng gió đều mang khí thiêng hoàng đạo khiến tâm hồn bình yên đến lạ. Đêm trừ tịch, tôi cùng gia đình đi lễ chùa, hai bên đường nhà nhà bày ban thờ trước cửa thắp nhang tạ trời đất, mùi khói hương lơ lửng, ngan ngát trong gió đêm, người già, trẻ nhỏ mặc đồ chỉnh tề chắp tay khấn nguyện. Văng vẳng từ xa là tiếng pháo hoa báo hiệu thời khắc sang năm mới, tôi nắm tay vợ, nhắm mắt lại và nhớ về tiếng pháo ngày xưa. Sài Gòn đêm trừ tịch như trở mình về lại bản chất hiền hòa, người người tha thẩn theo đuổi những tiềm thức riêng của mình, cảm nhận một lần Xuân nữa lại trôi qua cuộc đời. Sau cuộc mưu sinh khốn khó của một năm kinh tế chẳng sáng sủa gì, Tết khiến người ta dừng tất cả những đua tranh, đau đớn để xích lại gần nhau, về với mái nhà, thắp nén nhang thành kính cho đất trời, ông bà tổ tiên, nhắc nhở người ta về chữ đạo, về một miền đất có đạo.
Có một điều hay, trong dịp Tết, những người xa lạ cũng có thể nở nụ cười với nhau trên phố, thậm chí chúc nhau một câu an lành. Ngày bình thường đừng mong nhìn thấy những nụ cười thân thiện trên phố, ai cũng lo toan tính toán cho công việc của mình, trên đường mạnh ai nấy phóng tán loạn, kẹt xe đến mức hỗn loạn. Phong thủy sư Nguyễn Nguyên Bảy có lần nói với tôi rằng trong mắt người phương Tây, yếu điểm lớn nhất của người Việt là không biết cười. Nhưng thật may trong dịp Tết, người Việt nở nụ cười với nhau nhiều hơn. Tết khiến người Việt yêu thương nhau hơn ngày thường.

Người Việt không thể mất Tết
Dù trong Nam hay ngoài Bắc, Tết luôn là thời khắc dành cho gia đình. Có thể Tết đã bớt thiêng liêng nhưng mỗi độ Xuân về, các bến xe vẫn nô nức người tứ xứ cố gắng tìm tấm vé về quê ăn Tết. Vé máy bay thì phải đặt trước cả tháng mới mong có chỗ để về. Tôi từng hỏi một số người tại sao họ về nhà dịp Tết, một nửa nói nhớ nhà, một phần nói Tết thì phải về nhà chứ, một phần còn lại nói vì nghỉ cả chục ngày không về nhà biết làm gì? Dù mục đích thế nào, người ta cũng đang trở về với gia đình mình vào dịpTết. Dù muốn dù không, người Việt vẫn dành cho nhau lời chúc tốt đẹp vào đầu năm, đi chào hỏi chúc Tết ông bà họ mạc. Đó là nền tảng rất quý của xã hội và con người Việt Nam - Nền tảng gia đình.
Nhiều người nhận xét phương Tây thực dụng, không coi trọng nền tảng gia đình truyền thống, tôi thấy đó là một nhận xét hời hợt. Nếu chúng ta có Tết cổ truyền thì họ có lễ Giáng Sinh. Rất nhiều những bộ phim về Giáng Sinh đã khiến chúng ta xúc động khi thấy những nhân vật dẫu khó khăn, cách trở thế nào cũng cố gắng trở về nhà trong dịp lễ này. Sự thiêng liêng đó là có thật và nó vẫn rất vững vàng trong tâm hồn người phương Tây. Nhìn lại xã hội đang ngày càng thực dụng, các giá trị bị đánh tráo, vấn nạn hình thức lan rộng, điều mỗi người Việt cần gìn giữ chính là những giá trị thiêng liêng như Tết cổ truyền của dân tộc. Và chúng ta vẫn đôi khi tự hỏi Tết có đang mất đi không?
Nếu đã hỏi tức là chúng ta đã lờ mờ nhận thấy Tết đang mất đi sự thiêng liêng rồi. Cuộc sống kinh tế thị trường, công nghiệp hóa đẩy người ta sống ào ào, thậm chí không ngại ngần làm hại, nói xấu nhau để mình có lợi hoặc chỉ để cho vui, góp câu chuyện làm quà. Nhiều người nhận ra sự hỗn loạn trong nền tảng đó đã quay về nhà mình vun xới một cái Tết thật đầm ấm, thiêng liêng. Họ làm không chỉ cho tâm hồn mình mà còn vì tâm hồn của những đứa trẻ con, chúng cần lớn lên và hiểu truyền thống của ông cha, cần hiểu trên đời này có những điều thật thiêng liêng như gia đình sum họp, như Tết cổ truyền. Nhìn xa hơn, đó là hưng vong của dân tộc, người Việt phải bảo vệ bằng được bản sắc đã vốn bị ít nhiều hòa tan, pha loãng trong tiến trình hội nhập. Người Việt cần phải về nhà trong dịp Tết để trao nhau nụ cười, đắp bồi lễ nghĩa và cứ như vậy, nền tảng gia đình chính là nền tảng sống còn của Việt Nam.
Một vị đức cao vọng trọng nào đó đã từng đề nghị bỏ Tết âm lịch và ăn Tết dương lịch như người phương Tây. Để làm gì? Ông nói để tiết kiệm! Xét trên phương diện kinh tế, đó là điều ấu trĩ vì đó là dịp kích cầu cho thị trường. Xét trên phương diện đạo đức, ông ta nên cố gắng xin nhập quốc tịch ở Mỹ, Anh, Pháp để ăn Tết với nhân dân thế giới. Tất nhiên, rất nhiều người đã phản ứng gay gắt ý kiến của ông giáo sư nọ và tôi lấy làm mừng vì người Việt vẫn còn biết sợ khi “Di sản quý nhất” của họ đang bị đe dọa lấy mất. Nếu Tết cổ truyền thực sự bị bỏ đi, đó là tội ác ấu trĩ, nó ảnh hưởng nhiều hơn thứ người ta có thể nghĩ đến là tiết kiệm ngân sách. Một quốc gia chỉ giàu có thịnh vượng khi nó được vun đắp bằng nền tảng gia đình, bằng lòng ái quốc thực sự trong tim chứ không phải hô hào hình thức.
Chúng ta đã sống quá lâu trong nền tảng giáo dục vô thần, bài trừ mê tín dị đoan, để rồi bây giờ người ta đi chùa đa phần là để đắp tiền lên tượng Phật, cầu xin tài lộc và cứ tưởng họ theo đạo Phật? Việt Nam không còn nhiều Phật tử thực thụ, người ta đi chùa để cầu xin danh lợi cho bản thân là nhiều, phát nguyện thiện tâm là mấy. Chúng ta chạm ngưỡng báo động về sự vô thần, vô đạo nhưng chúng ta còn có Tết. Tết để về nhà, để giữ gìn thứ nền tảng cuối cùng, đáng quý, đáng hãnh diện, thứ nền tảng Có Thật (chứ không phải thứ mơ hồ như con rồng cháu tiên, đậm đà bản sắc dân tộc...) - Nền tảng Gia Đình.
Đầu Xuân, chắp tay cầu cho mảnh đất quê hương thịnh vượng, người Việt yêu thương nhau nhiều hơn!

(Sưu Tầm) 


0 nhận xét: