Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Chúa Có Định Cho Ai Sự Hư Mất Không?


Chúa Có Định Cho Ai Sự Hư Mất Không?

Kết quả hình ảnh cho hỏa ngục
(Minh họa)
Kinh thánh cho biết: Trước khi sáng thế, Đức Chúa Trời đã chọn một số người để cứu chuộc và lập nên Hội thánh… Sự sa ngã của con người là Chúa biết trước…
Như vậy, một số người sẽ hư mất, bởi vì Chúa chỉ chọn một số người để được cứu… Vấn đề đặt ra là Chúa có “tiền định cho ai bị hư mất” không? Nếu Chúa tiền định cho một số người hư mất thì việc đó có nghịch lại bản tánh yêu thương, nhân từ của Chúa không?
Quả thật, nếu nhìn vào sự kiện Chúa biết trước sự ngã của con người và Ngài định cho một số người được cứu thì có vẻ cũng đồng nghĩa Ngài cũng “định cho một số sa ngã hư mất”… Và như vậy thì việc đó sẽ “nghịch lại với bản tánh công bình, yêu thương, nhơn từ của Chúa”… chăng? Nếu không giải quyết được mâu thuẫn này thì giáo lý hoặc quan điểm tiền định là một vấn đề khó khăn: không thể phủ nhận (vì Kinh thánh dạy như vậy) nhưng cũng khó chấp nhận, vì làm sao một Đức Chúa Trời công bình, yêu thương lại “định cho một số người hư mất, chịu hình phạt đời đời trong hỏa ngục”?
Nếu bảo rằng đó là “quyền tối thượng của Đấng Tạo hóa” (Thợ Gốm) thì chúng ta nghĩ sao về số phận những người “bị định cho sự hư mất” khi họ được sinh ra, “sống tạm ít ngày rồi đi vào hồ lửa”? Họ không có quyền chọn lựa? Sự công bình của Chúa ở đâu?
Khi được một số độc giả đặt câu hỏi như trên thì người viết cũng cảm thấy “khó xử”. Thật sự là khó giải quyết khi bảo rằng “đó là quyền tối thượng của Đấng Tạo hóa”… (Người ta sẽ đặt câu hỏi: Liệu một Đấng Tạo hóa như vậy có quá… “tàn nhẫn” không?)
Người viết đi tìm câu trả lời nơi Chúa (cầu hỏi Chúa về điều này) và… đã được dạy dỗ như sau:
1. Một trăm năm Nô-ê vừa đóng tàu vừa giảng đạo… Ngoài trừ gia đình ông, tất cả loài người thời đó đều từ chối hợp tác với Nô-ê để đóng tàu, cũng như tiếp nhận sứ điệp “cứu rỗi” của Nô-ê… Khi nước lụt đổ xuống và cửa tàu đóng lại thì họ không có quyền để trách Nô-ê hay Đức Chúa Trời “vô tâm”… (hay tàn nhẫn)
2. Mạng lịnh của Chúa từ thời A-đam là “sinh sản và làm cho đầy dẫy đất”… Thế nhưng, từ biến cố nước lụt trở đi, loài người (ra từ Nô-ê và gia đình ông) … họ đã làm ngược lại với ý chỉ ban đầu của Chúa: Tập trung xây tháp Ba-bên để “làm vinh hiển mình, e bị tản lạc khắp đất chăng”? (Sáng thế ký 11) Thay vì làm theo ý chỉ và mạng lịnh ban đầu của Chúa thì họ làm ngược lại (Chúa bảo “tản ra và làm vinh hiển Chúa”, họ làm ngược lại: “tập hợp và lo làm vinh hiển mình”). Họ có ý thức và hiểu rõ công việc họ đang làm không? Họ làm trong ý thức và hiểu rõ… Do đó họ phải chịu trách nhiệm về thái độ và việc làm của họ trước Đấng Tối cao trong ngày phán xét.
3. Khi xử đóng đinh Chúa Jesus- Con Đức Chúa Trời trên thập giá thì những người tham gia có ý thức việc họ làm là bất công và gian ác… với Chúa không? Rõ ràng là có (chính Phi-lát thừa nhận là “người này không có tội gì”). Thế thì Phi-lát và những người tham gia phiên tòa này có chịu trách nhiệm về việc làm của mình trước “Tòa Án Lớn và Trắng”… không? Không thể nói rằng những người xử Chúa họ hoàn toàn không chịu trách nhiệm gì khi đối diện sự phán xét sau cùng.
4. Khi con người “kính thờ và hầu việc loài thọ tạo” (hình tượng các tôn giáo- lãnh tụ chính trị…) thay cho Đấng Tạo hóa thì họ có ý thức không? Và nếu họ làm trong ý thức (thậm chí là ngạo mạn, thách thức Đức Chúa Trời…) thì không thể nói là họ không chịu trách nhiệm khi đối diện sự phán xét sau cùng…
(Người viết khẳng định là Chúa dạy mình như 4 điều trên đây khi đặt vấn đề cầu hỏi Chúa)
- Giả sử những người vì “nhiệm vụ chính trị”, họ phải “chui sâu, nằm vùng” trong các tổ chức, giáo hội Tin lành… Họ làm tới chức “mục sư hoặc hội trưởng”… nhưng họ không tin Chúa thật (không có sự tái sanh)… Khi đối diện với Chúa, Ngài phán: “Hãy lui ra và đi vào hồ lửa”… Những người đó có thể nói “Chúa bất công” được không?
Kinh thánh chép: “Vả, cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật. Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ TỎ ĐIỀU ĐÓ CHO HỌ RỒI, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được,  vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm. Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại; họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng… …Vì họ đã đổi lẽ thật Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc loài chịu dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng khen ngợi đời đời! A-men. (Rô-ma 1: 18-25)
Mặc dù con người là sa ngã, nhưng họ vẫn còn có ý thức rất rõ công việc của mình… Họ biết rõ việc làm, tư tưởng, lời nói, hành động của mình là thiện hay ác, là đúng hay sai… chứ không phải họ là một “con vật hoàn toàn vô thức”… Khi họ bắt bớ Hội thánh, khinh bỉ đạo Chúa hoặc công khai từ chối Phúc âm (chẳng hạn) là họ đang làm trong ý thức của một con người có lương tâm và nhận thức… Do đó họ phải chịu trách nhiệm về “đức tin và sự chọn lựa” của họ… khi đối diện sự phán xét…
- Chúa định cho một số người được cứu, nhưng những người còn lại vẫn phải chịu trách nhiệm về “đức tin và sự chọn lựa” của mình, khi họ công khai “kính thờ và hầu việc loài thọ tạo thay cho Đấng Tạo hóa” là Đức Chúa Trời, khinh dễ quyền phép rất cao, chối bỏ Phúc âm hoặc những việc làm tương tự… vì họ làm những điều đó trong nhận thức và ý chí chọn lựa của một con người, chứ không phải vô thức (như con vật). – Mặc dù sa ngã nhưng họ vẫn biết đúng- sai, vẫn phân biệt được thiện- ác… cho nên họ vẫn phải chịu trách nhiệm về sự chọn lựa “thái độ sống” của mình, khi còn trong dương thế.
- Trước khi sáng thế, Chúa đã biết trước sự sa ngã của con người khi họ chọn “bất tuân mạng lịch Chúa” (ăn trái cấm). Chúa nhìn thấy trước một thế giới sa ngã, công khai “kính thờ và hầu việc loài thọ tạo thay cho Đấng Tạo hóa” (như Rô-ma 1: 18-25 mô tả) … họ làm điều đó trong ý thức và “ý chí tự do Chúa ban cho” chứ không phải làm trong vô thức… Do đó họ phải chịu trách nhiệm về thái độ sống, về đức tin chọn lựa “nhân sinh quan, thế giới quan”, tôn giáo, tín ngưỡng của họ… khi còn trong dương thế.
- Đối với những người “được chọn” theo sự biết trước (tiền định) thì Chúa “kéo họ ra khỏi thế giới bội nghịch có ý thức của con người”… để lập nên Hội thánh… Nếu Chúa không “kéo” thì tất cả thế giới này đều là “bội nghịch và xứng đáng xuống hồ lửa”… mà Chúa vẫn công bình!
Sở dĩ Cơ-đốc-nhân VN chúng ta đa số, nếu không muốn nói là hầu hết theo quan điểm hoặc hành đạo theo hướng “ý chí tự do” (của Arminius) mặc dù “ông tổ” đem Tin lành vào VN là cụ cố giáo sĩ- mục sư AB. Simson, là người của giáo hội Trưởng lão- là giáo hội theo quan điểm “Tiền định tuyệt đối” (của Calvin)… Sở dĩ như vậy, có lẽ là vì không giải quyết được cái mâu thuẫn như lúc đầu chúng ta đưa ra (trong bài này). Đó là: nếu Chúa “định cho một số người được cứu” thì cũng đồng nghĩa Chúa cũng “định cho một số người hư mất”. Và như vậy, sẽ khó giải thích là vì sao Chúa yêu thương nhân từ mà lại “định cho một số người hư mất”! Vì vướng phải mâu thuẫn này, mà không được giải quyết, do đó đa số (các cụ nhà ta) đành chọn quan điểm “không phủ nhận tiền định, mà cũng không dám chấp nhận công khai, tuyệt đối…”. Nghĩa là cũng vừa chấp nhận “tiền định” mà cũng vừa công nhận “ý chí tự do”… (Có người gọi là “tiền định nhưng không độc đoán”)
Hy vọng bài chia sẻ này sẽ giúp chúng ta “đả thông tư tưởng”!
A-men.

Tt. Ms Huỳnh Thúc Khải
LHS- 17/1/2017

1 nhận xét:

Độc Giả Dủ Thiên Thanh Phúc Âm Đường NguyenTrai Q5 SaiGon nói...

Thưa quý độc giả.
Sau khi xem qua phần trình bày : Chúa Có Định Cho Ai Sự Hư Mất Không? Nhiều người trong chúng ta thật sự được niềm Hi vọng như tiên tri Mục sư Huỳnh Thúc Khải (trích : Hy vọng bài chia sẻ này sẽ giúp chúng ta “đả thông tư tưởng”!).
Nếu nói theo đời thì mỗi người cần : Khai Dân Trí . Thì .,
Nói theo Cơ Đốc Giáo Hy vọng bài chia sẻ này sẽ giúp chúng ta “đả thông tư tưởng”! Có nghĩa Khai Sáng Tâm Linh (xác phải có HỒN) nếu có lý luận ắt phải đi song hành với THỰC TẾ.
Tiên Tri được Chúa soi sáng cho Người bởi Loihangsong khai trí tâm linh tôi con Chúa trong thời đại ngày nay. Xin hết phần nhận xét.
* Dủ Thiên Thanh Phúc Âm Đường Ngutentrai Q.5 hcm city.